Làm theo lời dặn của Bác

10:04, 19/04/2016

(LĐ online) - Cách đây vừa tròn 70 năm, ngày 19/4/1946, Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam được tổ chức tại Pleiku. Do phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng đối phó tình thế "nước sôi lửa bỏng" nên Hồ Chủ tịch không thể vào dự đại hội. Nhưng Người vẫn dành thời gian viết thư gửi Đại hội, gửi đến đồng bào các dân tộc thiểu số miền Nam.

(LĐ online) - Cách đây vừa tròn 70 năm, ngày 19/4/1946, Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam được tổ chức tại Pleiku. Do phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng đối phó tình thế “nước sôi lửa bỏng” nên Hồ Chủ tịch không thể vào dự đại hội. Nhưng Người vẫn dành thời gian viết thư gửi Đại hội, gửi đến đồng bào các dân tộc thiểu số miền Nam.
 
Chỉ với 300 chữ, nhưng bức thư của Bác lại hàm chứa một nội dung phong phú và sâu sắc. Qua thư, Bác đã bày tỏ tấm lòng của mình và của Chính phủ đối với đồng bào các dân tộc thiểu số miền Nam “Tôi tuy xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào”. Người nhấn mạnh đến cội nguồn dân tộc và tình cảm, sức mạnh Việt Nam: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt: Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”. Bác chỉ ra tài sản quý giá và vai trò đại diện quyền làm chủ của nhân dân các dân tộc “Nước Việt Nam là nước chung của chúng ta”, “Trong Quốc hội có đủ đại biểu các dân tộc. Chính phủ thì có “NHA DÂN TỘC THIỂU SỐ” để săn sóc cho tất cả các đồng bào”. Đồng thời, Thư xác định yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc: “Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta”; “phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta”. Nội dung cuối cùng kết thúc bức thư là sự xác lập một quyết tâm sắt đá: “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”. 
 
Làm theo lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đại biểu dự Đại hội đã nhanh chóng toả về các buôn, làng, tổ chức các buổi liên hoan, gặp mặt, các đêm lễ hội ăn thề theo phong tục của mỗi dân tộc… để truyền đạt đến đồng bào các dân tộc nội dung bức thư của Người, nói lên niềm tin tuyệt đối của mỗi dân tộc vào sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ kháng chiến, quyết tâm thực hiện đoàn kết các dân tộc, đoàn kết Kinh - Thượng, sát cánh bên nhau chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược. 
 
Ở Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên, những năm đầu kháng chiến, mặc dù đói cơm, lạt muối, ăn lá bép, măng rừng…, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, hàng ngàn thanh niên dân tộc thiểu số hăng hái tham gia du kích, lên đường nhập ngũ; nhiều cán bộ người Kinh đã thoát ly gia đình, quê hương mình lên Tây Nguyên cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói chung tiếng nói của đồng bào các dân tộc thiểu số, được đồng bào yêu thương, đùm bọc, nuôi giấu, cùng chiến đấu để bảo vệ quê hương, bảo vệ Tổ quốc. Đồng bào Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên cùng cả nước hưởng ứng phong trào ủng hộ kháng chiến, đã đóng góp hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm để nuôi cán bộ, nuôi quân, hàng triệu ngày công mở đường, tải đạn phục vụ kháng chiến. Các căn cứ kháng chiến, các khu du kích liên hoàn của đồng bào Tây Nguyên, miền Trung, miền Nam lần lượt ra đời. Lực lượng dân quân được hình thành và lớn mạnh, đã che chở, bảo vệ, nuôi giấu cán bộ, bộ đội và các lực lượng kháng chiến, phong trào tự tạo những vũ khí thô sơ để đánh địch như cung tên, bẫy đá, hầm chông… phát triển mạnh, đã làm cho kẻ thù khiếp sợ. Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mãi mãi ghi đậm những trang sử vàng chói lọi về tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa các dân tộc thiểu số đã kề vai, sát cánh chiến đấu và lập nên những chiến công vang dội trên chiến trường Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên. 
 
Trao đổi về những nét nổi bật  nhất về sự kiện này,  ông Phan Hoàng Anh – Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Lâm Đồng cho chúng tôi biết thêm: Năm 2006, nhân kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ gửi Thư  cho “Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam”, thực hiện chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng và  của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lâm Đồng “Về việc tổ chức Đại hội Đại đoàn kết các dân tộc tỉnh Lâm Đồng, tiến tới Đại hội Đại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên”;   ở tỉnh ta, có 94 xã, phường, thị trấn trong tỉnh tổ chức Đại hội và cấp tỉnh tổ chức Đại hội Đại đoàn kết các dân tộc tỉnh Lâm Đồng lần thứ nhất vào ngày 17/02/2006, với hơn 400 đại biểu đại diện cho các dân tộc anh em trong tỉnh về dự. Đại hội bầu 66 vị đi dự Đại hội Đại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên được tổ chức từ ngày 28 – 29 tháng 3 năm2006 tại thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai). Đặc biệt, các đại biểu dự Đại hội Đại đoàn kết các dân tộc ở tỉnh Lâm Đồng và 5 tỉnh Tây Nguyên đã cùng nhau thống nhất ra “Quyết tâm thư” gửi Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam khẳng định niềm tin son sắt và mãi mãi đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và dân tộc Việt Nam đã lựa chọn, nguyện chung sức, đồng lòng xây dựng Lâm Đồng và Tây Nguyên phát triển toàn diện, đoàn kết đấu tranh với các âm mưu phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, cùng nhau thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
 
Ngay sau Đại hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng đã hướng dẫn các địa phương, cơ sở và các vị đại biểu tổ chức các đợt tuyên truyền thực hiện “Quyết tâm thư” của Đại hội Đại đoàn kết các dân tộc tỉnh Lâm Đồng và Tây Nguyên, phát động “Tháng cao điểm” sinh hoạt, học tập và làm theo Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời in và cấp phát 47.000 Thư của Bác Hồ gửi đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị, trường học; các thôn, buôn, tổ dân phố, các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số và các già làng, nhân sỹ, trí thức trong tỉnh. Qua đó, đã tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong cán bộ, công chức và nhân dân, nhất là ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số…Theo thống kê của cơ quan UBMTTQ tỉnh, qua 10 năm ( 2006 -2016) tuyên truyền thực hiện “Quyết tâm thư”, đồng bào các dân tộc tỉnh Lâm Đồng  đã thấm nhuần tư tưởng, lời dạy của Bác, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tin tưởng, đồng thuận thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, nỗ lực vươn lên trong lao động, sản xuất, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan; tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, cảnh giác đấu tranh với các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động, xúi giục, kích động chống phá Đảng, chính quyền, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng nhau xây dựng quê hương, gia đình, thôn, buôn giàu mạnh.  
 
Nguyệt Thu