Nơi hợp lưu những sắc màu văn hóa

LÊ TRỌNG 00:00, 29/06/2023

Xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà hiện có 13 dân tộc anh em cùng sinh sống, chiếm gần 60% dân số toàn xã. Có bao nhiêu dân tộc anh em cùng cộng cư sinh sống tại địa phương là có bấy nhiêu trang phục truyền thống với những sắc màu văn hóa rất đặc trưng đang được gìn giữ và trao truyền. Nét đẹp ấy được ví như những suối nguồn tươi mát cùng hợp lưu, tạo nên dòng chảy bất tận trong không gian văn hóa đa sắc màu Nam Tây Nguyên. 

Trang phục truyền thống của đồng bào Tày, Nùng ở  xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà
Trang phục truyền thống của đồng bào Tày, Nùng ở xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà

MỘT CUỘC “TRÌNH DIỄN THỜI TRANG” ẤN TƯỢNG

Tại một vùng quê xa xôi thuộc địa bàn xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà có một thác nước hoang sơ, tuyệt đẹp, không nhiều người biết đến đã và đang hiện hữu thật đẹp, thật lãng mạn giữa không gian nơi đây. Đó là thác Liêng Chi Nha, nằm ở vị trí tiếp giáp giữa thôn Hòa Bình và thôn Đoàn Kết - nơi hợp lưu của những mạch nguồn bất tận, đồng thời, cũng là nơi hội tụ, hợp lưu bởi những sắc màu văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số anh em hiện đang cộng cư sinh sống trên quê hương mới Tân Thanh.

Trên con đường gập ghềnh, quanh co bên triền đồi với rất nhiều cỏ dại và bông lau dẫn đến thác nước Liêng Chi Nha vào một ngày đầu mùa hè nắng nóng như đổ lửa, trước mắt tôi là một cuộc “trình diễn thời trang” khá hoành tráng của bà con đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao, do Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lâm Hà khởi xướng nhân dịp “Tuần lễ Vàng Du lịch Lâm Đồng” năm 2023 càng làm cho không gian nơi đây thêm phần thi vị và lãng mạn. Mỗi bộ trang phục truyền thống mà bà con đồng bào dân tộc thiểu số từ các tỉnh phía Bắc luôn mang theo bên mình trong cuộc mưu sinh trên quê hương mới Lâm Hà - Lâm Đồng là một nét văn hóa đặc trưng và độc đáo đã được gìn giữ và trao truyền qua nhiều thế hệ. Do vậy, không riêng gì đồng bào Tày, Nùng mà những thiếu nữ Dao được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này cũng rất đỗi tự hào mỗi khi có dịp “trình làng” bộ trang phục truyền thống của đồng bào mình. Em Triệu Thị Kim - thôn Bằng Sơn, xã Tân Thanh chia sẻ: “Em rất tự hào khi được chọn tham gia trình diễn thời trang dân tộc Dao đỏ nhân dịp Tuần lễ Vàng Du lịch Lâm Đồng năm nay. Thông qua sự kiện này, em muốn giới thiệu đến mọi người bộ trang phục truyền thống hết sức độc đáo của đồng bào mình...”.

Trang phục truyền thống của đồng bào Dao đỏ bên thác Liêng Chi Nha, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà
Trang phục truyền thống của đồng bào Dao đỏ bên thác Liêng Chi Nha, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà

ĐỘC ĐÁO TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG CỦA ĐỒNG BÀO DAO ĐỎ

Trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng nói chung cũng như đồng bào Dao nói riêng với vẻ đẹp riêng có của nó đã và đang được gìn giữ và trao truyền qua các thế hệ. Theo tìm hiểu, trang phục truyền thống của người phụ nữ Dao đỏ gồm có: Áo, quần, khăn vấn đầu, thắt lưng và một số đồ trang sức đi kèm. Mỗi trang phục có 5 màu cơ bản đó là: Đỏ, xanh, trắng, vàng và đen, trong đó chủ đạo vẫn là màu đỏ. Để hoàn thành 1 bộ trang phục truyền thống của người Dao đỏ phải mất không dưới 1 năm miệt mài thêu dệt và tạo tác. Giá mỗi bộ trang phục truyền thống là khá đắt, dao động từ 10 - 50 triệu đồng, tùy theo số lượng trang sức bằng bạc được đính kèm trên mỗi bộ trang phục. Theo quan niệm của người Dao đỏ, màu đỏ mang lại hạnh phúc, may mắn, đầy đủ và tạo ra năng lượng tích cực cho con người. Trang phục truyền thống của phụ nữ Dao đỏ được trang trí nhiều hoa văn, họa tiết khá đẹp mắt. Trên nền chất liệu vải chàm thô cùng với kỹ thuật tạo hoa văn từ khâu thêu tay cho đến khâu đính ghép các loại trang sức với bố cục chặt chẽ, hòa sắc rực rỡ không chỉ thể hiện sự khéo léo và tinh tế, mà thông qua đó đồng bào Dao đỏ còn muốn gởi gắm vào trang phục của mình những tâm tư, tình cảm và cả khát vọng sống mang nét văn hóa độc đáo. Gìn giữ, bảo tồn và phát huy nét văn hóa truyền thống đặc trưng và riêng có của đồng bào mình, người Dao đỏ trên quê hương mới Tân Thanh đã và đang góp phần điểm tô hương sắc trong vườn hoa chung đa sắc màu của cộng đồng các dân tộc Nam Tây Nguyên. 

Xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà hiện có 13 dân tộc anh em, trong đó chủ yếu là đồng bào Tày, Nùng, Dao, K’Ho cùng sinh sống, chiếm gần 60% dân số toàn xã. Nếu như trang phục chủ đạo của đồng bào Tày, Nùng là tông màu xanh và đen thì trang phục truyền thống của người phụ nữ dân tộc Dao là tông màu đỏ. Thông qua những bộ trang phục truyền thống khá nền nã và “bắt mắt” của đồng bào mình, những phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số muốn gửi gắm vào đó sự tinh tế, nét độc đáo riêng có và cả những tâm tư, tình cảm mang nét văn hóa đặc trưng. Ông Nguyễn Hải Quân - Chủ tịch UBND xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà phấn khởi cho biết: Cấp ủy cũng như chính quyền địa phương rất tự hào về sự cộng hưởng và giao thoa văn hóa khá ấn tượng của bà con đồng bào các dân tộc thiểu số đang hiện hữu trên một vùng quê đầy nắng và gió Lâm Hà. Những bộ trang phục truyền thống của bà con không chỉ đẹp mà còn rất tinh tế, nhất là trang phục truyền thống của người Dao đỏ... 

Trang phục là một trong những yếu tố cấu thành văn hóa, hình thành nên bản sắc riêng của mỗi quốc gia, dân tộc. Có bao nhiêu dân tộc thiểu số anh em hiện đang cộng cư, sinh sống trên mảnh đất Lâm Đồng nói chung và ở xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà nói riêng là có bấy nhiêu trang phục truyền thống với những sắc màu văn hóa đặc trưng đang được gìn giữ và trao truyền. Nét đẹp ấy được ví như những suối nguồn tươi mát hội tụ và hợp lưu, tạo nên dòng chảy bất tận trong không gian văn hóa đa sắc màu Nam Tây Nguyên.