Trong những năm qua, phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo" do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động đã được các cấp công đoàn trong tỉnh triển khai sâu rộng, thu hút và khơi dậy niềm đam mê sáng tạo của người lao động trên nhiều lĩnh vực.
Trong những năm qua, phong trào thi đua (PTTĐ) “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phát động đã được các cấp công đoàn trong tỉnh triển khai sâu rộng, thu hút và khơi dậy niềm đam mê sáng tạo của người lao động trên nhiều lĩnh vực.
|
PTTĐ “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” đã được các cấp công đoàn trong tỉnh cụ thể hóa thành các PTTĐ phù hợp với tính chất, đặc thù của từng ngành nghề, lĩnh vực |
Theo LĐLĐ tỉnh, 5 năm qua, PTTĐ “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” đã được các cấp công đoàn cụ thể hóa thành các PTTĐ phù hợp với tính chất, đặc thù của từng ngành nghề, lĩnh vực và thu hút hàng ngàn công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) tham gia. Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều tập thể, gương cá nhân điển hình tiên tiến, say mê lao động, sáng tạo, tiêu biểu cho ý chí vươn lên của đội ngũ CNVCLĐ. Trong đó, có nhiều tập thể, cá nhân đã có những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, công trình nghiên cứu khoa học, cải tiến quy trình công nghệ giúp cải thiện môi trường làm việc, cải cách các thủ tục hành chính, giải phóng sức lao động, từ đó giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mang lại hiệu quả quản lý, tạo nên nhiều mặt hàng, sản phẩm mới đa dạng, đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Chị Nguyễn Thị Thanh (Công ty TNHH Merkava Việt Nam, Khu Công nghiệp Lộc Sơn, TP Bảo Lộc) cho biết: “Hàng năm Công đoàn Công ty đều phát động các phong trào thi đua trong công nhân lao động và chúng tôi cũng rất tích cực hưởng ứng các phong trào này”.
Theo thống kê chưa đầy đủ từ các cấp công đoàn trong tỉnh, từ năm 2015 đến hết 31/12/2019, toàn tỉnh có trên 5.693 lượt đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có các hoạt động sáng kiến; hơn 30.436 lượt cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ tham gia nghiên cứu, viết đề tài sáng kiến, giải pháp hữu ích; tập trung chủ yếu trong ngành giáo dục và các cơ quan hành chính sự nghiệp (trong đó có 17.866 là nữ, chiếm 58,7%).
Số đề tài, sáng kiến, giải pháp hữu ích được công nhận là 14.988 đề tài (trong đó, cấp cơ sở 15.571 đề tài, cấp tỉnh 580 đề tài, cấp Nhà nước là 3 đề tài), với giá trị làm lợi hơn 10.628 triệu đồng.
Từ phong trào thi đua và thông qua các hội thi sáng tạo kỹ thuật hằng năm do UBND tỉnh tổ chức, đã có nhiều sáng kiến, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ vào sản xuất của nhiều đơn vị. Từ năm 2015 đến nay, qua 3 lần tổ chức hội thi, đoàn viên, CNVCLĐ trong tỉnh đã tích cực tham gia đạt kết quả cao. Nhiều giải pháp được áp dụng vào sản xuất đã mang lại giá trị làm lợi lên đến hàng chục tỷ đồng như: Giải pháp “Thiết kế, thi công hệ thống giám sát từ xa đập tràn - cửa nhận nước về Nhà máy thủy điện Đại Ninh” của đoàn viên, CNLĐ Công ty Thủy điện Đại Ninh, huyện Đức Trọng đã làm lợi cho nhà máy 16 tỷ đồng, đồng thời mỗi năm tiết kiệm 300 triệu đồng tiền bảo dưỡng. Giải pháp này cũng đoạt giải Nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật cấp toàn quốc năm 2015. Đó còn là giải pháp “Khử mùi hôi tại Nhà máy xử lý nước thải” của đoàn viên Xí nghiệp nước thải Đà Lạt đoạt giải Ba cấp tỉnh và giải Nhì cấp toàn quốc năm 2015. Hay như giải pháp “Ứng dụng Mapinfo và Microsoft office thành lập tập bản đồ giáo khoa địa lý phục vụ giáo dục trung học địa phương Lâm Đồng” của tác giả Bùi Huyền Trang, đoàn viên Trường THPT Liên Nghĩa (Đức Trọng), đoạt giải Ba; Giải pháp “Tủ hốt di động đa năng” của các tác giả: Nguyễn Trương Quỳnh Anh, Nông Thị Hồng Duyên, Hoàng Thị Hà, đoàn viên công đoàn cơ sở Trường THPT Đức Trọng; giải pháp “Hệ thống tời vớt bèo ở Vườn hoa thành phố của tác giả Võ Văn Phú - đoàn viên, công nhân xưởng cơ khí thuộc Công ty Cổ phần Dịch vụ Đô thị Đà Lạt đã giúp giảm sức lao động, tiết kiệm chi phí nhân công, tăng năng suất lao động, từ đó làm lợi cho doanh nghiệp hàng 100 triệu đồng/năm...
Có thể khẳng định, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” là một trong những phong trào thi đua trọng tâm, đóng vai trò không nhỏ quyết định đến năng suất, hiệu quả trong hoạt động chung của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ở mỗi lĩnh vực ngành nghề, các cấp công đoàn cơ sở không chỉ cụ thể hóa thành các phong trào thi đua cho phù hợp với thực tiễn, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị để đoàn viên, CNVCLĐ phát huy tính sáng tạo, tìm tòi, nghiên cứu của mình; mà các chủ đề, nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức thực hiện phong trào thi đua cũng thường xuyên được đổi mới, phát huy tinh thần làm chủ, tác phong lao động công nghiệp của người lao động. Thông qua phong trào đã kịp thời cổ vũ, động viên những tập thể, cá nhân có nhiều sáng tạo, đổi mới trong thực hiện nhiệm vụ, tạo khí thế thi đua sôi nổi, tích cực trong mỗi người, mỗi ngành, mỗi đơn vị.
NHẬT MINH