Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành BHXH

AN NHIÊN 09:44, 01/05/2024

BHXH Lâm Đồng là cơ quan triển khai thực hiện các chính sách về BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, thường xuyên tương tác, giao dịch và phục vụ hầu hết người dân. Vì vậy, việc xây dựng, kết nối, liên thông Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về bảo hiểm với các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành khác, triển khai các quy trình nghiệp vụ, thực hiện số hóa hồ sơ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến, bảo đảm an toàn thông tin, ứng dụng công nghệ mới là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, cá nhân, tăng cường hiệu quả quản lý của cơ quan BHXH. 

Với việc đưa ứng dụng trên thiết bị di động VssID - BHXH số, ngành BHXH đã cung cấp các DVC, công khai, minh bạch 
các thông tin đóng, hưởng BHXH, BHYT
Với việc đưa ứng dụng trên thiết bị di động VssID - BHXH số, ngành BHXH đã cung cấp các DVC, công khai, minh bạch các thông tin đóng, hưởng BHXH, BHYT

DỮ LIỆU SỐ

Trong thời gian qua, BHXH tỉnh Lâm Đồng đã thường xuyên tích cực trong việc xây dựng CSDL quốc gia về bảo hiểm trong phạm vi quản lý gồm thực hiện việc cập nhật, bổ sung, hiệu chỉnh, rà soát hệ thống CSDL nhằm xây dựng CSDL quốc gia về bảo hiểm ngày càng hoàn thiện, phục vụ cho nhiệm vụ của cơ quan BHXH cũng như việc kết nối liên thông với các hệ thống CSDL quốc gia các ngành khác.

Việc xác thực giữa CSDL quốc gia về bảo hiểm và CSDL quốc gia về dân cư trên địa bàn tỉnh hiện có 1.153.547 người đang tham gia BHXH, BHYT, BHTN đạt 98% người đang tham gia. 

Hệ thống CSDL của ngành BHXH được quản lý tập trung tại BHXH Việt Nam, do đó việc kết nối chia sẻ dữ liệu được BHXH Việt Nam chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai các nhiệm vụ nhằm kết nối chia sẻ CSDL quốc gia về Bảo hiểm với CSDL quốc gia các ngành khác phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp DVC trực tuyến. 

Trên cơ sở việc kết nối, chia sẻ dữ liệu tập trung của BHXH Việt Nam với các bộ, ngành, BHXH tỉnh Lâm Đồng đã triển khai các nhiệm vụ tại địa phương như: Phối hợp Trung tâm Dịch vụ Việc làm đề xuất và đã được BHXH Việt Nam cung cấp tiện ích tra cứu cho cán bộ thuộc các Trung tâm Dịch vụ Việc làm trên địa bàn tỉnh để tra cứu các thông tin: Trạng thái tại thời điểm tra cứu (đang tham gia tại đơn vị sử dụng lao động nào, mã cơ quan BHXH quản lý; đã nghỉ việc); trạng thái hưởng chế độ BHXH; tháng dừng đóng gần nhất; tổng thời gian tham gia BHTN chưa hưởng; lương bình quân 6 tháng cuối của lần chốt sổ cuối cùng trong quá trình giải quyết trợ cấp BHTN.

Từ dữ liệu liên thông với cơ quan thuế, cơ quan BHXH đã thực hiện rà soát phục vụ công tác khai thác, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN; công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH.

Có thể thấy, với nguồn CSDL được cập nhật thường xuyên và hệ thống công nghệ thông tin phủ rộng, việc kết nối liên thông, chia sẽ dữ liệu của ngành BHXH Việt Nam với các bộ, ngành, địa phương giúp chuẩn hóa dữ liệu, nâng cao chất lượng quản lý, cải cách, liên thông TTHC, góp phần xây dựng và phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, phục vụ ngày càng tốt hơn người dân, đơn vị và doanh nghiệp.

• HẠ TẦNG SỐ

Toàn bộ hệ thống phần mềm ứng dụng, dữ liệu đều được quản lý, vận hành tập trung tại Trung tâm dữ liệu của ngành BHXH. Triển khai 28 hệ thống ứng dụng phục vụ nghiệp vụ, đảm bảo 100% nghiệp vụ của ngành thực hiện trên phần mềm ứng dụng; 100% công chức, viên chức và người lao động của ngành được định danh và cấp chữ ký số phục vụ quản lý và giải quyết các hoạt động nghiệp vụ; 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của BHXH tỉnh được thực hiện trên Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành (Eoffice), được thống nhất; có kết nối, liên thông để gửi/nhận văn bản với các đơn vị, tổ chức; 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng Chính phủ (do Ban cơ yếu Chính phủ cấp); 100% hồ sơ được tạo lập, lưu trữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định.

Kết nối với 168 (100%) cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) BHYT trên toàn tỉnh để tiếp nhận dữ liệu đề nghị thanh toán chi phí KCB BHYT.

Với việc đưa ứng dụng trên thiết bị di động VssID - BHXH số chính thức đi vào hoạt động, BHXH Việt Nam đã cung cấp các DVC, công khai, minh bạch các thông tin đóng, hưởng BHXH, BHYT; triển khai sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng để KCB BHYT (triển khai toàn quốc từ 1/6/2021) và các thông tin, tiện ích khác. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 314.000 tài khoản giao dịch điện tử cá nhân (dùng để đăng nhập, sử dụng ứng dụng VssID) được phê duyệt.

Từ ngày 19/10/2023, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an triển khai sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập, sử dụng tài khoản VssID, vừa đảm bảo từng bước triển khai Nghị định số 59/2023/NĐ-CP về định danh và xác thực điện tử, vừa tạo thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu sử dụng ứng dụng VssID của BHXH Việt Nam.

• ĐẢM BẢO AN NINH, AN TOÀN THÔNG TIN 

Ngành BHXH triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng (ATTT) như ban hành quy định, quy chế về công tác ATTT; triển khai đầy đủ các giải pháp kỹ thuật, phương án bảo đảm ATTT theo cấp độ; tham gia diễn tập và hội nghị ATTT hằng năm; tham gia Đội ứng cứu sự cố ATTT mạng ngành BHXH Việt Nam... để chủ động ứng phó từ sớm, xử lý, ngăn chặn kịp thời các cuộc tấn công mạng.

Cổng thông tin điện tử và các website thuộc phạm vi quản lý của ngành BHXH Việt Nam đã được đăng ký và gắn chứng nhận tín nhiệm mạng của đơn vị chuyên trách giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Thông qua các hoạt động bảo đảm ATTT đã duy trì hoạt động ổn định của các hệ thống; kiểm soát, giám sát hệ thống từ bên trong; ngăn chặn các cuộc tấn công, chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài.

• CUNG CẤP DVC TRÊN MÔI TRƯỜNG SỐ

Các TTHC của BHXH Việt Nam đủ điều kiện đã được cung cấp DVC trực tuyến toàn trình. Các DVC này được cung cấp trên nhiều nền tảng, hình thức, như: Cổng DVC BHXH Việt Nam, Cổng DVC Quốc gia, Ứng dụng VssID, tổ chức IVAN, VNPOST... 

Từ đầu năm 2022 đến nay, thực hiện Đề án 06, BHXH Việt Nam đã tái cấu trúc quy trình, ban hành DVC, điều chỉnh phần mềm, tích hợp, cung cấp các DVC trực tuyến theo nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 và Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 4/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể: Tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình. Hệ thống của cơ quan BHXH đã tiếp nhận và xử lý gia hạn thẻ BHYT thông qua DVC Gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình.

Đến nay, BHXH tỉnh đã tiếp nhận liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi đã tiếp nhận và xử lý 4.987 hồ sơ. Liên thông đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí đã tiếp nhận 35 trường hợp. Với việc triển khai liên thông TTHC này giúp rút ngắn thời gian giải quyết hưởng mai táng phí từ 10 ngày xuống còn 7 ngày.

• THANH TOÁN SỐ

Kết quả đến nay BHXH Lâm Đồng thực hiện chi lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng đạt 64,35%; chi trợ cấp một lần đạt 93,58%; chi trợ cấp BHTN đạt 100%.

Bên cạnh đó, đơn vị đã triển khai sử dụng CCCD, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID) thay thế thẻ BHYT giấy để KCB BHYT theo Đề án 06. Đến nay, 100% cơ sở KCB BHYT đã triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân/CCCD.

Với việc triển khai KCB BHYT bằng CCCD, người bệnh có thẻ BHYT chỉ cần sử dụng CCCD để làm thủ tục KCB, giúp đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian cho cả người bệnh và cán bộ y tế, cơ quan BHXH cũng tiết kiệm được chi phí in ấn và phát hành thẻ BHYT.