Ơi Bần…

07:02, 27/02/2020

Ơi Bần…

1. Rất nhiều ngày, tôi chờ đến tháng tư. Rải rác mưa giông làm cho mặt đất thôi khô nẻ. Môi tôi cũng thôi tróc da rớm máu vì mùa gió chướng khô lạnh có pha chút mặn mòi của biển. Tôi cười thật lớn rồi chạy ra bờ sông, nơi có chuyến phà làm nhịp cầu nối giữa miệt vườn cù lao với đất liền. Thật không lạ gì, bến đợi vốn thưa người nên không ồn ã. Nhưng ở đây tôi nghe đầy nắng và gió. Nắng rải đầy mặt sông loang loáng. Đó đây những cụm lục bình lững lờ trôi theo con nước. Gió lướt từng đợt trên những ngọn bần nghe lá hát xanh mơn. Theo mỗi chuyến đò, người người chậm rãi đi rồi về như thói quen của dòng sông này ít khi chảy xiết. 
 
Mưa xuống. Cây bần nở hoa. Cái sắc trắng và tim tím hòa nhau cho bông bần thêm lung linh trong ánh hoàng hôn. Chiều nay tôi lại trèo lên cây bần già ngó mấy con còng gió đang rón rén nơi miệng hang, bầy ròng ròng theo sau mẹ lóc thảnh thơi trong con rạch thông ra sông Hậu. Gió rung rinh, những giọt nước mưa còn đọng trên lá khẽ rơi, bao nhiêu đó cũng đủ chạm nỗi nhớ trong tôi. Tôi khẽ rùng mình. Chị Bần ơi! Phải chi còn chị thì hay biết mấy. Có chị có em chơi vui hơn một mình. 
 
Mấy bữa rồi tôi hái bần chua ăn một mình. Nếu có chị Bần thế nào tôi cũng bị rượt vì cái tội dám “ăn chị”. Nói vậy thôi, chớ chị sẵn sàng trèo lên cây bần hái những trái bần ổi, bần dĩa ngon nhất cho tôi mà không chút do dự. Lúc nào trong túi tôi cũng sẵn có tí muối ớt bỏ trong bọc nhỏ để chuẩn bị cho việc ăn bần. Có lần tôi thấy chị Bần khóc, nước mắt lã chã. Chỉ vì chị giành bắt ba khía với tôi, để rồi bị nó kẹp. Ác thiệt! Lúc đó tôi lại đứng vỗ tay chọc quê chị nữa chứ:
 
Lêu lêu mắc cỡ
Con gái khóc dai
Bị đánh đòn hoài 
Sưng mông sưng đít
Ráng ăn hột vịt 
Mười hột đủ mười 
Chờ tới hai mươi 
Chồng già lại rước… 
 
Thật không ngờ, những lời đồng dao ấy lại ứng với chị trong những ngày sắp tới. Có đêm chị ngắm bầy bươm bướm nhấp nháy trên hàng bần thật lâu, rồi chị nói, đó là sao trời rơi xuống. Nó không vội tắt nên dĩ nhiên là đẹp hơn sao băng và rất thiêng nữa. Chị bảo tôi hãy chắp tay cầu nguyện. Biết là chị nói chơi nhưng tôi vẫn làm theo lời chị. Chị Bần hỏi, em ước gì đó Nguyên. Tôi nói rằng tôi ước được mau lớn để lấy vợ, còn chị cũng sẽ đi lấy chồng. Chị bật cười, nói tôi là thằng quỷ sứ! Có điều tôi chưa biết là không bao lâu nữa, dù không ước, thì chị vẫn có chồng như bao cô gái khác ở quê. Chuyện đó đã được người lớn sắp đặt hết rồi. Ngay cả cái tên Bần của chị cũng đã đổi lại thành Thủy Liễu (cũng là Bần đó thôi!). Bỗng tôi thở dài lo lắng như một ông già. Thực sự chị đã thay tên rồi à? Liệu chị có thay đổi tấm lòng của mình không? Tôi liền nhẩm đếm ngón tay khi nghe chị hứa sẽ còn chơi chung với tôi từ đây cho tới tháng mười. Tôi nhủ thầm, vậy thì còn nhiều ngày lắm. Lúc đó chướng đã về, cây bần cũng thôi nở hoa. Trong gió ngọt thơm đầy hương mía đang chờ ngày thu hoạch. Chắc chị sẽ rất đẹp trong bộ đồ cô dâu. Chị sẽ được trang điểm rực rỡ của tuổi mười tám tràn đầy sinh lực. Không lẽ tôi mất chị Bần rồi sao?! Chị Bần ơi!
 
Tôi ngồi bên con rạch vọng nghe tiếng róc rách kéo dài, hình như là tiếng nước chảy, mà không, tiếng nức nở của đất quê đó mà. Con ba khía chừng như cũng không buồn giơ càng. Bầy ròng ròng thì đi biệt lúc nào hay giờ đây nó đã hoá thành con lóc to rồi cũng không chừng. Cái gió bên sông man mác nghe như cũng se buồn, dập dềnh trên mặt sông là bông bần rụng trắng pha loang màu tím nhạt…
 
Lạ thiệt, tôi đếm từng ngày mà tháng mười sao vội đến. Nó đến không chút ồn ào, không một tín hiệu gì để cho tôi chuẩn bị. Chắc do tôi mải nghĩ về chị nên đâu biết rằng tháng mười cũng như mọi năm. Tháng của lũ, của những đợt mưa giông kéo dài… để sau đó là phù sa, tôm cá và chuẩn bị cho một mùa xuân rợp màu áo cưới pha sắc mai vàng phương Nam. Mà ồn ào để làm gì khi ngày cưới của chị vắng hoe khiến nhiều người chưng hửng. Tôi nghe nói, chị về nhà chồng phải đi qua một chuyến phà, rồi đón và đợi để qua thêm một chuyến xe dài, sau đó lại thêm một quãng đường bay mới tới được nhà chồng. Máy bay cao lẩn trong mây xanh, mây trắng mông lung và thích thật, tôi từng nghĩ vậy. Cái xứ Đài Loan đối với chị và cả tôi cũng như nhiều người ở xóm Rạch Cạn này không thể hình dung được, chỉ biết nó xa lơ xa lắc. Ở đó, tôi hình dung chắc có nhiều xe cộ, nhà máy, xí nghiệp và nhà lầu… Ở đó, tôi đoán chắc là không có những hàng bần như ở quê mình. Nhưng tên của chị là Bần mà. Chị từng nói với tôi dù ở nơi nước ngọt, nước mặn hay nước lợ thì loài bần đều sống được. Tôi tin như vậy. Nhưng tôi không tin là chị không biết nhớ nhà khi phải lấy chồng xa. 
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
 
2. Tôi bây giờ là “anh giáo trẻ trường làng”. Tôi ít nhiều quên đi những kỷ niệm thời thơ ấu. Thời gian như mụ dì ghẻ dễ xoá nhoà, dễ lấp đầy và hờ hững trôi, vạt nhớ cứ ăn sâu và bị rút tỉa dần. Đối với chị Bần, tôi cũng cho vào một ngăn ký ức nào đó xa xăm lắm, đã lâu không mở ra ngắm lại. 
 
Vậy mà, bỗng một ngày tôi gặp lại chị. Cuộc hội ngộ không rình rang nơi miệt vườn cù lao, mà là sự đơn độc, dáng chị ngồi bên vỉa hè phố. Ở phố, chị trải qua nhiều nghề để mưu sinh. Hiện tại chị bán báo rồi cả sách cũ. Ngạc nhiên, mừng và lo để rồi tôi đã không thể trách chị được. Mặc dù hồi chị ra đi, tôi từng nghĩ là chị trốn chạy tôi, mà không, chị trốn chạy một miền quê bởi hoàn cảnh đẩy đưa. Ngày đó mía bị rớt giá, rất nhiều nông dân mang gánh nợ. Nợ Ngân hàng Nhà nước, nợ tư nhân, nợ mấy ông bà chủ bán phân bón. Cây mía đã thưa dần, giồng khoai mì, khoai lang thay thế. Ruộng mía đã tới lứa tới thì thu hoạch mà nông dân vẫn cứ lần lữa chưa muốn đốn, họ chờ giá. Mà mấy tay thương lái thì quá rành tâm lí nhà nông. Nên cái sự nhẩn nha làm giá với nhau lúc nào mà họ chẳng thắng cuộc. Vì ngày qua ngày lá mía rũ xuống như những lọn tóc xanh mang nét buồn, rồi lá mía cũng già đi trong màu khô quánh chát nắng. Cô năm, chị bảy, anh ba, ông sáu phải bấm môi trợn mắt mà bán thốc bán tháo cây mía, để lâu lượng đường lại giảm thì có mà nguy thêm. Lỗ và lỗ. Nhiều thanh niên bỏ quê lên thành phố mong đổi đời. Nhiều nhà trầy trật quá bán cả ruộng vườn lên Sài Gòn mưu sinh chờ cơ may. Có người tự vẫn bởi không tiền trả nợ. Họ lam lũ theo cái nắng, cái mưa mà gió mãi buốt thịt. 
 
Bỗng đâu miệt vườn cù lao có nhiều tay móc nối giới thiệu chuyện cưới gả con gái cho người nước ngoài kéo về ùn ùn. Họ giới thiệu sẽ gả cưới cho người Đài Loan, giàu lắm. Bao cô thôn nữ cũng phấp phổng chờ tin vui có chồng xứ Đài ăn sung mặc sướng. Có chỗ mẹ cha bắt ép con gái phải lấy chồng xứ lạ bỏ cả lời hứa hôn ở chốn quê. Chị Bần cũng nằm trong số đó, chị nghe và vì mẹ cha mà đánh đổi tuổi thanh xuân cho gia đình có một ít vốn liếng hầu mong gỡ gạc qua mùa vụ. Lời hứa của cha chị Bần với cha anh Tuấn cũng rơi vào quên lãng. Chị Bần đó giờ đâu có để ý tới anh Tuấn, nhưng anh Tuấn thì thầm thương trộm nhớ lại không dám thổ lộ tình ý với chị. Rồi ngày anh Tuấn rời quê lên thành phố học đại học, từ đó họ dần xa cách. 
 
Chị kể, có vui sướng gì đâu Nguyên ơi! Họ xem mình như món hàng. Cũng xăm xoi, ngả giá, bắt khỏa thân trước họ để họ coi có bắt mắt không thì mới cưới. Có cô bạn bị cái thằng làm mai mối cho ông xứ Đài, cô bạn đó cứ ngỡ là sẽ được gả cho thằng mối ấy, bởi tay đó quá trẻ trung, lịch thiệp và xỉa tiền ra nhiều lắm cho gia đình cô. Lời ngon ngọt tỉ tê cứ ngỡ thật, rồi cô đã động phòng với gã đó trước ngày lên Sài Gòn để qua xứ Đài. Ông chồng thật sự là người khuyết tật, tuổi hàng cha chú. Người ta cần một người phục vụ sinh hoạt gia đình. Bao cuộc trốn chạy bất thành. Bao nỗi đau còn lưu… chị Bần sụt sùi… Tôi im nghe. Nắng dần nhạt và cái nóng cuối ngày như vẫn còn hắt lên người chúng tôi những giọt mồ hôi muộn.
 
Miệt vườn cù lao lúc này cũng đang vào tháng mười. Gió chướng lại về cho sớm ngày lá bần sương nhỏ giọt. Một lần nào đó, tuổi thơ tôi đã từng chơi trò bẻ lá bần uống sương cùng chị, có lần ai đó trong chúng tôi có nói rằng đó là uống những vì sao. Những vì sao đầy khát vọng cứ nhấp nháy mãi nơi cuối trời. 
 
Thực sự thì tôi cũng đã từng nhìn thấy sao rơi ở cuối dãy đất cù lao ôm quanh một khúc sông Hậu. Trông nó như một củ khoai thật ngon ngọt và bùi. Tôi đã từng nguyện cầu có ngày gặp lại chị. Mong ngày đó đến như thuở nào chị em tôi chơi trò sình đất.
 
Chúng tôi sẽ lại bắt những con cá bống kèo nhảy loi choi dưới đường bao ngạn. Nhớ hoài cái lần tôi có dịp ăn ké canh chua bần cá bông lau nhà chị. Có lần, má tôi đã làm nồi canh chua bần nấu với cá ba sa, khi thì cá ngác, lúc thì cá diêu hồng phải nói là ngon đến tận bây giờ. Sau bếp, má nấu mà hương bần ngào ngạt kích thích cái khứu giác và vị giác của tôi quá chừng. Bần nấu canh chua có vị thanh và dịu. Bần thay me nấu canh chua lại tuyệt diệu hơn ta nghĩ…
 
Tiếng cười ngày xưa trong trẻo quá chừng nhưng bây giờ nó vắt tận đẩu tận đâu rồi chị Bần ơi! Có lẽ nó vắt ngang qua giồng mía, luống khoai, cũng có thể là nơi hang của những chú thòi lòi hoặc đọng lại trên cánh hoa bần rồi nó lại rơi theo những giọt mưa trôi đi, mải miết. 
 
3. Đất cù lao giống như tấm lòng của người biết sẻ chia. Đất dành phần cho cây mía và cũng giành phần cho vuông tôm. Những hàng bần trong mắt tôi ngày một thưa thớt nhưng bộ rễ của chúng cứ vươn dài ra biển ra sông. Rồi một hôm trên lối nhỏ đi về đồng xa, tôi chợt ngơ ngác bởi tiếng còi của những chiếc xe gắn máy. 
 
Đang sống ở miệt vườn mà tôi thấy lạ trước sự thay đổi không ngờ. Khoảnh đất đầy lau sậy của nhà ông Tư đầu xóm mới đó đã bán lại cho bà Năm ú. Giờ thì cái khoảnh đất đó đã mặc tấm áo mới với cái tên bảng hiệu “Cầy tơ 7 món”. Chiều chiều tiếng nói xì xèo cùng với tiếng cụng ly và sóng sánh rượu bia vang cả một khúc sông vốn dĩ rất yên bình. Nhà ông Hảo ngày nào bán cháo vịt nay sửa sang lại dựng bảng karaoke. Rình rang quá… và các cô gái phấn son áo xanh, áo đỏ lòe loẹt không biết từ đâu về, làm cho cánh đàn ông xóm tôi bỗng thừ người, bâng khuâng. Có nhiều người đã bắt đầu tập tành karaoke. Còn cánh chị em phụ nữ thì bắt đầu nhấp nhổm mỗi lúc chiều về. Họ sợ chồng theo hương lạ bay mất. 
 
Con đường quê tôi được nới rộng chắp cánh liền cành với đường tỉnh… Hai bên đường bắt đầu có những bóng đèn cao áp phả màu vàng đục soi trong đêm. Đường quê dường như gần hơn, hun hút xưa không còn. Người ta còn làm cả vòng xoay to đùng rẽ hướng vô chợ huyện, về các xã. 
 
Càng bất ngờ hơn nữa là việc chị Bần cũng đã về miệt cù lao này. Trên con đường quen thuộc, ngày ngày chị vẫn lặng lẽ đẩy xe đi bán rau, củ, quả, thịt, cá… Rồi có ai ngờ, giữa lúc mọi người dựng nhà hàng bia rượu, khách sạn, nhà nghỉ mọc lên thì chị mở sạp báo, tạp chí và cả sách văn học bày bán.
 
Cũng từ cái quầy sạp báo, sách của chị ở Rạch Cạn này, đêm đêm lại nghe vang tiếng hát, tiếng đờn. Kể cũng lạ, người ta nói ở đây lần đầu tiên mới thấy phụ nữ, trỏ chị Bần, biết đờn vọng cổ và ca rất mùi. Nhiều người, kể cả tôi đều quên rằng chị từng ôm cây đờn phím lõm đi hát phục vụ thực khách trong các quán rượu. Chị Bần cũng không ngại đi làm “ô-sin”, kể cả ngồi cạo gió, giác hơi nơi vỉa hè. Lại có người nghĩ rằng “Hội đờn ca tài tử” của chị chắc là dụng ý của người từng trải. Gì chứ quán ca cổ trá hình thì không phải không có. Cho nên cứ mỗi lần ngang qua đó, tôi phân vân thầm hỏi: “Chị Bần có còn như ngày xưa?!”. 
 
Mẹ cha đã giục tôi rất nhiều lần việc cưới vợ. Họ đang mong ngóng có cháu để ẵm bồng. Mà tôi thì cũng đâu còn trẻ nữa, gần ba mươi tuổi rồi còn gì. Tôi quyết định cưới vợ vào giữa mùa mưa dầm. Cũng là do người lớn giới thiệu và chúng tôi thành vợ thành chồng rồi dần dà mới nảy sinh tình yêu. Tình yêu sau hôn nhân. Tôi cũng mặc lòng cho cha mẹ vui. Nhưng không hiểu sao tự thẳm sâu tôi lại nhớ da diết chị Bần, mà không thể gặp và nối lại tình cảm như thuở nhỏ được. Chị cũng có nói gì với tôi đâu. Kỷ niệm ngỡ đã ngủ yên sao lại gợn lòng. Ngày cưới của tôi, đêm ấy tiếng đờn dạo khúc nam ai của chị ngân nga, réo rắt da diết lắm. Sau này nghe mấy người trong xóm nói lại không hiểu sao đêm đó cô Bần đờn ngọt và mùi quá chừng, cô ấy lại uống rượu nhiều mà không thấy say, chỉ có đám đàn ông đêm đó là ai cũng về nhà cho “chó ăn chè” cả. Tôi nghe như trái bần đâu đây chan chát trên đầu lưỡi.
 
Nhà tôi cũng gần cái chỗ bán sách, báo và là nơi “tụ hội đờn ca tài tử” của chị, nhưng tôi chưa một lần thử ghé vô coi hội đó thế nào. Vì tôi biết, sáng mai mình còn phải lên bục giảng nói những điều trong veo với học trò. Tôi sẽ giảng về Vân Tiên và nhiều điều nữa. Bụi phấn như nhoè trước mắt tôi. Ở đó, chị sống từng ngày rất thật với chính bản thân. Sau mỗi cuộc đờn ca và có tí men say hình như tôi lại nghe tiếng thút thít sau cánh cửa. Trang giáo án tôi dạy Kiều, chợt đắng lòng soi lại câu của cụ Tố Như “Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh/ Giật mình, mình lại thương mình xót xa”. Giọt đờn vẫn không thôi cất lên. Giọt đờn như một người bạn ru chị bước qua thời chìm nổi của tuổi thanh xuân. Giọt đờn kéo chị lại với những gì gần gũi nhất nơi quê nhà. Giọt đờn có pha trộn giữa vị ngọt nước sông và nước biển mặn mà. 
 
4. Sáng nay, người dân Rạch Cạn một phen xôn xao. Công an khu vực phong tỏa hiện trường. Người ta thấy xác chị Bần sùi bọt mép mà tay vẫn còn ôm cây đờn guitar phím lõm, bên bàn là lá thư tay chữ đã xỉn màu. Trong đó có đoạn: “… Dù mẹ cha không chấp nhận con trở về nhà. Vì có chồng thì phải theo chồng. Không có tiền, chưa giàu thì đừng có mà về tới ngạch cửa, nên con chỉ ở gần nhà mình. Mẹ ơi! Nếu như lần đó con không đủ can đảm và may mắn đến với con thì chắc gì con đã vượt khỏi xứ Đài, thoát cảnh sống trong nhà ông già 63 tuổi. Phải vừa làm vợ, vừa hầu hạ cả nhà họ. Cơ cực và không nói hết cảnh nước mắt chan cơm nguội mẹ ạ. Mà thôi, con cũng sẽ có lúc ra đi, vì mẹ cha đâu mong một đứa con hư đốn trở về nhà. Cánh cửa gia phong nhà mình có cao lớn mấy mà thiếu ấm áp tình thiêng liêng máu mủ, liệu rồi đây mẹ cha có mủi lòng khi nắng hạn, mưa giông. Con chỉ tiếc cho một thời…”. Thì ra, chị vẫn ngày ngày viết nhật kí qua từng trang giấy vụn nhặt nhạnh lại. Thì ra chị bị ngộ độc rượu. Thằng Út Đẹt dấm dứ: “Chèn ui, dạo này người ta xài cái thứ gì hổng biết nữa mà rượu gạo xứ mình đâu còn là rượu gạo”. Bao tiếng ồ và câu nói “phải chi” phát ra nghe muộn mằn. Người ta còn phát hiện một xấp bản thảo viết ca cổ của chị Bần. Chị viết và sửa lại đầy trong xấp bản thảo đó.
 
Gió bên sông gợn sóng. Trái bần chua rồi. Ông Hai trong xóm móm mém đưa lời ru trong ngày hanh nắng, không quên đệm cho chị Bần bằng nhịp đờn cò: “Bông bần rụng trắng bờ sông/ Lấy chồng xa xứ đừng mong ngày về”. Đêm ấy tôi mớ gọi chị Bần ơi! Mùa chướng còn lâu mới về… chị Bần ơi…
 
Giọt đờn mồ côi. 
 
Truyện ngắn: TRẦN HUY MINH PHƯƠNG