Đạ Tẻh: Nâng cao nhận thức về phòng, chống tảo hôn

06:12, 02/12/2022
Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, chất lượng dân số. Từ thực tế đó, trong những năm gần đây, cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội huyện Đạ Tẻh đã tập trung nhiều giải pháp nhằm ngăn ngừa tình trạng này.
 
Người dân buôn Con Ó (nay là Thôn 8, xã Mỹ Đức) tham gia buổi tuyên truyền phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Người dân buôn Con Ó (nay là Thôn 8, xã Mỹ Đức) tham gia buổi tuyên truyền phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
 
•  TỪNG BƯỚC THAY ĐỔI NHẬN THỨC NGƯỜI DÂN
 
Thôn Đạ Nhar, xã Quốc Oai hiện có 318 hộ với 1.210 nhân khẩu; đa phần bà con là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gốc Tây Nguyên. Từng có thời gian dài, Đạ Nhar luẩn quẩn trong đói nghèo và tình trạng tảo hôn diễn ra thường xuyên. Nếu như trước đây, trung bình mỗi năm có từ 3 - 4 cặp trong thôn cưới vợ hoặc cưới chồng khi chưa đủ tuổi, thì mấy năm trở lại đây, tình trạng này đã chấm dứt.
 
Chị Ka Dụ - Trưởng thôn Đạ Nhar cho biết, nhận thức của đồng bào địa phương đã được nâng lên và thay đổi rõ rệt. Bà con trong thôn hiểu được hệ lụy do việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Từ năm 2020, trên địa bàn thôn không có trường hợp kết hôn khi chưa đủ tuổi. “Chúng tôi sẽ tiếp tục bám sát, duy trì sinh hoạt, lấy những tấm gương điển hình trong đẩy lùi tảo hôn để tuyên truyền, đồng thời cũng phê bình nghiêm khắc những chị em có con vướng vào tảo hôn... Từ đó mới có thể đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”, chị Ka Dụ nói.
 
Tương tự, buôn Con Ó (Thôn 8), xã Mỹ Đức hiện có 173 hộ, 698 nhân khẩu. Theo thống kê, từ năm 2016 đến đầu năm 2022, trên địa bàn có 8 cặp tảo hôn đều rơi vào các em đang trong độ tuổi trung học, do hoàn cảnh và nhiều điều kiện khác nhau phải nghỉ học để phụ giúp việc nhà, rồi lập gia đình khi chưa có kiến thức về Luật Hôn nhân và Gia đình, chưa nắm bắt được những hệ lụy từ việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cũng như các chế tài xử phạt theo quy định khi tảo hôn xảy ra. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình trạng tảo hôn đã giảm và hôn nhân cận huyết thống đã không còn tồn tại.
 
Theo ông Lại Phước Thắng - Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện Đạ Tẻh, qua khảo sát cho thấy, nhiều năm nay, trên địa bàn huyện không có các cặp hôn nhân cận huyết thống, nhưng tình trạng tảo hôn vẫn còn. Các cặp tảo hôn chủ yếu sinh sống ở vùng đồng bào DTTS, khả năng tiếp cận thông tin hạn chế. Chính vì vậy, huyện xác định một trong những giải pháp quan trọng để giảm thiểu tình trạng tảo hôn là cung cấp thông tin để người dân hiểu rõ, hiểu đúng, đủ những tác hại tình trạng trên, cũng như những quy định của pháp luật về vấn đề này. 
 
  ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP
 
Nhằm thay đổi từ nhận thức đến hành động của người dân về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, những năm qua, UBND huyện Đạ Tẻh đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt là triển khai kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường tuyên truyền, phổ biến về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” trên địa bàn.
 
Qua 10 năm thực hiện Đề án, Phòng Tư pháp đã phối hợp với Công an huyện, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, và các đoàn thể tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực hôn nhân và gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình... cho nam, nữ thanh, thiếu niên, học sinh, phụ huynh học sinh, già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào DTTS. Hội Phụ nữ huyện tổ chức chức 17 đợt tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phòng chống xâm hại phụ nữ và trẻ em, các Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới… cho 2.226 lượt hội viên, phụ nữ vùng đồng bào DTTS Tây Nguyên; quan tâm chỉ đạo xây dựng và duy trì 6 mô hình “Tổ phụ nữ DTTS chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước” tại các thôn, tổ dân phố có đông hội viên là đồng bào DTTS; vận động chị em phụ nữ tích cực tham gia phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, tham gia phát hiện, mạnh dạn tố giác các hành vi phạm tội; Ủy ban MTTQ huyện và các tổ chức thành viên phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ những hủ tục trong hôn nhân và gia đình, ma chay, cưới hỏi... để nâng cao chất lượng dân số, xây dựng đời sống văn minh. 
 
So với thời điểm khi chưa triển khai thực hiện Đề án, đến nay, số trường hợp; tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã từng bước giảm. Từ năm 2015 đến tháng 2/2017, toàn huyện phát sinh 46 trường hợp tảo hôn và từ tháng 3/2017 đến hết năm 2020, có 32 trường hợp.
 
Theo ông Lại Phước Thắng, song song với mở lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp, huyện tăng cường tuyên truyền qua hệ thống đài phát thanh. Đồng thời, chú trọng vai trò của các tổ chức, đoàn thể trong tuyên truyền, vận động cũng như giám sát tại địa phương. Huyện cũng đã triển khai mô hình Dân vận khéo nhằm tuyên truyền tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên, tập trung ở các địa bàn như xã Mỹ Đức, Quốc Oai, An Nhơn và thị trấn Đạ Tẻh.
 
Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, trong thời gian tới, UBND huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền lồng ghép vào các cuộc họp, hội nghị, sinh hoạt của chính quyền, đoàn thể, giáo dục, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; Luật Hôn nhân và Gia đình, nhất là những tác hại, hậu quả của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn, người có uy tín vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện sớm các đối tượng có nguy cơ tảo hôn để tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân thực hiện theo đúng quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình... 
 
THÂN THU HIỀN