Nhiều nghệ sĩ, nhà quản lý nhận định rằng, Đà Lạt hội đủ các điều kiện thuận lợi để tạo nên những bối cảnh phim tự nhiên, từ đó tạo ra những thước phim đẹp.
Những cảnh quay tại Đà Lạt trong phim Em và Trịnh. Ảnh: Quỳnh Uyển |
Nghệ sĩ Nhân dân Trần Lực chia sẻ: “Đà Lạt có những bối cảnh quay phim rất đẹp!”. Nhận định của ông càng được củng cố từ thực tế số lượng phim, MV ca nhạc, MV quảng cáo chọn bối cảnh tại Đà Lạt ngày một nhiều. Bản thân Nghệ sĩ Nhân dân Trần Lực cũng đã đến đây quay phim từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX. Do vậy, với ông, Đà Lạt không chỉ có không gian lãng mạn, cảnh sắc thiên nhiên đẹp, còn có những khán giả nhiệt tình và thân thiện. “Những năm 1992 - 1994, tôi đã đến Đà Lạt quay phim. Nơi đây hội đủ những điều kiện thuận lợi: cảnh vật, thiên nhiên, sương mù, không khí... để tạo nên những bối cảnh phim tự nhiên, từ đó tạo ra những thước phim đẹp”, ông cho hay. Một số nhà sản xuất phim khi đến Đà Lạt lấy bối cảnh sáng tạo các tác phẩm điện ảnh thừa nhận: “Nước phim quay ở Đà Lạt rất trong, đẹp và giàu chất thơ!”.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chia sẻ với sinh viên Trường Đại học Đà Lạt những kỷ niệm, cảm xúc để làm nên bộ phim Em và Trịnh |
Theo ông Trần Thanh Hoài - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, thời gian qua, nhiều tác phẩm điện ảnh nổi tiếng đã được quay tại Đà Lạt, như: Tháng năm rực rỡ, 100 ngày bên em, Dốc tình, Mùi oải hương năm ấy, Ống kính sát nhân, Em và Trịnh, Chuyến đi của thanh xuân... “Tại sao Đà Lạt không là một phim trường?”, câu hỏi đó được nhiều người nêu lên trước yêu cầu chuyển động của ngành công nghiêp văn hóa. Nó cũng là gợi ý cho việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa ở Đà Lạt. Thiên nhiên trong lành, cảnh quan độc đáo, cùng các di sản văn hóa ấn tượng, “Đà Lạt hội đủ tiềm năng trở thành một phim trường độc đáo của điện ảnh Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông khẳng định tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXIII - năm 2023. Một số người còn đưa ra gợi ý, Đà Lạt cần có những đơn vị chuyên tổ chức set up những phim trường tự nhiên, rồi phổ biến rộng rãi các phim trường đó trên các nền tảng số để những nhà sản xuất phim dễ dàng lựa chọn những bối cảnh quay phù hợp với ý tưởng phim. Như vậy, vừa tiết kiệm được thời gian và tiền bạc cho các đơn vị sản xuất phim, vừa tận dụng được nguồn lao động địa phương. Bởi những người địa phương là người hiểu rõ nhất địa phương mình đang sở hữu những gì, cảnh nào thì có thể xuất hiện trong phim...
Tuy nhiên, nhà sản xuất phim Lê Thị Kiều Nhi - Giám đốc Công ty Cổ phần Phim Ý Anh (TP Hồ Chí Minh), lại nghĩ khác. Bà cho rằng, muốn tiến tới một nền công nghiệp điện ảnh, bắt buộc chúng ta phải có một phim trường chuyên nghiệp. Bởi khi có phim trường chuyên nghiêp, chúng ta mới chủ động được nội dung quay hình, chủ động được nguồn tải điện, chủ động được tiến độ sản xuất, chủ động mọi sinh hoạt của ekip... Có phim trường chuyên nghiệp còn tiết kiệm được thời gian, không phải di chuyển nhiều, không bị ảnh hưởng bởi yếu tố ngoại cảnh, không mất thêm kinh phí cho các thủ tục địa phương trong từng bối cảnh quay. Có phim trường chuyên nghiệp sẽ hỗ trợ set up được những bối cảnh khó, hoặc không thể xin quay hình. Bên cạnh đó, phim trường cùng giúp ekip dễ dàng tạo dựng được không gian, bối cảnh như ý đồ phim muốn khai thác...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin