“Trách nhiệm của chúng ta là giải quyết những điểm nghẽn trong cải cách hành chính”

NGUYỄN NGHĨA 12:56, 08/09/2023

(LĐ online) - Đó là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Tổ công tác) tại phiên họp thứ nhất của Tổ công tác diễn ra sáng ngày 8/9 với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc chủ trì phiên họp tại điểm cầu UBND tỉnh Lâm Đồng
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc chủ trì phiên họp tại điểm cầu UBND tỉnh Lâm Đồng

Buổi họp phiên thứ nhất được tổ chức trực tuyến, kết nối đầu cầu Chính phủ tại thủ đô Hà Nội với 63 tỉnh, thành cả nước. Tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng, đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi họp với sự tham dự của lãnh đạo một số các sở, ngành; lãnh đạo UBND các huyện, thành của tỉnh.

Tại phiên họp họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã công bố Quyết định thành lập Tổ công tác. Theo công bố, vào ngày 6/8/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định thành lập Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.

Tổ trưởng Tổ công tác là Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang. Tổ phó Tổ công tác gồm: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (Tổ phó thường trực); Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Bộ trưởng Bộ Tư pháp; lãnh đạo Bộ Công an là Tổ phó thường trực Tổ công tác triển khai Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030".

Các thành viên Tổ công tác là lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã hội và Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ (Ủy viên thường trực).

Đại diện lãnh đạo các sở, ngành và lãnh đạo các huyện, thành phố tham dự phiên họp
Đại diện lãnh đạo các sở, ngành và lãnh đạo các huyện, thành phố tham dự phiên họp

Nhiệm vụ của Tổ công tác là giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương theo các văn bản, chương trình, kế hoạch, đề án được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Kịp thời nắm bắt, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý các báo cáo, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ về vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, người dân về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân (bao gồm cả những quy định dự kiến ban hành trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật); định kỳ hoặc đột xuất làm việc với Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, các cá nhân, tổ chức liên quan để lắng nghe, nhận diện các khó khăn, vướng mắc và kịp thời chỉ đạo tháo gỡ.

Đồng thời, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao năng lực phản ứng chính sách của các bộ, ngành, địa phương; nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các sáng kiến, giải pháp thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao năng lực phản ứng chính sách và thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ giao.

Tại phiên họp này, Tổ công tác cũng đã giao nhiệm vụ và Tổ công tác cũng cụ thể hoá từng nhiệm vụ cho từng bộ, ngành, địa phương. 

Các địa phương được giao 6 nhiệm vụ:

Đánh giá tác động, thẩm định TTHC tại đề nghị xây dựng dự án đầu tư Văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm thủ tục hành chính được quy định đúng thẩm quyền, cần thiết, hợp lý và với chi phí thủ tục thấp nhất; Công bố, công khai TTHC trên cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về TTHC; hàng tháng thống kê TTHC được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ; Rà soát, tái cấu trúc quy trình TTHC cung cấp trên CDVCQG, HTTT giải quyết TTHC cấp tỉnh, để cắt giảm các thông tin phải khai báo khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm cắt giảm ít nhất 20% thông tin phải khai báo; Tiếp nhận, xử lý, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về quy định, TTHC; kiểm tra, làm rõ hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn trong giải quyết TTHC và chấn chỉnh, xử lý; Định kỳ hàng tháng công khai kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp theo Quyết định số 766/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên CDVCQG, CDVC cấp tỉnh, Cổng thông tin điện tử địa phương; Công bố, công khai và rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ theo Quyết định 1085/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ: hoàn thành rà soát ít nhất 50% TTHC nội bộ thuộc phạm vi quản lý, đề xuất phương án đơn giản hóa tối thiểu 20% TTHC, cắt giảm 20% chi phí tuân thủ TTHC.

Trên cơ sở những nhiệm vụ được giao, phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định: Việc cải cách hành chính không mới nhưng rất quan trọng. Vì vậy mà nhiệm vụ đặt ra cho Tổ công tác rất lớn vì nếu thủ tục hành chính được cải cách và ngày càng đơn giản, hiệu quả hơn thì sẽ tạo được rất nhiều thuận lợi và thúc đẩy phát triển về mọi mặt.

Đồng chí cũng nhấn mạnh: “Mặc dù thủ tục hành chính thời gian qua đã có nhiều cải cách theo hướng tin, gọn hơn nhưng phải thừa nhận rằng đến thời điểm này vẫn còn nhiều điểm nghẽn. Trách nhiệm của Tổ công tác chính là giải quyết những điễm nghẽn này. Chính vì vậy, tại cuộc họp lần này, tôi đề nghị các địa phương nói thẳng vào những khó khăn vướng mắc, cần làm gì để Tổ công tác đề ra kế hoạch triển khai nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện của từng bộ, ngành, địa phương”.

Tại phiên họp này, đại diện các bộ, ngành, địa phương cũng đã báo cáo những kết quả đạt được, nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện cải cách các thủ tục hành chính. Đại diện Hội đồng tham vấn về cải cách thủ tục hành chính, đại diện cộng đồng doanh nghiệp cũng nêu một số ý kiến về vấn đề thủ tục hành chính, đánh giá cao việc Thủ tướng Thành lập Tổ công tác trong thời điểm cả nước đang nỗ lực thúc đẩy phục hồi kinh tế sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Bày tỏ hy vọng, với sự vào cuộc của Tổ công tác, sẽ sớm giải quyết được những tắc nghẽn, đặc biệt là những tắc nghẽn “nóng” - những tắc nghẽn có tác động lớn đối với xã hội về thủ tục hành chính, giúp “dòng chảy thương mại” ngày càng thông suốt, đáp ứng được mong muốn phát triển kinh tế của cộng đồng doanh nghiệp, người lao động, và của đông đảo người dân.


Từ khóa:

TTHC Tổ công tác CCTTHC