(LĐ online) - Ngày 30 - 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019;...
(LĐ online) - Ngày 30 - 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020. Đồng chí Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã phát biểu thảo luận.
|
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt phát biểu trước Quốc hội |
Theo Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt, trên cơ sở kết quả đạt được năm 2019, cử tri các địa phương đánh giá cao điều hành của Chính phủ, đã có nhiều nỗ lực để vượt qua khó khăn, thách thức, dự báo sẽ hoàn thành tất cả 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt so với kế hoạch đề ra; công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đã và đang được đẩy mạnh càng tăng thêm niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, một số vấn đề cần quan tâm đánh giá đầy đủ hơn, đó là sự tăng trưởng của một số lĩnh vực còn thiếu vững chắc trong dài hạn; lĩnh vực nông nghiệp có mức tăng trưởng đáng kể trong thời gian qua nhưng đang phải đối mặt với những khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, trong đó vấn đề thương hiệu nông sản Việt nói chung và thương hiệu nông sản một số địa phương, vùng miền nói riêng đang đặt ra những thách thức mới cho bài toán xuất khẩu, tiêu thụ nội địa nông - lâm - thủy sản.
Ngoài ra, trong báo cáo KT - XH năm 2019, giá trị kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản giảm có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là do các quốc gia nhập khẩu tăng cường kiểm soát chất lượng nông sản, giám sát, truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm... Mặc dù thời gian qua các ngành, các cấp đã có nhiều giải pháp để thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nhưng trên thực tế vấn đề thị trường, thương hiệu gắn với chất lượng, giá trị sản phẩm vẫn là những thách thức lớn đối với nông sản Việt Nam. Một số mặt hàng nông sản Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam bằng nhiều đường khác nhau, làm giả các nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa nông sản trong nước đã có thương hiệu để đưa ra thị trường tiêu thụ, đơn cử như tình trạng trà trộn, hoặc giả thương hiệu rau, củ, quả của các địa phương, trong đó có Đà Lạt, đã gây không ít thiệt hại cho bà con nông dân và ảnh hưởng thương hiệu sản phẩm có uy tín, công tác quản lý nhà nước để việc bảo vệ và phát triển thương hiệu đang gặp không ít khó khăn.
Hiện nay, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đến năm 2030 tại Quyết định số 1320/QĐ-TTg ngày 08 tháng 10 năm 2019. Bên cạnh các thương hiệu quốc gia có uy tín về chất lượng hàng hóa và dịch vụ, nhiều tỉnh, thành phố đã có kế hoạch xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương, vùng miền. Tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” và phát triển được 24 sản phẩm nông nghiệp tập trung vào rau, hoa, trà, cà phê, trái cây, nằm trong nhóm những tỉnh có thế mạnh về xây dựng thương hiệu nông sản, góp phần phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên thực tế của địa phương cũng đã cho thấy những hạn chế trong việc phát triển thương hiệu, nhiều nhãn hiệu đã được chứng nhận nhưng đăng ký sử dụng không có hiệu quả; có những sản phẩm lợi thế nhưng chưa được phát triển tương xứng trên thị trường trong và ngoài nước; công tác quản lý, phát triển nhãn hiệu, thương hiệu sau chứng nhận còn hạn chế; việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, thương hiệu còn nhiều bất cập.
Từ thực tiễn đó, trong giải pháp về phát triển thương hiệu, đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn một cách bền vững, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt đề xuất:
-
Một là, các địa phương tiếp tục xác định sản phẩm thế mạnh của mình, tập trung nguồn lực và thúc đẩy mạnh mẽ các giải pháp để thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đến năm 2030 đã đề ra, cần quan tâm các giải pháp nâng cao nhận thức của người sản xuất về vai trò của thương hiệu, nâng cao năng lực xây dựng, phát triển, quản trị thương hiệu, quảng bá thương hiệu.
-
Hai là, các bộ, ngành tiếp tục định hướng và hỗ trợ địa phương đăng ký, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu trong nước, khu vực và quốc tế; phát triển ứng dụng công nghệ số đối với việc sử dụng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa; tăng cường kiểm soát, có chế tài đủ mạnh để phòng, chống các hành vi vi phạm về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, thương hiệu ở cấp độ quốc gia.
-
Ba là, các hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp cần chú trọng xây dựng, phát triển thương hiệu, có biện pháp duy trì, bảo vệ uy tín thương hiệu; động viên, hướng dẫn các thành viên tham gia sử dụng và bảo vệ nhãn hiệu, thương hiệu, bảo hộ tên gọi, chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa, đối với các mặt hàng sản phẩm nông nghiệp của mình.
-
Bốn là, cần phải có chính sách mạnh mẽ và cụ thể hơn nữa hỗ trợ cho doanh nghiệp, người sản xuất tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu cho thị trường trong nước và xuất khẩu; tạo bước chuyển biến trong sản xuất và kinh doanh nông sản. Tạo điều kiện để các địa phương quy hoạch, tiếp tục hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, hình thành các vùng chuyên canh nông sản có giá trị và từng bước xây dựng, định hình thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế.
Nhận thức và hành động đầy đủ đối với vấn đề thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp và thị trường là yêu cầu đối với Nhà nước, doanh nghiệp, người sản xuất để tăng tính bền vững cho nông nghiệp Việt Nam trong dài hạn.
PV