Ngày 5/7/2018, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 1365/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Xây dựng TP Đà Lạt trở thành thành phố thông minh” giai đoạn 2018-2025, với mục tiêu đưa Đà Lạt trở thành thành phố thông minh thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như hiệu quả hoạt động của chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện và bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ứng dụng Đà Lạt trực tuyến - Igov Connect (trái) và ứng dụng Đà Lạt City (phải) trên điện thoại di động. Ảnh: H.An |
Trên cơ sở Đề án của UBND tỉnh Lâm Đồng, UBND TP Đà Lạt đã xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện các nhiệm vụ xây dựng thành phố thông minh. Công tác xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng và xuyên suốt của toàn bộ hệ thống chính trị thành phố. Vì vậy, lãnh đạo thành phố quyết tâm, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong chỉ đạo thực hiện để hoàn thành mục tiêu kép nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý của các cơ quan nhà nước và góp phần nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân và du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện các hạng mục theo lộ trình, công tác xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bằng cách tích hợp với các hệ thống thông tin ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền và mức độ hài lòng của người dân; góp phần xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, phục vụ Nhân dân, mang lại nhiều tiện ích.
• Tháng 12/2019, Trung tâm Điều hành thông minh TP Đà Lạt (Trung tâm IOC) được chính thức đưa vào vận hành với mục tiêu cung cấp thông tin toàn diện các hoạt động đang diễn ra trên địa bàn thành phố.
Trung tâm hiện tại đã được tích hợp với các hệ thống thông tin ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đảm bảo tính chân thực, chính xác, minh bạch, trong đó có nhiều hệ thống đang cung cấp dữ liệu thời gian thực tại trung tâm, giám sát và điều hành chỉ tiêu báo cáo, thống kê; hiệu quả hoạt động của chính quyền và độ hài lòng của người dân; an ninh trật tự công cộng; các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, quản lý sử dụng đất đai; tương tác, giao tiếp phục vụ công dân.
• Đà Lạt trực tuyến - Igov Connect được triển khai ngày 1/6/2019, đã mang lại nhiều hiệu quả, lợi ích cho công dân, tổ chức nên được sự hưởng ứng, đánh giá cao từ nhiều tầng lớp Nhân dân, tổ chức trên địa bàn đặc biệt là các tính năng đăng ký số trực tuyến, thông báo số thứ tự giúp công dân, tổ chức chủ động trong việc lấy số và liên hệ Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thành phố; phản ánh tại hiện trường; tra cứu thông tin quy hoạch sử dụng đất. Đồng thời, ứng dụng Đà Lạt trực tuyến còn tích hợp chương trình du lịch, việc làm, giáo dục và bản đồ, địa chỉ các cơ quan nhà nước trên địa bàn TP Đà Lạt; Bảo hiểm xã hội; lao động việc làm.
• Được cung cấp trên 2 nền tảng website và ứng dụng di động, Cổng thông tin quy hoạch Đà Lạt cung cấp thông tin chi tiết quy hoạch sử dụng đất theo Quyết định 704; 681 và 1409, quy hoạch phân khu, quy hoạch kiến trúc, thông tin giá đất, phản ánh,... với mục tiêu cung cấp thông tin chính thống về đất đai, quy hoạch, đáp ứng nhu cầu minh bạch thông tin của người dân. Hoàn thành số hóa 116.848 thửa đất cho 12 phường, 4 xã; quy hoạch phân khu 25; giao thông 207; đường 577 tuyến và 625 hẻm.
• Ứng dụng hỗ trợ cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn TP Đà Lạt được triển khai thực hiện từ tháng 6/2018 đến tháng 1/2019 đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng và khai thác có hiệu quả. Giúp giảm khoảng 30% thời gian tác nghiệp soạn thảo tờ trình, dự thảo giấy phép xây dựng; quản lý thống kê được số hồ sơ nhận, trả đúng hay trễ hạn tại các khâu nào trong quy trình; thuận lợi trong việc tổng hợp, thống kê, báo cáo...
• Phần mềm xử phạt hành chính trên lĩnh vực xây dựng và văn hóa được triển khai thực hiện đưa vào sử dụng từ ngày 15/12/2020, tại địa chỉ http://xphc.dalat.vn cơ bản đáp ứng tốt như cầu sử dụng và khai thác có hiệu quả. Phần mềm giúp quản lý được tổng số quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã ban hành, tổng số tiền xử phạt; thuận lợi trong việc tổng hợp, thống kê, báo cáo; quản lý kế hoạch kiểm tra, quản lý hồ sơ, thao tác nhanh, chính xác, đảm bảo thời gian.
• Phần mềm quản lý hộ kinh doanh giúp cải thiện, nâng cao chất lượng trong công tác quản lý các hộ kinh doanh trên địa bàn TP Đà Lạt như: cập nhật xử lý hồ sơ nhanh chóng, báo cáo kết xuất nhanh, tiết kiệm thời gian, khai thác tối đa dữ liệu đăng ký.
• Phần mềm quản lý, giám sát việc thực hiện các văn bản chỉ đạo điều hành của UBND TP Đà Lạt đã giúp UBND thành phố nắm bắt kịp thời tình hình triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của các đơn vị và có những chỉ đạo kịp thời nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với những công việc bị chậm trễ, kéo dài, ảnh hưởng đến công tác cải cách hành chính của thành phố.
• Hệ thống camera tầm cao bắt đầu triển khai từ tháng 12/2020, hoàn thành đưa vào hoạt động tháng 3/2021. Lắp đặt đưa vào sử dụng hệ thống camera tầm cao với 21 vị được lắp đặt 37 camera, thực hiện qua 2 giai đoạn (giai đoạn 1 từ tháng 12/2020 đến tháng 3/2021, giai đoạn 2 từ tháng 4/2022 đến tháng 4/2023). Việc lắp đặt camera giám sát tầm cao trên địa bàn thành phố giúp giảm thiểu việc vi phạm trật tự xây dựng, bảo vệ rừng, đảm bảo an ninh trật tự.
• Trung tâm Điều hành và giám sát giao thông bắt đầu xây dựng và lắp đặt từ tháng 12/2022, đến 20/7/2023 ra mắt Trung tâm. Từ đó đến nay đang hoàn thiện các bước để đưa vào hoạt động chính thức, số liệu phạt nguội chỉ chủ yếu là gửi thông báo, tuyên truyền nhắc nhở vì chưa đủ các yêu cầu về bảo mật và pháp lý.
• Văn phòng điện tử (iOffice) triển khai phiên bản 3.0 từ tháng 10/2015 đến tháng 31/12/2021; từ ngày 1/1/2022 đến nay các đơn vị sử dụng phần mềm Văn phòng điện tử phiên bản 5.0 quản lý văn bản đi, đến. Toàn bộ văn bản trên hệ thống đã được chuyển sang tiếp tục sử dụng trên phiên bản 5.0. Văn bản đi tại các đơn vị đều được ký số trước khi phát hành văn bản lên hệ thống theo quy định; hệ thống văn phòng điện tử đáp ứng theo quy định tại Nghị định 30/2020/NĐ-CP. Đến ngày 18/5/2023 thực hiện khai báo thêm cho các trường học trực thuộc UBND thành phố, nâng tổng số đơn vị sử dụng thành 124.
• Hệ thống một cửa điện tử - Igate là hệ thống tin học hóa dựa trên phần mềm VNPT Igate để giải quyết các thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước theo cơ chế một cửa. Hệ thống một cửa điện tử có các chức năng chính: Tiếp nhận hồ sơ, thụ lý hồ sơ, ký duyệt hồ sơ, theo dõi quản lý, tra cứu kết quả giải quyết thủ tục hành chính, tra cứu danh mục, trình tự, thủ tục hành chính...
• Cổng thông tin du lịch Đà Lạt được cung cấp trên nền tảng website https://dalat.vn và ứng dụng cài đặt trên điện thoại di động giúp người dân và du khách tìm hiểu mọi lĩnh vực liên quan đến du lịch trên địa bàn TP Đà Lạt và một số vùng lân cận nhằm mục tiêu đưa Đà Lạt trở thành một thành phố du lịch thông minh, thân thiện với du khách...
• Phần mềm quản lý y tế được xây dựng nhằm tin học hóa công tác quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn TP Đà Lạt: xây dựng được cơ sở dữ liệu ngành Y tế, từ đó góp phần vào việc tạo lập kho dữ liệu dùng chung của TP Đà Lạt; hỗ trợ và tăng cường hiệu quả trong công tác cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, lập và triển khai thực hiện các kế hoạch kiểm tra, sau kiểm tra các cơ sở thuộc lĩnh vực quản lý; hỗ trợ lập báo cáo, thống kê các nghiệp vụ theo lĩnh vực quản lý.
• Ứng dụng bản đồ số kinh doanh được áp dụng triển khai từ tháng 5/2023, đã giúp chi Cục Thuế trong việc tra cứu thông tin về người nộp thuế trở nên dễ dàng, thuận tiện, việc quản lý thuế được công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận cho người nộp thuế, bên cạnh đó, việc công khai thông tin giấy phép xây dựng cũng tạo nên bước ngoặt lớn, tạo điều kiện để người dân giám sát cùng chính quyền trong việc ngăn chặn tình trạng xây dựng không phép, tính nghiêm minh của pháp luật được đảm bảo, tạo thói quen chấp hành pháp luật khi xây dựng, qua đó tăng được nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Với những kết quả như trên, có thể nhận thấy những công trình, ứng dụng công nghệ đã được ứng dụng rộng rãi, bao trùm trên tất cả các lĩnh vực xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hiệu quả quản lý nhà nước, phát triển toàn diện - bền vững kinh tế - xã hội. Đây cũng là tiền đề để thành phố tiếp tục những phần việc, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, hướng tới mục tiêu năm 2025 Đà Lạt trở thành thành phố thông minh đầu tiên của cả nước.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin