"Mai anh lên Lâm Đồng nhưng không ghé Đà Lạt. Em xuống Bảo Lộc nhé? Ở đấy anh sẽ dẫn em gặp một người đã dành cả đời để yêu say đắm những buôn làng ở Nam Tây Nguyên…".
“Mai anh lên Lâm Đồng nhưng không ghé Đà Lạt. Em xuống Bảo Lộc nhé? Ở đấy anh sẽ dẫn em gặp một người đã dành cả đời để yêu say đắm những buôn làng ở Nam Tây Nguyên…”.
Tin nhắn đầy quyến rũ và tò mò của anh bạn từ Sài Gòn đã khiến tôi không chút đắn đo mà lên xe về ngay Bảo Lộc.
|
K’Toàn (bìa trái) hướng dẫn K’Vâng cách sử dụng một vài vật dụng của bà con người K’Ho. Ảnh: N.Ngà |
Bao năm vẫn một tình yêu
Khí trời xứ B’Lao hôm ấy thật ẩm ương, mưa gió não nề suốt cả ngày dài khiến người ta dù muốn cũng khó ra khỏi nhà. Nhưng cũng nhờ thế chúng tôi gặp được K’Toàn. Bởi nếu trời không mưa, người ta sẽ thấy K’Toàn cưỡi xe máy rời khỏi nhà từ sớm, lúc thì đi làm, cũng có khi về với buôn làng để tìm kiếm những gì còn sót lại của ký ức một thời.
Trên con đường Nguyễn Văn Cừ, phường Lộc Phát, thành phố Bảo Lộc, giữa những ngôi nhà bê tông xây san sát nhau, nhà K’Toàn khác biệt hẳn. Không chỉ bởi cổng trồng giàn hoa dây leo đang xanh mướt giữa mùa mưa mà còn căn bếp gỗ với bếp đất, củi khô, nồi gang được dựng lên bên cạnh ngôi nhà lớn khang trang.
Là người dân tộc Kinh với tên khai sinh Đỗ Văn Toàn nhưng lúc nào người đàn ông đã 77 tuổi với mái tóc dài đã bạc phơ được búi gọn gẽ sau gáy vẫn nói mình là K’Toàn. Đốt điếu thuốc lá trong tay, người đàn ông chậm rãi nói chuyện với chúng tôi nhưng ánh mắt xa xăm vô định như đang hồi tưởng về quá khứ. Đó là vào năm 1954, Đỗ Văn Toàn theo gia đình rời Kim Sơn - Ninh Bình vào phố núi B’Lao xây dựng vùng kinh tế. Từ năm học lớp 6, giờ tan học cậu bé Toàn thường theo chân đám bạn người Châu Mạ về buôn Con Hiên Đạ để làm bẫy chuột, làm ná bắn chim, đi hái rau rừng... Và cái tên K’Toàn được đám thân thiết gắn cho từ đó. Đó cũng như cái duyên tiền định, để rồi K’Toàn gắn bó trọn đời với núi rừng, với buôn làng và những phong tục tập quán của đồng bào K’Ho, Châu Mạ, Châu Ro, S’Tiêng… ở cái xứ Nam Tây Nguyên đầy mê hoặc này.
Vốn làm nghề bốc thuốc Nam nên không ít lần K’Toàn đã cứu sống bà con bị rắn hổ cắn. Rồi những lần vào rừng hái thuốc, ông đi rừng suốt cả nhiều ngày trời với bà con. Mỗi lần “về” với rừng, với các buôn làng, thấy bà con một phần cuộc sống còn quá khó khăn; phần khác do chưa nhận thức đúng nên học đòi theo lối sống, cách ăn mặc, làm nhà cửa… của cộng đồng người Kinh ở các tỉnh phía Bắc vào xây dựng vùng kinh tế mới, nên bản sắc văn hóa tộc người bản địa ngày càng mai một. Những chiếc xà gạc, khung dệt thổ cẩm, kèn Mơ pút… bị vứt chỏng chơ nơi góc vườn, K’Toàn xót lắm. Vừa xót, vừa tiếc, vừa lo sợ “rồi đây chính con cháu những người dân tộc đó cũng không biết cha ông họ sinh sống, sản xuất, sinh hoạt văn hóa tinh thần ra sao chứ chưa nói đến người của các cộng đồng khác”. Nghĩ vậy nên ông bắt đầu công việc nhặt nhạnh những món đồ đó về nhà. K’Toàn gắn với “nghiệp sưu tầm” từ đó.
Gia tài của 40 năm
Sau những ngày “làm mướn” đủ nghề mưu sinh, để làm tròn nghĩa vụ của người chồng, người cha, vào những ngày chủ nhật K’Toàn mới có thời gian dành cho niềm đam mê của mình. Những chuyến đi mải miết về với các buôn làng vùng sâu vùng xa K’Toàn không quên chở theo những bao tải quần áo, giày dép, sách vở mình “xin được” để tặng cho bà con. “Mình làm theo cái tâm, ai nói gì cũng mặc. Chỉ cần mỗi lần vào buôn bà con từ nhỏ đến lớn, già đến trẻ đều chào đón như đón đứa con trở về là mình mừng rồi”. Những buôn làng như Kơi Đạ, B’Ru, B’Riêng, Tân Rai, Đắk Cháy, Đam Ron, Bà Đạ… không nơi nào thiếu dấu chân ông.
Gần một nửa căn nhà lớn khang trang của K’Toàn như một bảo tàng thu nhỏ trưng bày những món đồ “sưu tầm được”. Đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ông vẫn nhớ rõ vị trí của chúng. “Chúng gắn bó như máu thịt rồi nên nhớ rõ lắm” - K’Toàn nói.
Mỗi đồ vật K’Toàn có được, luôn gắn với ông một kỷ niệm, để hôm nay ông kể cho chúng tôi nhưng như đang hồi tưởng về những ngày xưa ấy. Từ cái xà gạc của người K’Ho - món đồ đầu tiên ông sưu tầm được là vào một ngày luồn rừng tìm cây thuốc, trên đường về ngang thôn 3, xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm, ông thấy một anh trung niên đang đốt một đống rác bên vệ đường, trong đó cái xà gạc đã “lên màu thời gian”. Ông Toàn hốt hoảng moi ra, xin lại rồi mang về treo lên xà nhà như một báu vật. Rồi mỗi lần nhìn lên cây xà gạc, K’Toàn lại nghĩ suy rằng “Không biết còn bao nhiêu đồ vật của cha ông rồi sẽ bị đốt, bị vứt đi nữa”. Từ đó, K’Toàn càng quyết tâm dấn thân vào hành trình sưu tầm để mong lưu lại những phác họa đầy đủ và đa dạng về cuộc sống, về hành trình chinh phục đại ngàn của các tộc người bản địa Tây Nguyên.
Gần 40 năm trời ròng rã, bước chân K’Toàn đã in dấu khắp những nẻo đường ở Nam Tây Nguyên để sưu tầm. Từ cái muôi bằng nứa của dân tộc Mạ đến kèn Mơ pút, kèn bầu 1 ống, 6 ống, tiêu, sáo Prê của người Châu Ro, bộ trống sấm của người Êđê, dàn chiêng của người Lạch… Từ cái bễ lò rèn, khung cửi trong những đống rác ở bìa rừng, cuối buôn, ven đường, đến những đồ vật ông được bà con tặng. Rồi hàng ngàn bức ảnh chụp cảnh sinh hoạt của đồng bào, từ chuyện vót đũa, đan lờ bắt cá, dệt vải đến những nghi lễ cúng Yàng, lễ hội cồng chiêng… Có hiện vật như cái bẫy hổ, gấu, hươu, nai đã thất truyền, ông bỏ tiền thuê người làm và cẩn thận ngồi quan sát, hỏi han, ghi chép, chụp ảnh cả quá trình tái hiện ấy, để đến hôm nay K’Toàn có cả một “kho báu” của đồng bào DTTS Tây Nguyên.
Nỗi niềm K’Toàn
Cuộc gặp gỡ của chúng tôi với K’Toàn hôm ấy còn có anh K’Vâng - một người con của dân tộc K’Ho, hướng dẫn viên du lịch thuộc Trung tâm Du lịch sinh thái, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Anh K’Vâng đã không giấu nổi xúc động khi đứng trước “kho báu” với hơn một vạn hiện vật văn hóa, hàng ngàn trang tài liệu về mọi mặt đời sống của cộng đồng các dân tộc anh em trên vùng đất này. “Cảm ơn K’Toàn nhiều lắm đó. Nếu không có ông với 40 năm hành trình kiên nhẫn và gian khó đó không biết bây giờ những người K’Ho trẻ như cháu có được chứng kiến những vật dụng của cha ông như vậy nữa hay không” - K’Vâng xúc động nói.
“Tôi không sợ nhà nghiên cứu, không ngại nhà sử học… mà người tôi sợ nhất chính là bà con. Bởi thế đã sưu tập mình phải sưu tập đủ bộ và phải hiểu hết về nó. Có thế mình mới nói chuyện được với bà con” - suy nghĩ ấy đã theo K’Toàn suốt những tháng năm hành trình đi sưu tập. Để đến hôm nay, ông và K’Vâng, một người Kinh, một người K’Ho; một người già, một người trẻ nói chuyện với nhau say sưa về văn hóa dân tộc. Họ gặp nhau lần đầu mà cứ ngỡ như đã thân thiết từ lâu lắm. Cả hai nói với chúng tôi về văn hóa của người K’Ho say sưa, sâu sắc chẳng kém bất cứ nhà nghiên cứu nào.
Đôi bàn tay của K’Toàn không lúc nào trắng trẻo bởi ông vẫn ngày ngày lo cho cuộc mưu sinh và cả việc dùng xăng, dầu để chùi rửa, đánh bóng bảo quản những vật dụng ông sưu tầm được. Toàn bộ số hiện vật đang có K’Toàn chia thành 7 nhóm: đồ gia dụng, dụng cụ săn bắt trên rừng, dụng cụ săn bắt dưới nước, dụng cụ cho nghề rèn, dụng cụ nghề dệt thổ cẩm, công cụ phát nương, trồng trọt và thu hoạch, dụng cụ phục vụ đời sống tinh thần. Trong đó, đáng chú ý là cặp vòng đeo tai bằng ngà voi, bộ đàn goong tre, bộ khố cổ dài 6-7 m, bộ kèn bầu đầy đủ từ 1-6 ống, gùi có nắp. Các bộ sưu tập hiện vật rất đa dạng về chủng loại: hơn 300 con dao, gần 100 công cụ phát rừng làm rẫy, 50 trái bầu đựng nước, 20 loại cối giã gạo, 12 loại trống…
Anh bạn tôi đã một mình lặn lội từ Sài Gòn lên phố núi B’Lao chỉ để tìm gặp và viết về K’Toàn từ nhiều năm trước. Hôm nay, dẫn tôi quay trở lại anh vẫn vẹn nguyên niềm xúc động ngày nào. “Kho báu” của K’Toàn ngày một nhiều lên như tuổi của ông vậy. Giờ đây K’Toàn chỉ một nỗi niềm đau đáu, rằng: con không muốn nối nghiệp cha khi tuổi già đang ầm ập kéo đến, rồi liệu công sức 40 năm qua và những hiện vật của những nền văn hóa rồi sẽ đi về đâu mai này…
NGỌC NGÀ