Hành trình 45 năm chủ động, sáng tạo và đổi mới

05:12, 20/12/2021

Nhìn lại 45 năm qua, Công ty Điện lực Lâm Đồng đã luôn nỗ lực vượt khó, song hành cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần xứng đáng vào công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa tỉnh nhà...

Ông Thái Đắc Toàn - Giám đốc Công ty Điện lực Lâm Đồng
Ông Thái Đắc Toàn - Giám đốc Công ty Điện lực Lâm Đồng

Nhìn lại 45 năm qua, Công ty Điện lực Lâm Đồng đã luôn nỗ lực vượt khó, song hành cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần xứng đáng vào công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa tỉnh nhà. Từ thành thị đến nông thôn, nơi nào có ánh sáng điện, nơi ấy có dấu ấn văn minh, sự thân thiện, tận tụy của những cán bộ, nhân viên Công ty Điện lực Lâm Đồng đã giữ cho dòng điện ổn định, nối mạch phát triển trên quê hương Lâm Đồng. Trong chặng đường 45 năm ấy, có biết bao sự kiện không thể nào phai trong tâm thức của mỗi cán bộ, nhân viên ngành Điện tỉnh Lâm Đồng. Nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập Công ty Điện lực Lâm Đồng, Báo Lâm Đồng đã có cuộc trò chuyện với ông Thái Đắc Toàn - Giám đốc Công ty Điện lực Lâm Đồng để hiểu thêm về sự chuyển mình trong tiến trình khẳng định vị thế của doanh nghiệp trên mọi lĩnh vực của đời sống - xã hội trên địa bàn tỉnh.

 
•  PV: Trong quá trình 45 năm xây dựng và phát triển của Công ty Điện lực Lâm Đồng từ sau ngày giải phóng đến nay, đâu là điều khiến ông tâm đắc nhất?
 
•  Ông Thái Đắc Toàn: Công ty Điện lực Lâm Đồng được thành lập ngày 7/8/1976 với tên gọi là Sở Quản lý và Phân phối điện Lâm Đồng, trên nền tảng tiếp quản Trung tâm Điện lực Đà Lạt, Trung tâm Điện lực Bảo Lộc và Hợp tác xã điện nông thôn Tuyên Đức.
 
Tiếp quản lưới điện tỉnh Lâm Đồng sau ngày đất nước thống nhất, trong bối cảnh cả nước vừa trải qua cuộc chiến tranh nên hệ thống nguồn và lưới điện bị xuống cấp trầm trọng, khả năng phân phối ở mức thấp.
 
Tuy vậy, Sở Quản lý và Phân phối điện Lâm Đồng lúc bấy giờ đã nỗ lực, đảm bảo nguồn điện cho sinh hoạt và an ninh, quốc phòng. Khó khăn chồng chất nhưng những người công nhân ngành Điện tỉnh Lâm Đồng luôn thể hiện vai trò, bản lĩnh tiên phong, vượt lên mọi thách thức, tích lũy kinh nghiệm, tận dụng vật tư thiết bị,... khôi phục lưới điện, đảm bảo đưa nguồn điện đến với khu vực trung tâm, các khu vực hành chính an ninh, quốc phòng. Nhiều phong trào thi đua hoàn thành kế hoạch, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có giá trị cao để phục hồi và bảo trì lưới điện; hàng trăm máy biến thế, nhiều tuyến cáp ngầm xây dựng từ thời Pháp bị hư hỏng, thiếu vật tư thay thế, đã được phục hồi và cấp điện trở lại.
 
Trải qua 45 năm xây dựng, đến nay Công ty đã phát triển với trình độ quản lý lưới điện hiện đại, rộng khắp, góp phần đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của Nhân dân cũng như duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ở mức cao nhiều năm liên tục. Sản lượng điện thương phẩm cung cấp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tăng trưởng liên tục với tốc độ cao, từ 1.006 triệu kWh năm 2016 lên mức 1.400 triệu kWh năm 2020; tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016-2020 là 8,84%/năm.
 
Ngoài ra, để đáp ứng tốc độ tăng trưởng cao về nhu cầu điện, với sứ mệnh “Điện đi trước một bước” Công ty Điện lực Lâm Đồng đã tập trung mạnh mẽ các nguồn lực vào đầu tư, phát triển hệ thống điện theo các Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia và Quy hoạch điện lực của các địa phương. Hệ thống nguồn và lưới điện liên tục được đầu tư mở rộng phạm vi, quy mô và năng lực sản xuất.
 
Trải qua 45 năm xây dựng, đến nay Công ty Điện lực Lâm Đồng đã phát triển với trình độ quản lý lưới điện hiện đại, sản lượng điện thương phẩm cung cấp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tăng trưởng liên tục, đạt 1.400 triệu kWh năm 2020.
Trải qua 45 năm xây dựng, đến nay Công ty Điện lực Lâm Đồng đã phát triển với trình độ quản lý lưới điện hiện đại, sản lượng điện thương phẩm cung cấp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tăng trưởng liên tục, đạt 1.400 triệu kWh năm 2020.
 
•  PV: Thưa ông, trong những năm qua, việc đầu tư, nâng cấp hệ thống lưới điện ở khu vực nông thôn trong tiến trình xây dựng nông thôn mới ở Lâm Đồng đã được Công ty thực hiện như thế nào?
 
•  Ông Thái Đắc Toàn: Những năm qua, cùng với việc đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho người dân, Công ty Điện lực Lâm Đồng đã không ngừng đầu tư, cải tạo nâng cấp hệ thống lưới điện, góp phần tích cực trong quá trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Lâm Đồng có 142/142 xã, phường, thị trấn có điện, tỷ lệ hộ dân có điện trên toàn tỉnh đạt 99,89%; trong đó, tỷ lệ số hộ có điện ở nông thôn hiện nay đạt 99,81%. Trong tổng số 111/111 xã tham gia chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới, đã có 100% xã đạt tiêu chí số 4 về điện.
 
Đặc biệt, trong năm 2017-2018, Công ty Điện lực Lâm Đồng đã tiếp tục đầu tư công trình cấp điện cho các thôn cuối cùng chưa có điện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng gồm 7 thôn, buôn vùng sâu, vùng xa địa bàn khó khăn, dân cư thưa thớt của tỉnh. Công trình sau khi hoàn thành đã tạo động lực cho chương trình mục tiêu về xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất của người dân khu vực nông thôn, góp phần cải thiện và thu hẹp dần khoảng cách phát triển kinh tế vùng.
 
Như vậy, có thể thấy việc phát triển lưới điện nông thôn trong thời gian qua đã góp phần rất quan trọng cho việc phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao đời sống của người dân nông thôn.
 
•  PV: Đối với mục tiêu từng bước hiện đại hóa lưới điện, đẩy mạnh tự động hóa trong công tác vận hành và kinh doanh điện năng đã được Công ty Điện lực Lâm Đồng thực hiện như thế nào?
 
•  Ông Thái Đắc Toàn: Hiện nay, Công ty Điện lực Lâm Đồng đã ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thực hiện chuyển đổi số toàn bộ các lĩnh vực hoạt động và xây dựng lưới điện thông minh (Smart grid) trong giai đoạn 2021-2025, nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và tối ưu hóa lưới điện trên địa bàn tỉnh. Qua đó, sản lượng điện sản xuất của Công ty luôn ổn định, đảm bảo góp phần cung cấp điện ổn định. Nếu như năm 2015, lượng điện sản xuất của Công ty chỉ là 8,1 triệu kWh thì từ năm 2016-2020, sản lượng điện sản xuất của Công ty đã đạt 16 triệu kWh/năm. Bên cạnh đó, hàng năm, Công ty Điện lực Lâm Đồng luôn thực hiện tỷ lệ điện tổn thất giảm so với kế hoạch của Tổng Công ty Điện lực miền Nam giao; năm 2015 với tỷ lệ tổn thất là 6,47%, đến năm 2020 giảm còn 5,94%.
 
Đặc biệt, thực hiện chương trình ngầm hóa lưới điện tại các thành phố trên địa bàn, đây là một trong những chủ trương được UBND tỉnh phê duyệt và giao cho ngành điện và địa phương thực hiện. Đơn cử như tại thành phố Đà Lạt, sau khi đã được đầu tư Dự án Ngầm hóa lưới điện giai đoạn 1 được đưa vào vận hành năm 2003, quy mô xây dựng mới 31 km cáp ngầm 22 kV, 49 trạm hợp bộ, nâng cấp hơn 110 km và xây dựng mới 18 km đường dây trung áp 22kV... với tổng nguồn vốn đầu tư gần 160 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau hơn 15 năm đầu tư cùng sự phát triển của thành phố, lưới điện hiện hữu không thể đáp ứng khả năng truyền tải, phân phối điện nên Công ty đã triển khai thực hiện Dự án Ngầm hóa và tăng cường công suất lưới điện trung hạ thế thành phố Đà Lạt giai đoạn 2; thực hiện lắp đặt mới 30 trạm biến áp, tổng dung lượng 8.750 kVA; hơn 13,2 km đường dây trung thế 1 pha và 3 pha, 19,5 km đường dây hạ thế 1 pha và 3 pha; trong đó, ngầm hóa hơn 10 km đường cáp với tổng mức đầu tư 65 tỷ đồng. Dự án được khởi công tháng 1/2020, khánh thành đưa vào sử dụng tháng 10/2020. Đây là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
 
Đi đôi với phát triển nguồn và lưới điện để tăng cường công suất hệ thống, nâng cao độ ổn định, tin cậy trong cung ứng điện, Công ty đã kiên trì hoàn thiện từng bước bộ máy tổ chức quản lý và kinh doanh trong toàn ngành, tiến hành các giải pháp cải tiến quản lý, cải thiện các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động và chất lượng công tác dịch vụ khách hàng. Cán bộ, công nhân, người lao động Công ty đã đổi mới mạnh mẽ trong nhận thức, khắc phục các biểu hiện quan liêu, cửa quyền, xây dựng tác phong làm việc chuyên nghiệp, tận tụy, thân thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu về điện của khách hàng, phấn đấu đưa ngành Điện trở thành ngành cung ứng các dịch vụ cao cấp, đáng tin cậy của Nhân dân và xã hội.
 
• PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
 
HOÀNG SA