Xác định rõ tầm quan trọng của cấp cơ sở, những năm qua, Hội Phụ nữ huyện Di Linh đẩy mạnh các giải pháp thu hút hội viên và nâng cao hiệu quả của các hoạt động cơ sở. Nhờ đó, chất lượng tổ chức, hoạt động ở cấp Hội cơ sở ngày càng được cải thiện, vai trò, vị thế được phát huy; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
|
Hoạt động của các cơ sở Hội Phụ nữ Di Linh ngày càng đa dạng và thiết thực. |
Để các hoạt động thu hút được đông đảo hội viên phụ nữ tham gia, Hội Phụ nữ huyện xác định phải bám sát cơ sở, linh hoạt các hoạt động, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa bàn, quan trọng hơn hết là phải đảm bảo tính thiết thực và hiệu quả của hoạt động. “Trong đó, công tác tập hợp, thu hút hội viên tham gia tổ chức Hội là nhiệm vụ then chốt”, bà Hà Thị Thùy Linh - Chủ tịch Hội Phụ nữ Di Linh nhấn mạnh.
Theo đó, các hình thức tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, hội viên phụ nữ được Hội đa dạng hóa, cụ thể hóa và tổ chức thường xuyên trên toàn huyện. Ngoài các buổi tập huấn, hội họp, giao lưu, gặp mặt trực tiếp, Hội đã vận dụng tối đa các kênh tiếp cận truyền thống như báo chí, truyền thanh, truyền hình, lẫn các phương tiện internet như Zalo, Facebook giúp hội viên kịp thời nắm bắt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chương trình hoạt động của Hội. Trong 5 năm qua, các buổi tập huấn, hội nghị phổ biến pháp luật do Hội tổ chức đã thu hút hơn 21 ngàn lượt hội viên tham gia. Nhờ đó, các chương trình, hoạt động do các cấp Hội phát động đã được đông đảo hội viên hưởng ứng, nhiệt tình tham gia.
Tuy nhiên, để hoạt động Hội thiết thực và hiệu quả, theo bà Linh, Hội đã bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy, Hội cấp trên và nhận được sự quan tâm của chính quyền, phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể để chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở linh hoạt triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác Hội; thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp triển khai thực hiện. Hội cũng chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình hình đời sống của hội viên, dư luận xã hội; đồng thời, duy trì, phát triển xây dựng mô hình hay, cách làm sáng tạo, các phong trào thi đua được phát động thiết thực. Nhờ vậy, các phong trào, hoạt động cơ sở ngày càng hiệu quả, đa dạng, toàn diện.
Theo đó, trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, nhân đạo, nhằm phát huy, nhân rộng các giá trị tốt đẹp của phụ nữ, Hội đã triển khai Phong trào “Xây dựng người phụ nữ Lâm Đồng thời đại mới” với 100% Hội cơ sở tham gia tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện; xây dựng và triển khai Mô hình điểm “Phụ nữ K’Ho vun đắp, gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống” tại Chi hội Phụ nữ thôn Bảo Tuân (xã Bảo Thuận) và nhân rộng tại 4 chi hội khác. Ngoài ra, việc tuyên truyền, thực hiện bảo vệ môi trường cũng được Hội chú trọng với nhiều hoạt động như: Ngày thứ 7 vì môi trường, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, thu gom rác thải, khơi thông cống rãnh, phân loại rác tại hộ gia đình, thu gom phế liệu tiết kiệm...
Nhằm hỗ trợ các gia đình hội viên khó khăn có điều kiện khám và chữa bệnh, trên địa bàn huyện đã thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả 16 tổ với gần 2.000 hội viên tham gia, tiết kiệm hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, các tổ đã hỗ trợ mua hơn 200 thẻ bảo hiểm y tế. Các chương trình từ thiện, nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa như “Mẹ đỡ đầu”, “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, hỗ trợ trẻ mồ côi do COVID-19… cũng được triển khai rộng rãi trong các cơ sở Hội.
Bà Hà Thị Thùy Linh cho biết, để hoạt động cơ sở thực sự bền vững, việc cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, kinh tế của các hội viên cũng quan trọng không kém, đặc biệt với các hội viên đồng bào DTTS. Do đó, Hội đã triển khai và nhân rộng Mô hình “Trồng rau, nuôi gà trong hội viên dân tộc thiểu số” ở các xã Tân Thượng, Gia Bắc, Sơn Điền, Bảo Thuận; thành lập mới Mô hình “Tổ phụ nữ tham gia xây dựng mô hình vườn mẫu góp phần xây dựng nông thôn mới” ở Hòa Nam. Riêng năm 2022, Hội đã hỗ trợ hơn 500 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, nhiều hội viên đăng ký thoát nghèo. Hội cũng tổ chức các buổi tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm nhằm cổ vũ tinh thần khởi nghiệp, làm chủ kỹ năng, kiến thức khởi nghiệp, cây trồng, vật nuôi. Nguồn vốn để hỗ trợ kinh tế, khởi nghiệp và mở rộng sản xuất kinh doanh của phụ nữ được Hội thu hút và gây dựng qua các tổ tiết kiệm, hùn vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác...; chị em phụ nữ nhờ đó mà ngày càng tự tin phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của hội viên có lúc, có nơi chưa kịp thời; việc triển khai nhiệm vụ công tác Hội ở một số đơn vị cơ sở còn chậm so với tiến độ yêu cầu; tỷ lệ phát triển hội viên phụ nữ ở một số cơ sở còn chậm… Do đó, thời gian tới, ngoài việc khắc phục những hạn chế này, Hội chú trọng đổi mới hình thức, nội dung, phương thức hoạt động sao cho linh hoạt phù hợp với hội viên và điều kiện thực tế; kiện toàn, củng cố tổ chức Hội, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Hội và phát huy tính chủ động, sáng tạo của các chi, tổ hội; quan tâm sát sao đến đời sống hội viên...
NHẬT QUỲNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin