Lâm Hà: Quyết liệt hơn để đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

T.T.HIỀN - H.LY 18:07, 15/05/2024

(LĐ online) - Chiều 15/5, UBND huyện Lâm Hà tổ chức hội nghị đánh giá, phân tích làm rõ những nguyên nhân khó khăn, tồn tại và bàn giải pháp thực hiện có hiệu quả kế hoạch đầu tư công đến cuối năm 2024.

Hội nghị dưới sự chủ trì của các đồng chí Nguyễn Văn Hoàng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà; Nguyễn Minh An - Phó Chủ tịch UBND huyện.

Các đồng chí chủ trì hội nghị vào chiều 15/5
Các đồng chí chủ trì hội nghị vào chiều 15/5

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hoàng - Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà yêu cầu lãnh đạo các ban, ngành liên quan thẳng thắn chỉ rõ những khó khăn, hạn chế, vướng mắc để huyện có sự thảo luận, đề ra các giải pháp xử lý dứt điểm trên tinh thần không để tồn đọng các vấn đề làm ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt, đồng chí nhấn mạnh sau buổi làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng với Ban Thường vụ Huyện ủy Lâm Hà vừa qua, địa phương cần có các biện pháp quyết liệt hơn, có kế hoạch và cụ thể hơn để tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm được đảm bảo đúng tiến độ.  

Theo báo cáo, tổng vốn đầu tư công năm 2024 được giao là 365,2 tỷ đồng/45 công trình, dự án; tính đến 30/4/2024 giải ngân được 38,3 tỷ đồng, đạt 10,5%; trong đó, nguồn vốn đầu tư công 312,7 tỷ đồng/22 công trình, dự án. Hiện nay, 1 công trình đã thi công hoàn thành; 20 công trình đang thi công; 1 công trình đang lập hồ sơ. Đã giải ngân 35,1 tỷ đồng, đạt 11,24% vốn.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn trên địa bàn huyện Lâm Hà đã tập trung làm rõ các nguyên nhân của tồn tại, hạn chế và vướng mắc khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn thấp, tiến độ thi công chậm như khó khăn trong việc lập, phê duyệt giá đất; xử lý mỏ đất đắp cho các công trình; chậm xử lý các vướng khắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng…

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà Nguyễn Văn Hoàng yêu cầu các ban, ngành chức năng liên quan cần xem xét, đánh giá lại năng lực các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, đơn vị thi công các công trình, dự án trên địa bàn. Trong đó, tập trung vào các công trình, dự án kéo dài, chậm tiến độ; từ đó, làm rõ trách nhiệm của các chủ đầu tư để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần phối hợp với chủ đầu tư thực hiện có hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng tại các công trình, dự án đầu tư công; các cơ quan chức năng liên quan cần phối hợp, hướng dẫn các chủ đầu tư hoàn thành các hồ sơ, thủ tục giải ngân, thanh quyết toán vốn đầu tư công đảm bảo các quy định của pháp luật; những công trình, dự án không thể triển khai hoặc triển khai chậm cần có phương án điều chuyển phù hợp vào các công trình, dự án khác.

Trước mắt, để tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công được đảm bảo đúng tiến độ, các ban, ngành liên quan cần đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ dự án, thẩm định, phê duyệt theo quy định; đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công đối với dự án đã có mặt bằng, nghiệm thu, thanh toán ngay khi đã có khối lượng thi công đảm bảo chất lượng theo hồ sơ được phê duyệt và theo quy định của pháp luật; tập trung và quyết liệt giải quyết các khó khăn, vướng mắc về bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng của các dự án;…