Hôm qua, 30-10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển KTXH, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.
Hôm qua, 30-10, Quốc hội (QH) họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019; kế hoạch phát triển KTXH, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.
|
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường |
Chuyển biến tích cực, toàn diện; tăng trưởng chưa bền vững
Đánh giá về tình hình phát triển KTXH năm 2019, các đại biểu thống nhất nhận định, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình khu vực và quốc tế diễn biến phức tạp, chiến tranh thương mại giữa các nước lớn có nhiều yếu tố không thuận lợi với Việt Nam, nhưng dưới sự điều hành đổi mới, năng động, quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, sự đóng góp của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, đất nước vẫn đạt tương đối đồng bộ các mục tiêu tổng quát đã được QH đề ra.
Cụ thể, năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp ước đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu QH giao, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Tốc độ tăng GDP ước đạt 6,8%, lạm phát dưới 3% GDP; thị trường ngoại tệ, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng gấp hai lần so với đầu nhiệm kỳ. Thu NSNN, ngân sách trung ương đều vượt dự toán, cân đối NSNN được bảo đảm, tỷ lệ bội chi và nợ công so GDP giảm. Cán cân thương mại giữ được nhịp tăng trưởng cao, xuất siêu năm thứ tư liên tiếp. Cơ cấu lại nền kinh tế chuyển dịch tích cực, thực chất hơn, các ngành, lĩnh vực chủ yếu phát triển ổn định. Khoảng 53% số xã đạt chuẩn Chương trình xây dựng nông thôn mới, hoàn thành trước hạn gần hai năm. Bên cạnh đó, quốc phòng, an ninh tiếp tục được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế đạt nhiều thành tựu quan trọng, đi vào chiều sâu. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được triển khai quyết liệt và đạt nhiều kết quả quan trọng. Uy tín, vị thế đất nước tiếp tục được nâng lên.
Bên cạnh những chuyển biến tích cực, nhiều đại biểu cho rằng, nền kinh tế tăng trưởng chưa thật sự bền vững, thu NSNN ở cả ba khu vực doanh nghiệp đều không đạt dự toán trong nhiều năm liền, nhiều địa phương thu NSNN không đạt chỉ tiêu được giao. Nếu loại trừ các khoản thu từ đất, xổ số thì thu nội địa không đạt dự toán, chất lượng tăng trưởng bị hạn chế, tăng trưởng năng suất lao động và hiệu quả sử dụng đồng vốn đầu tư công… đều thấp hơn so năm 2018. Chín tháng đầu năm, khoảng 61,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, làm thủ tục giải thể và giải thể, tăng cao hơn so năm 2018... Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cho rằng, tổng thu ngân sách trung ương vượt 3,3% dự toán (tăng 2,3% so năm 2018) nhưng chỉ chiếm 56% tổng thu NSNN, thấp hơn mục tiêu đề ra là 60 đến 65%; tỷ lệ thu NSNN từ thuế chỉ đạt 20,2% GDP (mục tiêu là 21% GDP). Điều này cho thấy vai trò chủ đạo của việc tăng thu ngân sách trung ương trong tổng thu NSNN chưa rõ nét, việc thu từ sản xuất, kinh doanh tại các khu vực doanh nghiệp chưa cao, chưa thể hiện nguồn lực nội tại của nền kinh tế. Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đề nghị QH ngoài việc giao chỉ tiêu GDP như hiện nay, cần giao thêm chỉ tiêu tổng thu nhập quốc gia (GNI) để phản ánh nội lực nền kinh tế và thu nhập của người dân.
Để bảo đảm tính bền vững trong phát triển KTXH, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ phân tích làm rõ thêm một số nội dung về việc phát triển thương hiệu quốc gia, sức cạnh tranh sản phẩm và bảo vệ thương hiệu trong nước. Đánh giá cụ thể những yếu tố, mặt hàng có đóng góp tích cực vào xuất khẩu, cần phân tích sâu công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa. Bên cạnh đó, chỉ rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia làm giảm hiệu quả nguồn lực và gây lãng phí.
Còn nhiều lỗ hổng trong xử lý những vấn đề xã hội “nóng”
Nhiều đại biểu cho rằng, các vấn đề nóng của xã hội đều thuộc nội dung công việc, thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của cơ quan quản lý nhà nước, nhưng thường chỉ khi vụ việc được người dân, báo chí phát hiện, phản ánh hoặc xảy ra sự cố làm thiệt hại về người, tài sản, thì mới được xử lý. Qua đó cho thấy, việc thực thi nhiệm vụ còn bộc lộ nhiều thiếu sót, nhiều lỗ hổng, còn buông lỏng quản lý, nhưng chưa được làm rõ để siết chặt kỷ cương, kỷ luật. Đề nghị Chính phủ cần có các biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, không để người dân phải chịu hậu quả về sự tắc trách, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ trong thực thi nhiệm vụ.
Tình trạng ô nhiễm môi trường liên quan sự cố cháy nổ, nhiễm bẩn nguồn nước sinh hoạt, hiện tượng xả thải vào nguồn nước, ô nhiễm không khí tại một số thành phố lớn diễn biến phức tạp, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng sức khỏe, đời sống nhân dân, nhưng các cơ quan chức năng chậm trễ trong công bố thông tin, chưa chủ động đánh giá và chưa có biện pháp kịp thời khắc phục. Đại biểu Trần Công Thuật (Quảng Bình) và nhiều đại biểu thông tin, hiện những nhóm tội phạm liên tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều, hành động táo tợn, thách thức pháp luật, nhất là tội phạm ma túy, tình trạng cho vay nặng lãi, làm bằng giả, giấy tờ giả, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả… rao bán công khai trên in-tơ-nét, gây bất an cho xã hội. Các địa phương đã triệt phá nhiều vụ án lớn nhưng tình hình vẫn rất phức tạp, đề nghị cơ quan chức năng cần có nhiều giải pháp đồng bộ để giữ vững ổn định xã hội.
Nhiều đại biểu cũng nêu, thời gian qua, tình trạng lừa đảo bán nhà, bán đất tại các dự án không có thật diễn ra phức tạp tại nhiều địa phương, rất cần sự chủ động vào cuộc của cơ quan chức năng để tránh gây đổ vỡ nền kinh tế, nếu thị trường bất động sản có biến động lớn, bởi phần lớn nguồn tiền đầu tư đến từ nguồn vay của các tổ chức tín dụng. Những dấu hiệu vi phạm pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, khai thác khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên còn xảy ra ở nhiều nơi; thông tin xấu, độc, bịa đặt trên mạng xã hội chưa được ngăn chặn; tình trạng lợi dụng tôn giáo, mạng xã hội để lừa đảo, trục lợi; công tác quản lý người nước ngoài còn hạn chế, tạo kẽ hở để nhiều đối tượng lợi dụng lừa đảo, tổ chức đánh bạc qua mạng… cũng cần được quan tâm ngăn chặn, xử lý kịp thời. Một số ý kiến đề nghị làm rõ mức độ hoàn thành và hiệu quả thực tiễn của các nhóm giải pháp, việc huy động nguồn lực ứng phó biến đổi khí hậu, đồng thời đánh giá hiệu quả các giải pháp đối với tình trạng xâm nhập mặn, ngập lụt, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển xảy ra tại một số địa phương, nhất là các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Vấn đề bảo đảm an toàn giao thông được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận. Mặc dù năm 2019, tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí nhưng vẫn ở mức cao, liên tục xảy ra một số vụ đặc biệt nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn về người, nhiều vụ tai nạn do sử dụng rượu, bia, ma túy, chất kích thích nhưng chưa có biện pháp hạn chế, ngăn chặn hiệu quả, đã gây lo lắng, bức xúc trong dư luận. Theo số liệu báo cáo của Chính phủ, đến thời điểm này của năm 2019, cả nước xảy ra 17.651 vụ tai nạn giao thông, làm 7.758 người chết, 13.495 người bị thương. Bên cạnh nguyên nhân từ phía người bị nạn, còn do cơ chế phân công, phân cấp quản lý, điều hành hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông giữa các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chưa rõ ràng, cho nên khó xác định trách nhiệm. Một số quy định về trật tự an toàn giao thông chưa phù hợp thực tiễn nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, hiện tượng xử lý chưa nghiêm hành vi vi phạm làm giảm tính răn đe, dẫn đến coi thường pháp luật. Do đó, cần có những giải pháp tổng thể, trong đó quan tâm chống tiêu cực, tham nhũng vặt trong lĩnh vực này; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng chức năng, các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe, đăng kiểm phương tiện… để phòng ngừa, kịp thời phát hiện sai phạm, xử lý nghiêm minh các trường hợp tiêu cực.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu QH nêu.
Đáng lo ngại là tinh thần kiến tạo, đổi mới của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa thật sự được hưởng ứng, thực hiện một cách đầy đủ, toàn diện trong toàn hệ thống. Vẫn còn những tổ chức, cá nhân trong bộ máy công quyền thiếu tính tiên phong, sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, những việc có lợi thì làm, những việc không có lợi cho cá nhân, không an toàn… thì né tránh, đùn đẩy, những cái mới thì ngại ngùng, ngại tiếp cận triển khai. Có tình trạng các vụ việc được chuyển lên, chuyển xuống, chuyển ngang qua lại nhiều lần, nhiều cơ quan nhưng vẫn chưa có lời giải. Thực trạng này đang là lực cản lớn cho sự phát triển ở nước ta, cần nghiêm túc nhìn nhận, từ đó có giải pháp khắc phục, tạo được sự đồng bộ, nhất quán từ Trung ương đến tận cơ sở.
Đại biểu NGUYỄN THANH HIỀN (Nghệ An)
Một trong những trở ngại lớn nhất của người nông dân hiện nay không phải là vốn, hay kỹ thuật canh tác, mà là thiếu thông tin chuẩn xác. Nhiều nông dân chỉ biết lao động ngoài đồng ruộng, lên nương rẫy, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp mà không biết rõ thông tin về thị trường; đồng thời chỉ nhận thông tin qua những kênh không chính thống từ các đại lý thu mua, thương lái, cho nên họ không có quyết định chính xác những cách thức sản xuất theo đúng quy luật của kinh tế thị trường. Chừng nào những thông tin chính thống về giá cả thị trường chưa đến được với người nông dân thì thực trạng kêu cứu về hàng nông sản sẽ còn tiếp diễn... Tôi cho rằng, các ngành phải có trách nhiệm đưa những thông tin chính xác đến tận người dân để người dân biết, quyết định giống vật nuôi, cây trồng, sản lượng, thời vụ cho phù hợp yêu cầu của thị trường.
Đại biểu LƯU THÀNH CÔNG (Vĩnh Long)
|
(Theo nhandan.com.vn)