Phòng, chống ngộ độc thực phẩm

AN NHIÊN 05:50, 17/11/2023

Sở Y tế Lâm Đồng nhận định mối nguy mất an toàn thực phẩm (ATTP) hiện nay tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn toàn tỉnh rất đáng lo ngại. Nhiều cơ sở còn thiếu ý thức trong việc chấp hành các điều kiện đảm bảo về ATTP, do đó, nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm (NĐTP) luôn thường trực. 

Chăm sóc, theo dõi bệnh nhân bị NĐTP tại BVĐK Lâm Đồng
Chăm sóc, theo dõi bệnh nhân bị NĐTP tại BVĐK Lâm Đồng

Trong 10 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng đã ghi nhận 4 vụ NĐTP với 212 người mắc, không có ca tử vong. Trong đó, xảy ra tại huyện Bảo Lâm 1 vụ với 14 người mắc; tại huyện Di Linh 2 vụ với 64 người mắc và tại huyện Lạc Dương 1 vụ với 134 người mắc.

Nhằm tăng cường công tác phòng, chống NĐTP, cuối tháng 10/2023, Sở Y tế Lâm Đồng đã tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên môn phòng, chống NĐTP năm 2023. Tham dự hội nghị có lãnh đạo, chuyên viên của Sở Y tế tỉnh, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện II Lâm Đồng và Trung tâm Y tế, Phòng Y tế của 12 huyện, thành phố. Hội nghị đã quán triệt, triển khai Quyết định số 1242 ngày 10/10/2023 của Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh Lâm Đồng về việc ban hành Quy chế xử lý các vụ NĐTP trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tập huấn, hướng dẫn chẩn đoán và xử trí ngộ độc cấp; kỹ thuật lấy mẫu thực phẩm và bệnh phẩm khi có NĐTP xảy ra. Các đại biểu cũng thảo luận, thống nhất một số nội dung trong việc thành lập Tổ thường trực điều tra, xử lý NĐTP trên địa bàn các huyện, thành phố; công tác lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm khi có vụ NĐTP xảy ra… Trao đổi, thảo luận, giải đáp thắc mắc, khó khăn và các kiến nghị trong công tác quản lý, giám sát, phòng, chống NĐTP của các địa phương.

Bác sĩ chuyên khoa II Trịnh Văn Quyết - Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh đã chỉ đạo một số hoạt động tập trung triển khai trong thời gian tới nhằm đảm bảo ATTP, giảm thiểu tối đa các vụ ngộ độc và tử vong do NĐTP trên địa bàn. Sở Y tế tỉnh đề nghị các đơn vị nghiêm túc triển khai tốt hoạt động quản lý các cơ sở theo phân cấp. Trong đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh và Phòng Y tế các huyện, thành phố thống kê, quản lý các cơ sở trên địa bàn; đặc biệt, tăng cường quản lý các cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, thức ăn đường phố và các tổ chức, cá nhân cung cấp suất ăn từ thiện, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý ATTP trên địa bàn.

Cơ quan được phân cấp quản lý cơ sở có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP (đối với các cơ sở thuộc diện phải cấp giấy); tập huấn kiến thức về ATTP, tuyên truyền phổ biến kiến thức; kiểm tra, giám sát, hậu kiểm, kiểm nghiệm mẫu thực phẩm, xử lý vi phạm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm, phối hợp giải quyết khi có sự cố đối với cơ sở thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo quy định.

Đẩy mạnh hoạt động truyền thông về ATTP, phối hợp với các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tăng cường giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về ATTP cho các nhóm đối tượng thường xuyên, liên tục và đặc biệt tăng cường trong các đợt cao điểm của năm. Trong đó, cần lưu ý công tác đảm bảo vệ sinh ATTP tại các trường học.

Công tác thu dung, điều trị bệnh nhân NĐTP: Trung tâm Y tế các huyện, thành phố thành lập các đội cấp cứu cơ động, chủ động về nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, vật tư đảm bảo cho hoạt động cấp cứu, điều trị bệnh nhân NĐTP. Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện II Lâm Đồng tăng cường đào tạo, hỗ trợ chuyên môn cấp cứu, điều trị bệnh nhân NĐTP cho các địa phương.

Công tác điều tra, xử lý các vụ NĐTP: Quán triệt, triển khai và thực hiện nghiêm túc Quyết định số 1242 của Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh Lâm Đồng ban hành Quy chế xử lý các vụ NĐTP trên địa bàn tỉnh. Phòng Y tế phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tổ chức quán triệt, phổ biến nội dung của Quyết định số 1242 tới UBND và Trạm Y tế các xã, phường, thị trấn.

Bên cạnh đó, Phòng Y tế chủ động tham mưu cho lãnh đạo UBND huyện, thành phố thành lập Tổ thường trực điều tra, xử lý NĐTP trên địa bàn. Tổ thường trực do lãnh đạo Phòng Y tế làm Tổ trưởng, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện làm Tổ phó; các thành viên khác gồm một số công chức của Phòng Y tế và viên chức của một số khoa, phòng, Trạm Y tế thuộc các Trung tâm Y tế huyện, thành phố; xây dựng quy chế phối hợp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong Tổ.

Đảm bảo nguồn lực cho công tác quản lý nhà nước về ATTP. Các đơn vị rà soát và trang bị đủ các trang thiết bị, dụng cụ lấy mẫu (thực phẩm và bệnh phẩm), test nhanh phục vụ cho công tác quản lý, kiểm nghiệm về ATTP. Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tổ chức tập huấn nghiệp vụ chuyên môn cho các viên chức các Trạm y tế về công tác thu dung, điều trị bệnh nhân NĐTP, công tác điều tra, xử lý NĐTP, lấy mẫu thực phẩm và mẫu bệnh phẩm… Hạn chế tối đa việc luân chuyển cán bộ phụ trách lĩnh vực ATTP tuyến huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn.