Đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới

VIỆT HÙNG 06:28, 25/09/2023

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 21 của Ban Bí thư (khóa XII) về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, vị trí, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội được nâng lên; công tác phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới được quan tâm đáng kể.

Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp phát huy được nội lực của hội viên, phụ nữ, tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương
Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp phát huy được nội lực của hội viên, phụ nữ, tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương

NÂNG CAO NHẬN THỨC

Tại Lâm Đồng, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm, chỉ đạo sâu sát, lồng ghép các nội dung công tác cán bộ nữ, công tác vì sự tiến bộ phụ nữ vào các chương trình, kế hoạch của địa phương, đơn vị. Công tác triển khai thực hiện Chỉ thị số 21 được tuyên truyền sâu rộng từ các cấp ủy, chính quyền, đến đoàn thể, đoàn viên, hội viên và quần chúng. Trong 5 năm qua đã tổ chức 2.700 cuộc tuyên truyền, phổ biến nghị quyết, chỉ thị, chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác phụ nữ cho gần 164 ngàn lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ; phát hành 75 ngàn tờ rơi, 25 ngàn cuốn tài liệu, cẩm nang, sổ tay tuyên truyền, 1.500 băng rôn tuyên truyền. Qua đó đã góp phần làm chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác phụ nữ và bình đẳng giới; vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội ngày càng được khẳng định. 

Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp hội chủ động tham mưu cho cấp ủy đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 21 phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị. 100% Hội LHPN cấp huyện có kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 21 gắn với chương trình công tác hội và phong trào phụ nữ hàng năm.

TẠO ĐIỀU KIỆN CHO PHỤ NỮ PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN 

Nhằm phát huy vai trò của các cấp Hội tham gia vào các hoạt động quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ, trẻ em, UBND tỉnh và Hội LHPN tỉnh ban hành Quy chế về phối hợp hoạt động và mối quan hệ công tác giữa UBND tỉnh và Hội LHPN tỉnh; chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp ký chương trình phối hợp với các cấp Hội. 

Các cấp ủy đảng chỉ đạo chính quyền các cấp, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng và thực hiện các chính sách đặc thù hỗ trợ phụ nữ vùng sâu, vùng xa, phụ nữ là người dân tộc thiểu số (DTTS), phụ nữ khuyết tật, đơn thân, cao tuổi, phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ, chuyển đổi nghề. Thông qua các mô hình sinh kế tạo việc làm tại chỗ, hoạt động giúp phụ nữ nghèo, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, hỗ trợ vốn tín dụng, đào tạo, tập huấn cho hội viên, phụ nữ nghèo gắn kết với Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” đã giúp hàng ngàn hộ thoát nghèo, trong đó có trên 12 ngàn hộ gia đình có phụ nữ thoát nghèo theo tiêu chí mới.

Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm nói chung và cho phụ nữ nói riêng được quan tâm, nhất là phụ nữ nghèo, phụ nữ nông thôn, phụ nữ vùng đồng bào DTTS. Hàng năm, số lượt người được giải quyết việc làm trên toàn tỉnh từ 28 - 30 ngàn lao động, trong đó nữ chiếm khoảng 45 - 47%. Phụ nữ được tiếp cận các nguồn vốn, giống cây trồng, vật nuôi, phân bón và tiếp cận khoa học, công nghệ để hỗ trợ sản xuất, được hỗ trợ vay vốn, tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, dạy nghề nông thôn… Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, thành lập hợp tác xã, tổ liên kết do phụ nữ làm chủ được triển khai đồng bộ, phát huy được nội lực của hội viên, phụ nữ, tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và phù hợp với nhu cầu thực tiễn. 

Cùng với đó, các cấp Hội LHPN trong toàn tỉnh tích cực triển khai thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới”; các hoạt động hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng phụ nữ Lâm Đồng có sức khoẻ, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu được triển khai tổ chức thực hiện thông qua các cuộc vận động, các phong trào thi đua trong các cấp Hội. 

CHUYỂN BIẾN CÔNG TÁC CÁN BỘ NỮ

Trong những năm gần đây, công tác cán bộ nữ trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, cán bộ nữ ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, đề bạt cán bộ nữ được quan tâm, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, cán bộ, công chức, viên chức nữ của tỉnh gần 18.000/29.631 CBCCVC, chiếm 60,67%; trong đó có 1.705 nữ cán bộ, công chức các cấp và 16.272 nữ viên chức. Tỷ lệ nữ cán bộ tham gia quản lý, lãnh đạo ở các cấp và số lượng cán bộ nữ đưa vào quy hoạch ngày càng tăng. 

Công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ, nhất là cán bộ nữ chủ chốt được quan tâm thực hiện ở cả 3 cấp. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 là 592/3.534 đồng chí, chiếm tỷ lệ 16,7%; nhiệm kỳ 2020-2025 là 642/3.916 đồng chí, chiếm tỷ lệ 16,4%. Tỷ lệ nữ tham gia đại biểu HĐND các cấp tăng qua các nhiệm kỳ. Tỷ lệ nữ lãnh đạo các sở, phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện và cấp tỉnh giai đoạn 2015-2020 là 135/646 đồng chí, chiếm tỷ lệ 20,9%; giai đoạn 2020-2025 là 136/646 đồng chí, chiếm tỷ lệ 21,1%... 

Theo Hội LHPN tỉnh, sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư, công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ ngày càng được quan tâm, tạo điều kiện cho phụ nữ có nhiều cơ hội phát huy trí tuệ, thể hiện năng lực, góp phần quan trọng cùng địa phương thực hiện tốt các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.