Đà Loan thực hiện tốt Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"

NGUYỆT THU  04:49, 27/05/2024

Đà Loan - một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Đức Trọng nay là vùng nông thôn mới với nhiều khởi sắc đáng kể, đời sống Nhân dân ngày càng được nâng lên. Thời gian qua, Đà Loan cũng góp phần tích cực trong thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tham gia tích cực vào việc đưa hàng Việt về nông thôn, nâng cao nhận thức, ý thức sử dụng hàng Việt Nam có chất lượng.

Nhiều cơ sở, doanh nghiệp trồng, chế biến nông sản an toàn tại Đức Trọng đẩy mạnh xúc tiến thương mại nhằm đưa hàng Việt 
về với người tiêu dùng
Nhiều cơ sở, doanh nghiệp trồng, chế biến nông sản an toàn tại Đức Trọng đẩy mạnh xúc tiến thương mại nhằm đưa hàng Việt về với người tiêu dùng

Từ việc phát động của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đức Trọng và sự định hướng chỉ đạo kịp thời thực hiện cuộc vận động của cấp uỷ, chính quyền xã Đà Loan, sự vào cuộc trách nhiệm của Ủy ban MTTQ xã Đà Loan, các tổ chức thành viên của Mặt trận... đã phát huy tích cực trong tuyên truyền, vận động Nhân dân hưởng ứng cuộc vận động. Thông qua các buổi họp của xã, thôn, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt của các chi hội đoàn thể, thông qua zalo, facebook… các nội dung chủ yếu của cuộc vận động được truyền đạt nhanh, gọn, hiệu quả đến từng thành viên, hội viên, gia đình trong thôn, xóm. Trọng tâm là cung cấp kiến thức, thói quen nên dùng hàng nội địa của Việt Nam, Lâm Đồng, cùng các lưu ý và thói quen cần thiết cho người tiêu dùng khi lựa chọn mua sắm đó là: nhãn mác, nơi sản xuất, hạn sử dụng, kỹ năng nhận biết hàng giả, hàng nhái… khuyến khích bà con nên dùng các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm sạch, an toàn của địa phương, rõ nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo UBND xã Đà Loan, thời gian qua, cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể của xã đã phối hợp đồng bộ thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Cụ thể, trong 5 năm qua đã tổ chức được 11 đợt tuyên truyền với sự tham gia của hơn 700 lượt người tham gia, chủ yếu thông qua Hội chợ “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, “Hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn”, qua đó góp phần tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, giới thiệu các mặt hàng tiêu dùng nội địa có chất lượng để người dân Đà Loan và các xã vùng Loan được tiếp cận, mua sắm. Mặt khác, thông qua việc tham gia hội chợ, chính quyền, đoàn thể xã cũng tăng cường giới thiệu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến nông sản đến với bà con nông dân trong xã và các xã lân cận như Ninh Loan, Tà Năng, Đa Quyn, Tà Hine…, trong đó Đà Loan được coi là đầu mối chính để kết nối, tập trung nhiều cơ sở kinh doanh mua bán…

Tại xã Đà Loan và các xã vùng Loan nói chung, đa số bà con sống bằng nghề nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại nhỏ lẻ… Về sản xuất nông nghiệp, trên địa bàn xã Đà Loan đang còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế do các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Qua phản ánh của bà con nông dân, lý do chủ yếu do sản xuất nông nghiệp thiếu tính ổn định bởi nông dân không tiếp cận được thị trường, không tự quyết định được giá bán nông sản do mình sản xuất ra, mặt khác do tư thương ép giá, việc tiếp cận chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn còn khó khăn, đời sống của nông dân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn không ít khó khăn. 

Bà con Nhân dân đã có kiến nghị tới các cơ quan chức năng, nhất là tại các buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh, huyện, đó là đề nghị các ngành chức năng của huyện quan tâm, hỗ trợ cho nông dân tiếp cận công nghệ mới, xây dựng chuỗi giá trị nông sản, tặng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm… nhằm ổn định đầu ra cho nông dân. Hy vọng trong thời gian tới, xã Đà Loan của huyện Đức Trọng có thêm nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giúp bà con vươn lên làm giàu, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của xã cũng như huyện Đức Trọng.

Hiện nay, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể đã và đang tích cực vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển đổi diện tích lúa 1 vụ sang trồng cây trồng khác có giá trị kinh tế cao, đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao; tham gia xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao như các mô hình trồng hoa cát tường, dưa leo Baby, ớt chuông, cà chua, khoai tây, sú tim… theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, phối hợp cùng Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đà Loan, các đại lý, công ty, vựa rau, củ, quả thu mua sản phẩm nông nghiệp cho nông dân. Được biết, xã Đà Loan  có các mô hình sản xuất liên kết do cấp hội, đoàn thể nông dân, hợp tác xã triển khai hiệu quả như: mô hình trồng cà chua Beef, mô hình trồng thanh long ruột đỏ xen bơ 034, mô hình chăn nuôi bò thịt vỗ béo…, các mô hình sản xuất đều có lợi nhuận kinh tế khá cao, từng bước nâng doanh thu cho hộ sản xuất, kinh doanh.

Theo đánh giá của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đức Trọng, để đạt được hiệu quả trong triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” phải kể tới vai trò phối hợp của các Hợp tác xã, chợ, doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn xã Đà Loan và các xã lân cận để kêu gọi sự hưởng ứng tích cực của các hộ tiểu thương, nông dân, cơ sở sản xuất chế biến… Mặt khác, là sự phối hợp tích cực của các cơ quan công an, quản lý thị trường, phòng kinh tế hạ tầng huyện trong việc thường xuyên kiểm tra, giám sát các mặt hàng về giá cả, nguồn gốc, mở các đợt tuần tra kiểm soát chống gian lận thương mại, kiểm soát xử lý vi phạm về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… Mặt khác, chính quyền địa phương cũng khuyến khích, động viên các doanh nghiệp, hộ tiểu thương, cơ sở kinh doanh tăng cường xây dựng đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu hàng hoá, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, phân phối đưa hàng hoá Việt, hàng nội tỉnh về với vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS.

Trên cơ sở thực tế triển khai nhiều năm qua, đại diện chính quyền xã Đà Loan cũng đề xuất, kiến nghị để  thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, rất cần sự phối hợp tuyên truyền mạnh mẽ của MTTQ, đoàn thể, chính quyền địa phương nhằm nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa thực chất của hàng hoá Việt; cần khuyến khích vận động doanh nghiệp tham gia hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn thông qua hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp và qua kênh phân phối hàng hoá Việt. Mặt khác, đề nghị cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hoá lưu thông trên thị trường, chống buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa với các mặt hàng khuyến mãi, nhất là qua mạng xã hội. Đề nghị cơ quan chức năng nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng Việt về nông thôn, nhất là đảm bảo niêm yết giá cả phù hợp, chất lượng, tạo sự cạnh tranh lành mạnh để người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn các mặt hàng an toàn.