Trong những tháng đầu năm 2024, nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có xu hướng gia tăng so với cùng kỳ năm 2023. Tại khu vực miền Trung, trường hợp tử vong do bệnh dại tăng đột biến, bệnh cúm gia cầm A/H5N1 ghi nhận 1 trường hợp tử vong tại tỉnh Khánh Hòa. Gần đây nhất, ngày 6/4, Việt Nam đã ghi nhận ca mắc cúm A/H9 tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), Virus cúm là một họ virus lớn gồm 4 type A, B, C và D. Trong đó, nhóm A và B thường gây những vụ dịch cúm mùa trên người, đặc biệt cúm A có thể gây ra những đại dịch cúm trên thế giới. Trong khi đó, cúm C thì chỉ gây bệnh nhẹ trên người và không thành dịch, còn cúm D chỉ gây bệnh trên động vật. Riêng đối với cúm A, đến nay khoa học đã phát hiện có đến 18 nhóm kháng nguyên H (ký hiệu từ H1 đến H18) và 11 nhóm kháng nguyên N (ký hiệu từ N1 đến N11). Các kháng nguyên này tổ hợp với nhau và hình thành các type virus cúm A khác nhau. Đã có hơn 130 type virus cúm A được xác định trong tự nhiên, chủ yếu ở các loài chim hoang dã. Các type cúm A hiện đang lưu hành trên người là cúm A (H1N1) và cúm A(H3N2). Cúm A (H1N1) đã từng gây đại dịch cúm năm 2009 sau đó chuyển sang lưu hành đến nay. Một số type cúm A gây bệnh trên gia cầm độc lực cao như H5N1, H7N9 cũng đã từng được lây bệnh sang người. Cúm A (H9N2) là virus độc lực thấp, lưu hành trong đàn gia cầm ở châu Phi, châu Á, Trung Đông và châu Âu. Từ sau khi ca H9N2 trên người đầu tiên được báo cáo vào cuối thập niên 1990, đến nay vẫn phát hiện virus rải rác trên người, heo và một số động vật có vú khác và vẫn cần được quan tâm giám sát, dự phòng.
Trên thế giới, từ cuối năm 2023 đến nay, tình hình dịch cúm gia cầm trên động vật diễn biến phức tạp, không chỉ ghi nhận nhiều đợt bùng phát cúm trên gia cầm ở tất cả các khu vực mà còn ghi nhận sự lây truyền cho các loại động vật có vú ngày càng gia tăng. Tại Mỹ, ghi nhận rải rác các trường hợp nhiễm cúm A(H5N1) lây từ gia súc ở nhiều bang. Tại châu Á, tiếp tục ghi nhận các đợt bùng phát dịch cúm trên gia cầm gây ra bởi nhiều chủng vi rút cúm A như H5N1, H5N6, H5N8, H3N2, H9N2, H10N3... Một số quốc gia giáp biên giới với Việt Nam tiếp tục ghi nhận các ca cúm gia cầm trên người bao gồm H5N1, H9N2.
Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các virus cúm mùa gây nên. Các chủng virus cúm A phổ biến là A/H5N1, A/H1N1, A/H3N2, A/H7N9; trong đó, chủng A/H7N9 và A/H5N1 thường lưu hành ở gia cầm, có khả năng lây sang người và tạo thành dịch bệnh.
Cúm A thường xuất hiện trong các đợt cúm mùa và gây ra đại dịch vì virus cúm A thường xuyên thay đổi, phân nhóm tạo thành chủng mới từ cúm mùa này sang cúm mùa khác.Virus cúm A thường lây lan trên động vật như gà, chim, lợn, động vật có vú… và có thể lây sang người.
Các dấu hiệu của cúm A thường xuất hiện đột ngột và dễ nhận biết như: Ho, sốt, chảy mũi, nghẹt mũi, đau đầu, đau họng, đau nhức cơ thể, mệt mỏi, suy nhược, tiêu chảy, ói mửa. Đôi khi các triệu chứng trên tự hết mà không cần điều trị đặc biệt. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng kéo dài nhiều ngày mà không cải thiện, người bệnh cần đến gặp ngay bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời tránh các biến chứng.
Bệnh nhân cúm A diễn biến nặng có thể gây nhiễm trùng tai, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, ho khan, sốt cao gây co giật, tức ngực, viêm phổi và gây nặng lên các vấn đề về tim mạch. Rất khó phân biệt sốt do cúm A với sốt do nhiễm virus khác, nhưng các trường hợp sốt cao do cúm A thường kéo dài hơn.
Đối với những người có hệ miễn dịch yếu như người lớn tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai thì cần theo dõi kỹ khi mắc cúm A vì trong một số trường hợp biến chứng của cúm A có thể gây tử vong.
Cúm A là một trong những căn bệnh rất dễ lây lan trực tiếp vì tốc độ phát triển của virus nhanh chóng. Bệnh nhân bị cúm A có thể lây lan sang người khác thông qua dịch tiết đường hô hấp có chứa virus cúm. Virus cúm A phát tán chủ yếu bởi các phân tử nước khi người bệnh hắt hơi, ho, những giọt nước bắn vào không khí, sau đó vô tình rơi vào miệng, mũi của những người xung quanh. Nếu người bệnh nói chuyện với người đối diện mà không mang khẩu trang, virus cúm cũng dễ dàng thoát ra và bám vào vật chủ khác. Ngoài ra, khi người bệnh ho, hắt hơi, giọt bắn chứa virus có thể bám vào bề mặt các đồ vật và tồn tại đến 48 giờ, khi đó người khác chạm vào các đồ vật đó đưa tay lên mũi, miệng hoặc dụi mắt sẽ bị lây bệnh. Việc dùng chung đồ dùng, ly uống nước, hoặc bàn chải đánh răng với người bệnh cũng có thể lây nhiễm virus cúm A. Tiếp xúc với các động vật có nhiễm cúm như lợn, ngựa, gia cầm… cũng có thể lây bệnh. Tập trung nơi đông người như trường học, công viên, nơi công sở… cũng là điều kiện để virus cúm lây lan nhanh chóng.
Hiện tại đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, gia tăng sự tương tác giữa các chủng vi rút cúm cùng với nguy cơ lây nhiễm sang các loài động vật có vú, Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm các chủng vi rút cúm gia cầm sang người. Bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc xin phòng bệnh.
Để chủ động phòng, chống bệnh cúm lây từ gia cầm sang người, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển và giết mổ gia cầm tuyệt đối tuân thủ các biện pháp dự phòng dịch bệnh thường quy. Khuyến khích đeo khẩu trang khi đi vào chợ gia cầm sống hoặc khu vực buôn bán gia cầm sống; rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm hoặc sau khi đi vào chợ. Khi có biểu hiện giống cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Tuy hiện tại trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhưng để phòng bệnh từ sớm, từ xa, hạn chế dịch bệnh bùng phát và chủ động chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các loại dịch bệnh Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tăng cường triển khai hoạt động giám sát, phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Bám sát tình hình dịch bệnh truyền nhiễm nhất là bệnh dịch mùa xuân - hè (dại, cúm gia cầm…), phối hợp với cơ quan thú y xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, đặc biệt là giám sát dại, cúm gia cầm… góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, đóng góp vào sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ Nhân dân.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin