Chiều kích của đô thị là yếu tố văn hóa

05:12, 26/12/2019

Phố thị có hồn cốt riêng, là văn hóa - nhân văn... Từ cảm thức này, ThS, KTS. Trần Đức Lộc vừa xuất bản cuốn sách "Đi tìm hồn phố thị" (Nhà Xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, tháng 11/2019)...

Phố thị có hồn cốt riêng, là văn hóa - nhân văn... Từ cảm thức này, ThS, KTS. Trần Đức Lộc vừa xuất bản cuốn sách “Đi tìm hồn phố thị” (Nhà Xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, tháng 11/2019). Đây là đứa con tinh thần thứ 3 của anh, cũng là sự hưởng ứng sự kiện UBND tỉnh Lâm Đồng lần đầu tổ chức tọa đàm “Hướng đến xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành đô thị di sản”, ngày 23/11/2019.
 
Đà Lạt hướng đến đô thị di sản. Ảnh: Thụy Trang
Đà Lạt hướng đến đô thị di sản. Ảnh: Thụy Trang
 
Tập sách gồm những bài tản văn ngắn, là kết quả đi, chiêm nghiệm và ngẫm suy của một cây bút có ưu thế và đam mê về kiến thức quy hoạch - kiến trúc và những khoảnh khắc - khuôn hình thông qua nhiếp ảnh. Tác giả chân thành bộc bạch trong lời “Khép” lại cuốn sách: “Tất cả ẩn chứa những cung bậc của cảm xúc và thấm đậm sự hứng khởi trong sáng tạo của riêng mình qua dòng thời gian, chỉ để mong luôn hâm nóng hoài bão và ước mơ cho “Đà Lạt trong tôi” ngày càng tươi đẹp, bền vững”. Qua cuốn sách, Trần Đức Lộc muốn gửi gắm “tâm trạng một đời gắn bó với nghề và trao gửi yêu thương đến quê hương Lâm Đồng - Đà Lạt thân yêu”. 
 
Có lẽ vậy, trong 19 bài viết từ những trải nghiệm sống, làm việc, du lịch trong nước và một số quốc gia, tác giả Trần Đức Lộc trân trọng dành phần thứ nhất thuộc về nơi chốn mình đang sống - “Từ phố núi cao nguyên”. Những bài viết, trước hết phải là người trong cuộc, là chủ thể thẩm mĩ, dù ở phương diện tiếp cận nào. Có thế mới ghi nhận được tính nghiêm ngắn từ giác độ nhìn nhận về học thuật và tính chân thành về mặt cảm xúc của người viết. Dù trực diện hay đặt trong hệ quy nạp của trục so sánh-liên hệ, đô thị Đà Lạt trong Trần Đức Lộc luôn là nỗi niềm thường trực. Một Đà Lạt của hoài niệm, của phát triển, Đà Lạt hôm qua - hôm nay - ngày mai…Thơ mộng và trữ tình là cái cốt cách, nhưng Đà Lạt còn phải hòa vào dòng chảy của hội nhập-phát triển về kiến trúc. Bạn đọc sẽ đồng thuận với KTS Trần Đức Lộc trong mong muốn một Đà Lạt - đô thị hiện đại, phát triển bền vững và có bản sắc riêng. Dĩ nhiên, đó là trăn trở mà không dễ một sớm một chiều có ngay nghiệm duy nhất đúng và cũng chẳng của một cá nhân, mà phải chung tay từ cả cộng đồng. 
 
Bìa tập sách “Đi tìm hồn phố thị”. Ảnh: M.Đạo
Bìa tập sách “Đi tìm hồn phố thị”. Ảnh: M.Đạo
 
Chính vì thế mà tác giả Trần Đức Lộc có ý thức rõ khi nêu những cảm nhận về kiến trúc ở nơi khác để chia sẻ, trao đổi với người đọc về một Đà Lạt đã, đang và sẽ hình thành. Đó là những khoảnh khắc anh đặt chân thả hồn “ngược xuôi khắp chốn” đô thị ở Việt Nam: thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Cà Mau, duyên hải miền Trung; hay ở nước ngoài: Campuchia, Mỹ, Nauy, Ấn Độ...Anh đam mê tìm những nét đẹp về danh thắng kiến trúc nơi khác để tìm sự đồng điệu của mọi người khi sáng tạo một đô thị Đà Lạt. 
 
Cũng vì thế, trong tập sách, Trần Đức Lộc giới thiệu một số công trình bằng bài viết, bằng hình ảnh ở Lâm Đồng do anh hoặc các đồng nghiệp tài danh trước anh hay cùng thời với anh đã thiết kế, để tải cảm xúc và tri thức, tuyệt nhiên không nhằm ở vị trí của giám khảo hay vị kỷ. Cũng vì thế, anh có những trang viết thông qua lăng kính chuyên môn kiến trúc khá hấp dẫn về mặt văn chương như “Ô cửa và khoảng trời”, “Đặc trưng văn hóa trong quy hoạch Đà Lạt”. Cũng nhờ thế, dù viết văn không phải sở trường như tác giả chia sẻ, nhưng trong anh, cảm xúc trước cái đẹp, chất văn hóa của kiến trúc thực sức mạnh. Nó “rung lên từng hồi, kéo theo bao tâm tư nghề nghiệp, thôi thúc viết ra những suy nghĩ của mình, một cách chân thật và trách nhiệm” (Mở lời). Nếu nhận xét về thành công nhất của tập tản văn, tôi cho rằng, đây là những trang viết đã tựa vào tấm lòng và ý thức này. Trân trọng và chúc mừng sự trải lòng trân quý từ một tập sách của tác giả KTS Trần Đức Lộc.  
 
MINH ĐẠO