Trong 5 năm qua (từ 2018 - 2022), xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh có sự tăng trưởng đều, góp phần tạo đầu ra cho hàng hóa Lâm Đồng, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Công ty Sợi Đà Lạt đóng góp vào sự tăng trưởng xuất khẩu ngành dệt may trong tỉnh |
Tuy nhiên, về tổng quan, quy mô và giá trị xuất khẩu nhỏ. Đến năm 2022, chỉ có 3 sản phẩm và nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 100 triệu USD, đó là alumin và hydroxit nhôm, cà phê nhân và nhóm dệt may, nguyên liệu dệt may. Nhiều mặt hàng chủ lực đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại.
Theo đánh giá, ngoại trừ năm 2021 do dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng nặng nề nhất, thương mại toàn cầu đối mặt nhiều khó khăn như đứt gãy chuỗi cung ứng, giá vận tải quốc tế tăng cao và thiếu container trầm trọng là nguyên nhân dẫn tới giảm giá trị xuất khẩu. Bắt đầu từ năm 2022, giá trị xuất khẩu hàng hóa tỉnh Lâm Đồng thay đổi rõ nét, tăng trưởng 27,4% so với năm 2021, đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2016.
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt 661 triệu USD, năm 2019 đạt 720 triệu USD, năm 2020 đạt 708,5 triệu USD; năm 2021 đạt 696,3 triệu USD và năm 2022 đạt 886,8 triệu USD.
Riêng 3 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu toàn tỉnh ước đạt 211,4 triệu USD tăng 8,45% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 22,76% kế hoạch năm 2023. Trong đó, doanh nghiệp trong nước ước đạt 131,07 triệu USD, tăng 12,07% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 62% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 80,33 triệu USD, tăng 3,03% so cùng kỳ năm trước, chiếm 38% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Về giá trị nhập khẩu, lũy kế 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 36,72 triệu USD, giảm 7,83% so với cùng kỳ năm trước và đạt 20,75% kế hoạch năm 2023.
Đi sâu vào phân tích góc độ mặt hàng xuất khẩu, ngành Công thương tỉnh nhận định về cơ cấu ngành hàng, nhóm công nghiệp chế biến - chế tạo (bao gồm nhóm công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp) trong 5 năm qua chiếm tỷ trọng khoảng 50% trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa hiện nay và đóng góp chính vào giá trị của nhóm này là giá trị xuất khẩu của alumin. Trong nhóm nông sản, cà phê nhân hạt xanh vẫn là sản phẩm đóng góp nhiều giá trị nhất.
Những mặt hàng xuất khẩu khác như: hạt mắc ca, dược liệu, hoặc hàng nông sản chế biến,... đều chưa rõ nét, nguyên nhân chính là do hạn chế nguồn nguyên liệu. Một số mặt hàng là sản phẩm xuất khẩu chủ lực trước đây đang dần mất ưu thế, do thị trường xuất khẩu bị thu hẹp như chè, hàng dệt len.
Còn nếu xét về thị trường xuất khẩu, với tỷ lệ thị phần như hiện nay, có thể nói hàng hóa Lâm Đồng đã chinh phục được những thị trường khó tính. Mặc dù vậy, phần lớn là sản phẩm nguyên liệu, doanh nghiệp chưa hình thành được kênh phân phối.
Theo Sở Công thương, hiện nay, khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa tỉnh Lâm Đồng 3 tháng đầu năm 2023 chủ yếu là trong nhóm dệt may. Các doanh nghiệp gia công hàng may mặc cho biết, không có đơn hàng, nhiều công ty đến hết tháng 6 vẫn chưa có đơn hàng. Trong khi đó, nhóm sản xuất tơ tằm xuất khẩu tuy không khó khăn về đầu ra nhưng 3 tháng đầu năm thiếu nguyên liệu sản xuất, giá kén nguyên liệu tăng cao. Ngoài ra, một số công ty xuất khẩu sang các thị trường các nước Trung Á như Ả rập, Afganistan, Pakistan gặp khó khăn trong vấn đề thanh toán (tỷ giá đồng đô la Mỹ biến động, thiếu ngoại tệ,...) nên một số công ty này đã tạm ngưng xuất hàng.
Trong nhập khẩu đang chịu ảnh hưởng giảm chủ yếu từ việc giảm nhập nguyên vật liệu phục vụ cho ngành dệt may. Hai tháng đầu năm trùng vào dịp trong Tết Nguyên đán và tháng cao điểm lễ hội sau tết, nhưng giá trị nhập khẩu vẫn giảm chứng tỏ nhu cầu của người dân đang giảm.
Để củng cố động lực xuất khẩu, UBND tỉnh Lâm Đồng cuối tháng 3/2023 đã ban hành Kế hoạch triển khai chương trình hành động thực hiện chiến lược xuất khẩu hàng hóa tới năm 2030. Theo Kế hoạch trên, địa phương phấn đấu kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng bình quân 14-15% năm trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ngành chế biến, chế tạo tăng trưởng từ 13 - 14% Nghị quyết 13-NQ/TU về Phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Giai đoạn 2026 - 2030, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng bình quân 15-16%. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ngành chế biến, chế tạo tăng trưởng từ 14-15%.
Bên cạnh đó, Lâm Đồng sẽ tập trung vào danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh theo chính sách khuyến khích nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm đã được chế biến, tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị kinh tế cao; nâng cao khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, môi trường; chủ động thích ứng và vượt qua các rào cản thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại ở thị trường nước ngoài.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin