Ngại ngần gì mà không góp sức cho buôn làng

08:03, 02/03/2017

"Em có dịp ghé vào Đa Sar nhé, vào đây mà xem người dân tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM) mạnh mẽ như dòng nước chảy: Hàng chục gia đình sẵn sàng hiến đất, hiến ngày công làm đường giao thông. Và còn có những vị bí thư chi bộ đi đầu hiến hàng trăm m2 đất để xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng…". 

“Em có dịp ghé vào Đa Sar nhé, vào đây mà xem người dân tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM) mạnh mẽ như dòng nước chảy: Hàng chục gia đình sẵn sàng hiến đất, hiến ngày công làm đường giao thông. Và còn có những vị bí thư chi bộ đi đầu hiến hàng trăm m2 đất để xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng…”. Câu chuyện của vị Bí thư Đảng ủy xã Đa Sar đã thôi thúc chúng tôi về với vùng đất này để xem chuyện hiến đất xây dựng NTM.
 
Vợ chồng anh chị Ha Xép - Ka Chăn tự xây dựng chuồng heo để chăn nuôi kiếm thêm thu nhập. Ảnh: N.Ngà
Vợ chồng anh chị Ha Xép - Ka Chăn tự xây dựng chuồng heo để chăn nuôi kiếm thêm thu nhập.
Ảnh: N.Ngà

“Mình bớt đi một chút để bà con có chỗ sinh hoạt”
 
Ở thôn 5, xã Đa Sar, quỹ đất không có nhiều nên thời gian qua bà con vẫn “loay hoay” tìm địa điểm xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng. Để sớm có được chỗ cho bà con sinh hoạt, Bí thư chi bộ thôn Ksă Ha Xép đã hiến tặng thôn gần 300 m 2 đất của gia đình.
 
Chúng tôi ghé thăm nhà vợ chồng anh chị Ha Xép - Ka Chăn vào một ngày trời Đa Sar nắng rực. Hai vợ chồng đang cặm cụi tự xây cái chuồng heo để chăn nuôi kiếm thêm thu nhập. Anh Ha Xép mồ hôi nhễ nhại rơi trên từng viên gạch, còn chị Ka Chăn nhỏ bé cứ gùi lần lượt từng gùi gạch, gùi cát ở trước nhà ra sau vườn. Cuộc trò chuyện của chúng tôi với vị bí thư này diễn ra ngay bên cạnh chuồng heo đang xây dở bởi “phải tranh thủ làm buổi trưa vì chiều đỡ nắng rồi còn phải lên rẫy”, anh Ha Xép nói.
 
 Nhờ làm tốt công tác vận động với mục tiêu “lấy sức dân để lo cho dân” nên việc vận động bà con chung sức đưa Đa Sar tiến nhanh về đích NTM càng trở nên thuận lợi. Ở xã có khoảng 95% dân cư là đồng bào DTTS này hiện đã đạt 17/19 tiêu chí NTM, số hộ nghèo giảm xuống còn 114 hộ chiếm 9,45%.
Sinh năm 1967, anh Ha Xép đã có 17 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng và tròn 15 năm đảm nhận vị trí bí thư chi bộ thôn. Chi bộ thôn 5 hiện có 5 đảng viên, tất cả đều là người DTTS. Với anh Ha Xép, chuyện hiến đất chỉ đơn giản rằng: “Không chỉ có mỗi gia đình mình đâu, cả xã này nhiều bà con hiến đất làm đường NTM lắm đấy. Mình có 3 cô con gái, hai đứa lớn đã có gia đình, có nhà riêng. Vợ chồng mình sau này ở chung nhà với con gái út. Vậy là đứa nào cũng có nhà cửa rồi. Cũng chẳng giàu có gì, nhưng thôi mình bớt đi một chút để bà con có chỗ sinh hoạt, nhất là ngày gió, ngày mưa”. 
 
Trong câu chuyện của những người già ở thôn 5 như ông Ksă Lăm Bồ (81 tuổi) vẫn nhắc tới chuyện mỗi lần sinh hoạt bà con đều phải mượn những nhà rộng trong thôn. Lũ trẻ không được đi theo cha mẹ bởi sợ làm ồn, làm hỏng đồ nhà người ta. Đôi lúc nhà họ bận việc, thôn phải tổ chức cho bà con sinh hoạt ngoài hè. “Có hôm đang nói giữa chừng thì trời đổ mưa nên đành phải kéo nhau đi về, tội nghiệp”, anh Ha Xép trầm ngâm. 
 
Cũng như bao người dân ở nơi này, gia đình anh chị Ha Xép - Ka Chăn luôn có mặt đóng góp “sức người” cho những công trình NTM. Và họ cũng đang cố gắng từng ngày để phát triển kinh tế gia đình cho cuộc sống vơi bớt đi những nhọc nhằn, lo toan. Trò chuyện với chúng tôi chị Ka Chăn - người phụ nữ của gia đình đã trải lòng những nỗi niềm rất thật. Rằng: “Cho đất mình cũng tiếc chứ. Nhưng mình không hiến đất thì bà con làm sao có nhà sinh hoạt cộng đồng. Hơn nữa, chồng mình là đảng viên, là bí thư chi bộ mình phải gương mẫu đi đầu chứ. Vậy nên mình cũng ủng hộ ông xã thôi”. 
 
Hiện tại, giá đất ở xã Đa Sar cao hơn nhiều so với 4 xã thuộc thành phố Đà Lạt, diện tích vợ chồng anh Ha Xép cho đi tính ra cũng ngót nghét 200 triệu đồng. Khoản tiền đó anh chị có thể làm rất nhiều thứ đơn giản như việc thuê thợ xây chuồng trại chăn nuôi kiên cố, mua heo giống… “Thôi mình cho đi để bà con có chỗ sinh hoạt, lũ trẻ có chỗ vui đùa vậy là cũng vui rồi”, đưa tay quệt dòng mồ hôi trên trán, vị Bí thư Chi bộ thôn cười nói. 
 
“Làm được cho bà con mình đâu có tiếc gì”
 
Cũng như anh Ha Xép, ông Kjăn Ten (SN 1960) - Bí thư chi bộ thôn 2 cũng chỉ nói đơn giản rằng: “Làm được cho bà con mình đâu có tiếc gì” khi nói về việc ông cùng vợ con đồng ý hiến 720 m 2 đất cho thôn xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng.
 
Sẽ dễ dàng tìm ra nhà ông Kjăn Ten bởi đó là căn nhà rộng lớn và khang trang bậc nhất nơi này. Kết thúc 13 năm làm Công an xã, 10 năm làm cán bộ hội đồng xã, Kjăn Ten trở về được tín nhiệm bầu vào vị trí Bí thư Chi bộ thôn 2. Về hưu ông cùng vợ trồng cà phê và rau thương phẩm trên 2,7 ha đất của gia đình. Cuộc sống cũng từ đó đã được nâng cao. 3 trong 5 người con của ông, đứa theo học ngành Y,  ngành Nông lâm ở Sài Gòn và một người công tác trong ngành công an. Không chỉ dạy con ngoan, làm kinh tế giỏi, ông Kjăn Ten còn tận tình hướng dẫn bà con cách làm kinh tế. Đơn giản như việc hướng dẫn bà con tự ươm giống cây cà phê để có nguồn giống chất lượng thay thế số cà phê già cỗi. “Trước đây, đất cũng nhiều nhưng chỉ trồng bắp, bo bo nên chẳng đủ ăn. Sau này, mình biết trồng cà phê, trồng rau nên hết đói ăn và còn đủ nuôi con đi học. Cuộc sống đã tốt hơn rồi, lẽ nào mình lại ngần ngại góp sức xây dựng NTM” - Bí thư chi bộ thôn 2 khẳng định. Trên diện tích ấy, gia đình ông Kjăn Ten đã từng có gần 700 gốc cà phê và hơn 30 gốc hồng đang phát triển mạnh mỗi mùa thu về khoảng 80 triệu đồng. Trong mạch nói chuyện say sưa vị bí thư chi bộ vẫn lặp lại câu nói cũ: “Biết là giá trị đấy nhưng làm được cho bà con mình đâu có tiếc gì”.
 
Già làng của thôn 2 - ông Kră Jăn Ha Đơi (70 tuổi) không giấu nổi vui mừng khi chỉ khoảng một tháng nữa thôi nhà sinh hoạt cộng đồng rộng rãi với sức chứa 200 người, có bục cao, nhà vệ sinh, sân bóng chuyền rộng rãi sẽ đưa vào sử dụng. Bà con giờ đã có nơi sinh hoạt, lũ trẻ đã có nơi để vui chơi thể thao. Chẳng có gì làm ấm lòng vị già làng hơn thế. 
 
Trời Đa Sar hôm ấy thật đỏng đảnh, đang nắng rực giữa trưa lại bất ngờ đổ mưa lúc cuối chiều. Nhưng cơn mưa càng khiến cho những câu chuyện của vị Bí thư chi bộ với chúng tôi trong căn nhà sinh hoạt cộng đồng đang xây dang dở thêm gần gũi nghĩa tình. Rằng “Chẳng riêng gì mình đâu, bà con ở đây đều vậy hết, việc gì có ích cho buôn làng sẽ chẳng ai chối từ. Mình cũng là đứa con của buôn làng nên làm được gì cho bà con thì cứ làm thôi. Hơn nữa mình còn là đảng viên thì ngại ngần gì góp sức. Việc gì của thôn, 22 đảng viên trong chi bộ cũng phải gương mẫu làm trước, có thế bà con mới tin đảng viên, tin chi bộ mà làm theo được chứ”.
 
Nhân lên sự tin yêu đùm bọc trong cộng đồng
 
“Những việc làm của hai vị bí thư chi bộ trên không chỉ làm gương cho các đảng viên khác khi họ cũng đồng lòng chung sức xây dựng NTM mà còn thực sự củng cố niềm tin của người dân vào đội ngũ đảng viên nói riêng và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nói chung”, đồng chí Bùi Quốc Huân - Bí thư Đảng ủy xã Đa Sar đã khẳng định với chúng tôi như thế. Thực tế tại xã Đa Sar đã chứng minh điều này: Trước đây, khi thực hiện bất kỳ một công trình đầu tư cơ sở hạ tầng nào, nhà nước cũng phải đầu tư 100% hoặc đối ứng phần lớn. Tuy nhiên, hiện nay, tư duy của bà con đã thay đổi. Không chỉ trên địa bàn thôn 2, thôn 5 mà người dân toàn xã đã chủ động trong việc tham gia cùng chính quyền địa phương xây dựng NTM. 
 
Trong năm 2016, thôn 1 có 4 hộ dân hiến 524 m 2 đất, thôn 2 có 40 hộ hiến hơn 4.000 m 2 để làm đường giao thông… Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã cũng không giấu nổi vui mừng khi nói thêm về sự tin yêu đùm bọc đã được nhân lên trong cộng đồng khi mà xã có chủ trương vận động bà con quyên góp hỗ trợ mỗi người một ít cho những hộ hiến đất nhiều và được bà con trong xã đồng tình ủng hộ.
 
Khi cuộc sống đang bị chi phối quá nhiều bởi vật chất, khi chủ nghĩa cá nhân ngày một “lan nhanh” đến chóng mặt, khi tấc đất đôi lúc còn quý hơn cả tấc vàng, khi không ít chuyện đau lòng vì tranh giành đất đai… vẫn còn xảy ra thì ở những vùng xa nơi cái nghèo, cái khó chưa hoàn toàn bị xóa bỏ, những người nông dân chân chất sẵn sàng hiến đất vì lợi ích chung của cộng đồng. Đó như một thanh âm tốt đẹp trong cuộc sống. 
 
NGỌC NGÀ