HỘI NÔNG DÂN ÐƠN DƯƠNG:
Đồng hành cùng nông dân xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

NHẬT QUỲNH 00:07, 02/04/2024

Hội Nông dân huyện Đơn Dương đã và đang khẳng định vai trò tiên phong trong xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) theo hướng thông minh. Nhờ sự vào cuộc của Hội, nhiều nông dân đã áp dụng thành công mô hình sản xuất thông minh, góp phần đưa địa phương đến gần hơn mục tiêu NTM kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng CNC. 

Nông dân Đơn Dương nâng cao hiệu quả sản xuất nhờ mạnh dạn ứng dụng nông nghiệp CNC
Nông dân Đơn Dương nâng cao hiệu quả sản xuất nhờ mạnh dạn ứng dụng nông nghiệp CNC

Với hơn 16.800 hội viên, Hội Nông dân huyện Đơn Dương luôn phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo trong các phong trào, hoạt động phát triển kinh tế, góp phần cùng địa phương xây dựng NTM. Chủ tịch Hội Nông dân huyện K’Đim cho biết, thời gian qua, Hội tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua thiết thực như “Sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Cùng với đó, Hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề giúp nâng cao năng lực sản xuất cho nông dân. Năm 2023, các cấp Hội trong huyện đã phối hợp với các ngành, doanh nghiệp, đơn vị tổ chức 10 lớp với hơn 320 hội viên và con em nông dân tham gia học nghề ngắn hạn; tổ chức hơn 170 buổi tập huấn, hội thảo, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 9.700 lượt cán bộ, hội viên. 

Hội Nông dân Đơn Dương xác định xây dựng các mô hình dân vận khéo, vận động nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản là hướng đi quan trọng. Nhờ đó, nhiều mô hình liên kết sản xuất hiệu quả đã được hình thành. Hiện, toàn huyện có trên 30% sản lượng rau, 100% sản lượng sữa tươi được liên kết tiêu thụ ổn định qua hợp đồng; 36 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ ổn định; 24 sản phẩm OCOP được tỉnh công nhận 3 sao và 4 sao. Giá trị sản xuất bình quân đạt 220 đến 230 triệu đồng/ha/năm, trong đó có những mô hình rau, hoa, ớt chuông đạt 1,5 tỷ đến 2 tỷ đồng/ha/năm. 

Ngoài việc đẩy mạnh các phong trào thi đua, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, Hội Nông dân huyện còn chú trọng vận động, hướng dẫn thành lập các tổ hợp tác, tổ hội nông dân nghề nghiệp sản xuất rau, hoa gắn với dự án vay vốn quỹ hỗ trợ nông dân. “Một số mô hình tiêu biểu như Hợp tác xã (HTX) Như Ý (Lạc Xuân), HTX rau Việt Gap (Lạc Lâm), HTX Gia Nguyễn (Quảng Lập), mô hình Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp sản xuất và tiêu thụ Rau hoa Thạnh Mỹ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân”, ông K’Đim cho biết. 

Mặt khác, các hoạt động dịch vụ, tư vấn hỗ trợ nông dân tiếp cận nguồn vốn, thông tin thị trường và nâng cao kỹ năng kinh doanh cũng được Hội quan tâm. Theo đó, Hội thường xuyên phối hợp các ngành chức năng hỗ trợ kinh phí giúp nông dân đầu tư các thiết bị tưới thông minh, hệ thống tưới châm phân tự động, hệ thống quản lý vi khí hậu IoT trong nhà kính, máy trộn thức ăn, máy vắt sữa… Hội Nông dân các cấp còn phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Đơn Dương, Ngân hàng Chính sách xã hội… tạo nguồn vốn hỗ trợ hơn 4.200 nông dân. Hội cũng xây dựng và khai thác nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp với dư nợ gần 5,8 tỷ đồng cho hơn 180 lượt hộ nông dân vay, đầu tư vào các dự án hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. 

Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Hội Nông dân và các cấp chính quyền, nhiều nông dân đã tự tin tiếp cận công nghệ mới, mạnh dạn mở rộng đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đến nay, huyện Đơn Dương có 3/8 xã đạt NTM kiểu mẫu và 3/8 xã đạt NTM nâng cao. “Có được kết quả này là nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội Nông dân các cấp, các ban, ngành, đoàn thể và sự hưởng ứng tích cực của người nông dân, các doanh nghiệp”, ông K’Đim nói. 

Phát huy những thành quả đạt được, Hội Nông dân huyện đề ra một số giải pháp cụ thể trên cơ sở đánh giá các thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức hiện tại. Giải pháp được chú trọng hàng đầu là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên nông dân ứng dụng CNC và nông nghiệp thông minh. Hội sẽ khuyến khích nông dân tham gia phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Hội cũng tăng cường phối hợp chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, xây dựng các điểm trình diễn, tổ chức hội thảo, dạy nghề, tạo điều kiện cho nông dân tham quan học tập. 

Ngoài ra, Hội cũng tăng cường công tác phối kết hợp với các ngân hàng để tạo nguồn vốn hỗ trợ cho nông dân vay vốn ưu đãi đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Đồng thời, hỗ trợ các tổ chức, nông dân thực hiện sản xuất theo các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, Organic… Hội Nông dân huyện cũng chú trọng thúc đẩy phát triển các hình thức kinh tế tập thể, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, giúp nông dân có đầu ra ổn định cho sản phẩm, nâng cao thu nhập và giảm thiểu rủi ro trong sản xuất. “Hội Nông dân huyện sẽ luôn đồng hành cùng với nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC. Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và người dân, Đơn Dương sẽ sớm trở thành huyện NTM kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng CNC”, ông K’Đim chia sẻ.