Xuân này, Gia Bắc

06:01, 13/01/2022
Trở lại xã Gia Bắc, huyện Di Linh vào dịp đầu năm 2022, điều đầu tiên tạo ấn tượng với tôi là cổng trụ sở Ủy ban nhân dân xã mới xây khang trang và được gắn hàng chữ trang trọng, nghiêm ngắn: “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”. 
 
Trụ sở Ủy ban nhân dân xã Gia Bắc năm mới.
Trụ sở Ủy ban nhân dân xã Gia Bắc năm mới.
 
Vậy là Gia Bắc và Sơn Điền là hai xã cuối cùng của huyện Di Linh đã hoàn thành chỉ tiêu về đích nông thôn mới như nghị quyết đề ra của huyện. Vâng, 18/18 xã đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới; Đinh Lạc, Hòa Ninh là hai xã nông thôn mới kiểu mẫu; Gia Hiệp là nông thôn mới nâng cao. Toàn huyện có thêm 13 thôn đạt kiểu mẫu, nâng tổng số lên 32 thôn. Tổng nguồn lực được huy động là trên 4.255 tỷ đồng. Đó là bức tranh nông thôn mới phác họa ở huyện Di Linh năm 2021. 
 
Bầu trời ở xã Gia Bắc mùa khô càng cao xanh hơn. Gió lồng lộng từ đại ngàn xanh thăm thẳm. Tôi và Bí thư Đảng ủy xã K’Vững đứng giữa khoảng sân UBND xã đầy nắng và gió. Phía đối diện, học sinh của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Gia Bắc ùa ra vui tươi, hồn nhiên, tung tăng dưới bóng cây đi về nhà khi đã tan học. Tôi chợt nhớ tháng 12 vừa rồi, ông Trần Đức Lợi - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng ký văn bản thẩm định hồ sơ và kết quả xây dựng nông thôn mới của lĩnh vực giáo dục, đào tạo Gia Bắc. Tiêu chí 14-Đạt: Cả hai trường của xã là Mẫu giáo và trường Tiểu học & THCS “đều có cơ sở vật chất và thiết bị giáo dục đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 100%, trong đó có 1 trường đã được UBND tỉnh công nhận trường đạt chuẩn quốc gia”. Tiêu chí 15-Đạt: Đạt các chuẩn về phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, về giáo dục tiểu học mức độ 3, về giáo dục THCS mức độ 2 và về xóa mù chữ mức độ 2. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề) 73,07% (38/52 học sinh). Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt 26,9% (554/2.057 lao động). 
 
Quay sang anh K’Vững, tôi hỏi: “Khép lại năm 2021, theo anh, đâu là điều thay đổi nhất của xã Gia Bắc?”. Bí thư K’Vững không giấu niềm vui: “Nói chung xác định vẫn là kinh tế. Kinh tế phát triển hơn nên nhiều bà con đã xây được nhà cửa. Năm vừa rồi, huyện hỗ trợ 21 căn nữa nên nhà cửa của bà con cơ bản ổn định rồi. Vui là cà phê được mùa và có giá, nên đời sống bà con đỡ hơn, bà con phấn khởi lắm. Năm sáu tấn, một kí 7 ngàn, bà con bán thì đủ trả nợ và ăn cả năm. Vài năm nữa thì bà con có thêm cây ăn trái như bơ, sầu riêng nữa…”.
 
Không vui sao được. Năm 2021, xã Gia Bắc còn khoảng gần 100 hộ đang phải ở nhà tạm, chiếm hơn 10% số nhà trong xã. Năm ngoái, dọc Quốc lộ 28, ngổn ngang những cuộn ống nước xếp dọc các thôn Hà Giang, Đà Hiòng, Ka Sá. Năm nay, người dân ba thôn này đã có thêm nguồn nước sạch sinh hoạt hợp vệ sinh hơn. Không vui sao được, cũng đầu năm ngoái, tôi trao đổi với người đầu mối phụ trách chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Di Linh, ông Đặng Văn Khá - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện về những khó khăn về đích nông thôn mới của hai xã còn lại của huyện được biết: “Với những đặc thù của Di Linh, vấn đề cốt lõi vẫn là tổ chức sản xuất. Nguồn thu nhập của người dân chủ yếu từ sản xuất cà phê, bắp và quản lý, bảo vệ rừng, do đó, thu nhập bình quân đầu người/năm như Gia Bắc, Sơn Điền là điều không phù hợp thực tế”.
 
Sau một năm trở lại Gia Bắc, dọc các đường thôn Đà Hiòng, Nao Sẻ, Bù Bê, Ka Sá, Hà Giang…, đâu đâu cũng hạt cà phê óng đen trải dưới ánh nắng ngọt trước sân mỗi gia đình đang phơi phóng. Tôi cảm nhận rõ, cà phê được mở rộng diện tích phơi hơn và dày hơn năm ngoái. Cũng đồng nghĩa, niềm vui của người nông dân Cơ Ho Gia Bắc rộn ràng hơn, hân hoan hơn. Cuộc sống sung túc hơn từ cà phê, cây nông nghiệp chủ lực ở xã... Một năm Gia Bắc được mùa cà phê. Hộ thành công không còn chỉ đếm trong bàn tay như năm ngoái nữa: K’Brên, K’Viễn, K’Min, K’Bảy, Hà Rung Dũng thôn Đà Hiòng, K’Yêm thôn Ka Sá, K’Trung thôn Nao Sẻ, Phó Trưởng Trạm y tế xã K’Yêm, Chủ tịch Hội Nông dân xã K’Trung,... mà đã có thêm nhiều hộ khác.
 
Tổng diện cà phê toàn xã Gia Bắc năm 2021 là 1.452 ha. “Mưa thuận” là ưu thế lớn nhất của năm. Cùng đó, trong năm, bà con đã chuyển đổi được trên 16 ha cà phê già cỗi, cà phê kém năng suất sang cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng. Mô hình chuối Laba có 32 hộ với 5,5 ha; mô hình trồng xen bơ 8,5 ha; mô hình mắc ca trên 10 ha, sầu riêng trên 9 ha… Phương thức thích nghi và thuận theo tự nhiên phát triển đa canh đang được Đảng ủy, chính quyền xã Gia Bắc tuyên truyền, vận động các nông hộ. Qua Chủ tịch UBND xã Gia Bắc Trần Văn Hồng, nguyên là Chủ tịch UBND xã Gung Ré, tôi còn được chia sẻ nhiều thông tin kinh tế - xã hội của Gia Bắc đạt được trong năm 2021…
 
Theo Chủ tịch Trần Văn Hồng, năm 2022, Gia Bắc phấn đấu về giá trị sản xuất/ha canh tác đạt 90 triệu đồng; phấn đấu tái canh cà phê 20 ha, trồng 30 ha mắc ca, 5 ha chuối Laba, các cây như chanh dây, cà chua, dâu tằm, dược liệu mỗi loại 2 ha…Chủ động được 65% diện tích cà phê có nước tưới. Thu nhập bình quân đầu người 35 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo còn 18,7%. Duy trì xã nông thôn mới. 95% hộ sử dụng điện lưới quốc gia; 90% dân cư sử dụng nước hợp vệ sinh nông thôn. Duy trì trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn 15%; trong đó, trẻ em suy dinh dưỡng của trường mẫu giáo dưới 8%. Duy trì sĩ số học sinh mầm non và tiểu học đạt 100%, THCS đạt 99,5%…
 
Bài học xây dựng nông thôn mới của Gia Bắc, Bí thư Đảng ủy K’Vững cho rằng, đó là sự quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị xã nhưng bằng hành động cụ thể, sát thực triển khai ngay từ đầu năm. Tổ chức “Ngày thứ Bảy về nông thôn mới” đến tận từng khu dân cư; là phát động đợt cao điểm tại khu dân cư kiểu mẫu; là phong trào xây dựng vườn mẫu, cải tạo vườn, chỉnh trang vườn hộ phải thu hút được Nhân dân đồng tình, hưởng ứng…
 
Chủ tịch UBND huyện Di Linh, ông Trần Đức Công cũng cho tôi biết, huyện Di Linh đang mời gọi đầu tư 28 dự án trên địa bàn huyện. Đối với xã Gia Bắc, đó là dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng về đường giao thông, hệ thống mương thoát nước, nhà điều hành, cây xanh, hệ thống điện chiếu sáng, tổng diện tích 70 ha. Nơi có Quốc lộ 28 đi qua, nối các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ với các tỉnh Nam Tây Nguyên, Gia Bắc sẽ là điểm dừng chân lý tưởng của tuyến du lịch đặc biệt. Với 98% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên, Gia Bắc tiềm tàng về bản sắc văn hóa đặc sắc. Một địa bàn không chỉ đang giữ được gần 77% tỷ lệ độ che phủ rừng, mà ở đó, sự sống luôn đầy năng lượng tích cực bởi được đánh thức và âm vang của con thác 7 tầng Đạ Đào kỳ vĩ. Gia Bắc - bắc nhịp nối vùng rừng với vùng biển, tết này nơi đây như là một nốt nhạc rộn vui... Gia Bắc luôn ấm áp của thanh âm đại ngàn và sự chở che, ôm ấp của những ngọn núi thiêng, Ha Lôn, Rơ Gú, Lú Cọp, Tạ Trồn… 
 
Tháng 01 năm 2022
 
Bút ký: MINH ĐẠO