Một số chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5

CHÍNH PHONG 17:03, 01/05/2024

(LĐ online) - Tháng 5/2024, một số chính sách mới  nổi bật liên quan cải cách chính sách tiền lương mới, điều chỉnh giá điện, tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu nhà giáo... sẽ có hiệu lực.

GIÁ ĐIỆN ĐƯỢC ĐIỀU CHỈNH 3 THÁNG MỘT LẦN

Từ tháng 5, giá điện sẽ được điều chỉnh 3 tháng 1 lần thay quy định điều chỉnh 6 tháng 1 lần trước đây

Từ ngày 15/5, giá điện được xét thay đổi 3 tháng một lần khi chi phí đầu vào tăng từ 3% trở lên, theo Quyết định 05/2024 có hiệu lực từ ngày 15/5 của Thủ tướng. Như vậy, thời gian điều chỉnh giá điện được rút ngắn từ 6 tháng xuống 3 tháng. Mỗi năm sẽ có 4 đợt thay đổi giá.

Giá bán điện bình quân được cập nhật hàng quý theo chi phí phát điện. Khi chi phí này giảm từ 1% trở lên so với hiện hành, giá điện sẽ giảm tương ứng. Giá bán lẻ tới người tiêu dùng, doanh nghiệp sẽ tăng khi chi phí sản xuất biến động 3% trở lên.

Giá bán lẻ điện bình quân tăng 3-5%, EVN được quyền quyết định điều chỉnh. Thẩm quyền tăng giá là Bộ Công thương khi giá điện bình quân tăng 5-10% và trên 10% do Thủ tướng xem xét, quyết định.

Thủ tướng giao Bộ Công thương hướng dẫn EVN tính toán giá bán điện bình quân, kiểm tra, giám sát việc điều chỉnh giá điện. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công thương với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về giá.

Hiện, giá bán lẻ điện thực hiện theo Quyết định 24/2017, thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá điện là 6 tháng nếu rà soát, kiểm tra các chi phí đầu vào khiến giá thành tăng từ 3% trở lên.

HOÀN THÀNH NGHỊ ĐỊNH MỚI VỀ CẢI CÁCH TIỀN LƯƠNG TRONG THÁNG 5

Chính phủ giao Bộ Nội vụ hoàn thành nghị định quy định chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong tháng 5/2024

Tại Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Chính phủ đã quyết nghị nhiều nội dung quan trọng.

Trong đó, Chính phủ giao Bộ Nội vụ hoàn thành nghị định quy định chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong tháng 5/2024.

Đây là cơ sở để thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024. Đồng thời, nghị quyết cũng nêu rõ, yêu cầu triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả và thực hiện cải cách chính sách tiền lương, hoàn thiện xây dựng vị trí việc làm.

QUY ĐỊNH MỚI VỀ XÉT TẶNG DANH HIỆU NHÀ GIÁO, NGHỆ SĨ

Giáo viên Trường THCS-THPT Tây Sơn, TP Đà Lạt

Nghị định 35/2024 đưa ra một số điểm mới trong xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (NGND) và Nhà giáo ưu tú (NGƯT), có hiệu lực từ ngày 25/5. Theo đó, thầy cô ở vùng khó khăn hay giảng viên một số trường được giảm tiêu chí, các giáo viên cũng được dùng chức danh Tổng phụ trách Đội hay chủ nhiệm lớp để xét NGND, NGƯT.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan chủ trì soạn thảo, cho biết thực tế ngành giáo dục không chỉ có danh hiệu giáo viên dạy giỏi. Do đó, Bộ bổ sung chức danh giáo viên chủ nhiệm, tổng phụ trách đội vào diện xét NGƯT, NGND. Ngoài ra, Bộ thêm một số tiêu chuẩn để đánh giá khả năng của nhà giáo. Giáo viên được minh chứng về năng lực sư phạm, kỹ năng mềm, khả năng tổ chức các hoạt động chuyên môn hay tính lan tỏa, ảnh hưởng bằng việc biên soạn báo cáo chuyên đề tại hội nghị, hội thảo; chủ trì biên soạn tài liệu bồi dưỡng.

QUY ĐỊNH VỀ GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Nghị định 36/2024 quy định về giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật, có hiệu lực từ 20/5. Nghị định quy định tác phẩm, công trình về văn học, nghệ thuật của tác giả chỉ được đề nghị xét tặng một chuyên ngành về văn học, nghệ thuật. Tác phẩm, công trình về văn học, nghệ thuật của tác giả đã được tặng Giải thưởng Nhà nước sẽ không được kết hợp với tác phẩm, công trình về văn học, nghệ thuật khác để đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Tác giả được xét tặng giải thưởng có tác phẩm, công trình về văn học, nghệ thuật thuộc chuyên ngành âm nhạc, điện ảnh, kiến trúc, múa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, văn học, văn nghệ dân gian. Tác giả phải đảm bảo các điều kiện như: Trung thành với Tổ quốc, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tác giả là người nước ngoài phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, luật pháp và phong tục tập quán tốt đẹp của Việt Nam...

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ SERI TIỀN MỚI IN

Ngân hàng Nhà nước ban hành tại Thông tư 01/2024 quy định về quản lý seri tiền mới in. Thông tư có hiệu lực từ ngày 14/5/2024. Với tiền được ban hành trước 2003, seri gồm vần và dãy số tự nhiên có 7 chữ số từ 0000001 trở đi.

Với tiền được phát hành từ 2003 trở đi, seri tiền gồm vần seri và dãy số tự nhiên gồm 8 chữ số. Trong đó, hai chữ số liền kề với vần seri là hai chữ số cuối trong năm sản xuất còn 6 chữ số tiếp theo là dãy số tự nhiên từ 000001 trở đi. Trong đó, vần seri gồm 2 trong số 26 chữ cái (A, B, C, D, E, F, G, H, I, J, K, L, M, N, O, P, Q, R, S, T, U, V, W, X, Y, Z) và gồm vần chính, vần phụ. Mỗi tờ tiền có một seri riêng.