Tiếp nối truyền thống “Bộ đội cụ Hồ”, thời gian qua, cựu chiến binh Lâm Đồng đã không ngừng phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong hành động; khéo léo, mềm dẻo trong công tác dân vận, và đoàn kết, cộng hưởng trong việc tạo dựng hiệu quả của các phong trào. Nhờ đó, vai trò và dấu ấn của CCB ngày một đậm nét trong tiến trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
CCB phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn |
Tính đến nay, phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Lâm Đồng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Thành quả đó là kết tinh từ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, chính quyền và sự đồng lòng, hưởng ứng của người dân cũng như các ban ngành, hội, đoàn thể trên địa bàn. Trong đó, không thể không nhắc đến các đóng góp của cựu chiến binh (CCB) tỉnh nhà.
Phát huy vai trò cầu nối truyền tải chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân, các CCB luôn xác định rõ trách nhiệm đi đầu, gương mẫu của mình trong các hoạt động kinh tế, phát triển hạ tầng nông thôn, xây dựng đời sống văn hóa - tinh thần và bảo vệ an ninh, trật tự xã hội. Người dân cũng từ đó mà tin tưởng và làm theo, giúp cho hiệu quả của các chính sách được nâng lên rõ rệt.
Để phát triển hạ tầng nông thôn, tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế địa phương, theo Hội CCB tỉnh, trong 5 năm qua, các hội viên đã hiến hơn 19 ngàn mét vuông đất, quyên góp hơn 6 tỷ đồng và trực tiếp tham gia lao động hơn 7 ngàn ngày công... để làm mới, nâng cấp, sửa chữa cầu, cống, kênh mương, đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... Tiêu biểu trong các phong trào xây dựng kết cấu hạ tầng này có ông Nguyễn Văn Dần, Kra Jăn Hà Tem (Lạc Dương), ông Đặng Văn Sửu (Di Linh). Đặc biệt, ông Từ Văn Tân (xã Xuân Trường, Đà Lạt) người được TP Đà Lạt khen thưởng vì đã hiến hơn 2 ngàn mét vuông để đất làm đường.
Nhiều hội viên đã tham gia các phong trào yêu nước, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ an ninh, trật tự xã hội thông qua các mô hình Tiếng kẻng an ninh, các tổ hòa giải, tổ tự quản... Điển hình như Di Linh, trong vòng 5 năm qua, các hội viên CCB hòa giải thành công hơn 400 vụ; cung cấp gần 400 tin liên quan đến vấn đề an ninh, tham gia bắt 56 vụ trộm cắp... Ngoài ra, các CCB cũng đi đầu trong việc áp dụng các mô hình sản xuất - kinh doanh mới, các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả kinh tế với hàng ngàn trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề khác nhau.
Để chương trình NTM thật sự hiệu quả, công tác dân vận cũng được các cấp hội CCB chú trọng. Gần dân, lắng nghe dân, hiểu dân, vì lợi ích của dân, và cùng dân chung sức xây dựng NTM là phương châm hoạt động chính. Trong đó, lợi ích và sự đồng thuận của người dân được xem là nền tảng tiên quyết.
Chính từ sự thấu hiểu và tâm huyết mà các CCB đã góp phần nâng cao hiệu quả của các chương trình, phong trào; mặt khác, giúp người dân nắm vững chủ trương, chính sách cũng như lợi ích của mình.
Thông qua các mô hình 1+1, 1+2, 1+3 (một CCB vận động 1 đến 3 hộ gia đình liền kề), CCB đã giúp nhiều địa phương cải thiện tình hình an ninh, trật tự, giảm thiểu tại nạn giao thông trên địa bàn. Các cấp hội CCB cũng đã vận động thành lập 12 câu lạc bộ bảo vệ môi trường, thuyết phục người dân thu gom rác thải, tuyên truyền đồng bào DTTS thay đổi phong tục lạc hậu... Đặc biệt, nhiều hội viên đã thể hiện được sự khéo léo và mềm dẻo của mình trong việc vận động người dân hiến đất, tiền của và ngày công lao động để làm đường nông thôn. Tiêu biểu như ông Nguyễn Xuân Huy (68 tuổi) và các thành viên của Hội CCB xã Trạm Hành (Đà Lạt), chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, đã vận động được hơn 1,9 tỷ đồng từ hơn 190 hộ để làm hơn 3 km đường..
Để tăng tính hiệu quả và ảnh hưởng sâu rộng của các phong trào, các cấp hội CCB cũng chú trọng đến việc phối hợp, liên kết với các ban, ngành, đoàn thể trong các hoạt động. Hội đã kết hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Công an, Quân đội... thực hiện hiệu quả nhiều phong trào, cuộc vận động như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”, các hoạt động tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước, khuyến học, trao tặng học bổng cho học sinh nghèo, quyên góp ủng hộ người nghèo... Nhờ đó, “hiệu ứng tuyên truyền được lan tỏa sâu rộng và hiệu quả được nâng cao rõ rệt hơn so với trước đây”, ông Vũ Công Tiến - Chủ tịch Hội CCB tỉnh khẳng định.
Tuy nhiên, để vai trò và dấu ấn của CCB ngày một thêm đậm nét, theo ông Vũ Công Tiến, thời gian tới “Hội sẽ đặc biệt quan tâm trong việc nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, hội viên CCB; đảm bảo các hoạt động của hội hài hòa với nguyện vọng và lợi ích của người dân, của hội viên cũng như phù hợp với chủ trương, chính sách của Nhà nước”.
NHẬT QUỲNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin