Ban hành quy chế Cuộc thi tuyển ý tưởng chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Đà Lạt

08:04, 13/04/2021

(LĐ online) - Ban tổ chức Cuộc thi tuyển ý tưởng chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Đà Lạt đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã ban hành quy chế dành cho các đối tượng tham gia thi tuyển.

[links()]
 
(LĐ online) - Ban tổ chức Cuộc thi tuyển ý tưởng chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Đà Lạt đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã ban hành quy chế dành cho các đối tượng tham gia thi tuyển.
 
Lượng khách đến Đà Lạt tăng nhanh, nhất là các dịp lễ, tết, ngày cuối tuần. Ảnh: Chính Thành
Lượng khách đến Đà Lạt tăng nhanh, nhất là các dịp lễ, tết, ngày cuối tuần. Ảnh: Chính Thành
 
Đối tượng dự thi là các đơn vị tư vấn trong nước có đủ điều kiện năng lực, hành vi dân sự theo quy định của pháp luật. Các đơn vị có thể liên danh với nhau để tham gia cuộc thi, mỗi đơn vị chỉ được tham gia vào 1 nhóm liên danh theo quy định. Thông qua công tác sơ tuyển, Ban tổ chức sẽ chọn 5 đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm tham gia và chỉ chọn 1 giải nhất có tính khả thi để triển khai thực hiện. Thời gian nhận hồ sơ dự thi đến 17 giờ ngày 21/6. Giải thưởng cao nhất là 1 tỷ đồng.
 
Nhiệm vụ của cuộc thi là tìm kiếm các ý tưởng tốt nhất về phương án tổ chức giao thông vận tải trên địa bàn TP Đà Lạt; trong đó, làm rõ các giải pháp chống ùn tắc giao thông, các giải pháp quản lý phương tiện giao thông cá nhân, định hướng xây dựng không gian ngầm và ứng dụng giao thông thông minh trong công tác quản lý, điều hành nhằm sử dụng hợp lý, khoa học hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh của thành phố Đà Lạt.
 
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc giao thông (vận tốc trung bình dòng xe <5km/giờ; trạng thái kéo dài trong thời gian trên 30 phút...). Đến năm 2035, thành phố Đà Lạt không còn tình trạng ùn tắc giao thông, hoạt động giao thông an toàn, thông suốt và quản lý, khai thác theo hướng đồng bộ, hiện đại. 
 
Đà Lạt là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Lâm Đồng với tỷ lệ đô thị hóa đạt 90,3%, là trung tâm kinh tế, văn hóa và là đầu mối giao thông cấp quốc gia, là nơi tập trung đầy đủ đủ tải các phương thức giao thông vận tải bao gồm đường bộ, đường sắt, đường không của tỉnh. 
 
Trong thời gian qua các cấp, ban, ngành từ trung ương đến địa phương có nhiều nỗ lực trong xây dựng, cải thiện cơ sở vật chất hạ tầng trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, thời gian gần đây, vào dịp lễ tết, ngày nghỉ cuối tuần, giờ cao điểm trong ngày, phương tiện giao thông tăng đột biến, tại các nút giao thông cũng như các tuyến chính trong khu vực trung tâm thường xuyên tắc nghẽn giao thông tại nhiều vị trí. Bên cạnh đó, quy hoạch chuyên ngành giao thông trên địa bàn thành phố Đà Lạt có tính chất định hướng tổng thể nhưng không đủ để đáp ứng và giải quyết các bài toán về quy tắc giao thông, giảm thiểu tình hình tại tai nạn giao thông. 
 
Việc thực hiện chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Đà Lạt nếu không được nghiên cứu căn cơ, bài bản và có tính giới hạn nguồn lực để thiết lập các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn trong tổng thể phát triển giao thông bền vững cho thành phố Đà Lạt thì không thể giải quyết vấn đề chống ùn tắc giao thông cho thành phố Đà Lạt cả thời gian trước mắt và trong tương lai. 
 
Chính vì những khó khăn nêu trên, việc nghiên cứu xây dựng Đề án "Chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Đà Lạt đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035" là cần thiết. Trên cơ sở các phương án được nghiên cứu, tiếp tục tham mưu UBND tỉnh lựa chọn phương án phù hợp nhất để tư vấn hoàn thiện Đề án, làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo từ Đề án để phát triển giao thông vận tải toàn diện trên địa bàn thành phố Đà Lạt. 
 
H.THẮM