Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng

06:10, 31/10/2019

Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Công văn số 3960-CV/TU, ngày 16/10/2019 về việc tăng cường, thực hiện nghiêm công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Công văn số 3960-CV/TU, ngày 16/10/2019 về việc tăng cường, thực hiện nghiêm công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QLBV&PTR).
 
Thời gian qua, công tác QLBV&PTR được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được những kết quả tích cực, số vụ vi phạm pháp luật về QLBV&PTR có giảm. Tuy nhiên, tình trạng không thực hiện nghiêm các văn bản của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy và Luật Lâm nghiệp tại các địa phương, cơ sở còn phổ biến, tình hình vi phạm còn diễn biến phức tạp. Do vậy, để xảy ra nhiều vụ phá rừng, xâm hại tài nguyên rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật nhưng không phát hiện kịp thời và ngăn chặn, xử lý nghiêm minh; thậm chí có nơi cán bộ còn tiếp tay, bao che cho các đối tượng vi phạm. Trong tháng 10/2019, toàn tỉnh phát hiện và lập biên bản 63 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp; diện tích thiệt hại do phá rừng 3,68 ha, lâm sản thiệt hại 147 m 3... Lũy kế 10 tháng đầu năm, tổng số vụ vi phạm 601 vụ (278 vụ chưa xác định đối tượng vi phạm); diện tích thiệt hại do phá rừng 49,6 ha; lâm sản thiệt hại 3.392 m 3; so với cùng kỳ: giảm 141 vụ (tương đương giảm 19%); diện tích thiệt hại do phá rừng giảm 3,82 ha (tương đương giảm 7,0%), lâm sản thiệt hại tăng 305 m3 (tương đương tăng 10%).
 
Nhằm khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh gần đây đã từng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), UBND huyện Lâm Hà chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan sớm giải tỏa diện tích rừng bị phá, đất bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích tại các Tiểu khu 252, 287 ở xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà. Đồng thời chỉ đạo đơn vị chủ rừng Công ty Cổ phần Du lịch sinh thái Phương Nam tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) và đất lâm nghiệp trong hai tiểu khu này cũng như diện tích đất, rừng được giao quản lý. Đối với việc phá rừng tại Tiểu khu 251, xã Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông), UBND tỉnh yêu cầu huyện và các ngành chức năng liên quan khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ đối tượng cầm đầu, chủ mưu của vụ phá rừng; sớm hoàn thiện hồ sơ để xử lý nghiêm, tạo tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa... 
 
Tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác QLBVR và xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ vi phạm, trong Công văn số 3960-CV/TU, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các Huyện ủy, Thành ủy: Tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác QLBV&PTR; Thông báo số 191/TB-VPCP, ngày 22/7/2016 của Văn phòng Chính phủ về phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên; Chỉ thị số 30-CT/TU, ngày 26/3/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong QLBV&PTR, quản lý lâm sản và Kế hoạch số 25-KH/TU, ngày 31/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Bên cạnh đó, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong việc chấp hành các quy định của Đảng, pháp luật về QLBV&PTR, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các vụ việc vi phạm. Công văn cũng nêu rõ: Các đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương để xảy ra vụ việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng, hủy hoại rừng, khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh. 
 
Cùng với quán triệt và thực hiện nghiêm Công văn số 3960-CV/TU, trong những tháng cuối năm, các địa phương trong tỉnh cần tiếp tục tăng cường công tác QLBVR, phát hiện và xử lý nghiêm các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp; thực hiện nghiêm việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc để xảy ra tình trạng ken cây, phá rừng trên địa bàn; xây dựng kế hoạch phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô 2019 - 2020 đạt hiệu quả cao.
 
LAN HỒ