Tại thượng nguồn hồ chứa nước Đông Thanh (xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà), cơ quan chức năng huyện Lâm Hà đang khẩn trương rà soát, xử lý việc người dân làm nhà trái phép trên đất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc khắc phục tình trạng nêu trên đang gặp những khó khăn nhất định.
Một mảnh đất được san gạt cải tạo mặt bằng tại khu vực thượng nguồn hồ chứa nước Đông Thanh |
Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc đã ký văn bản yêu cầu UBND huyện Lâm Hà kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm, dứt điểm đối với các trường hợp xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp, lấn chiếm đất rừng, san gạt đất tại thượng nguồn Dự án Hồ chứa nước Đông Thanh.
Ông Đinh Văn Thế - Chủ tịch UBND xã Đông Thanh cho biết, ngay khi có văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh cũng như UBND huyện Lâm Hà, xã đã khẩn trương thành lập tổ kiểm tra liên ngành xử lý các nội dung nêu trên. Qua kiểm tra, rà soát, khu vực thượng nguồn Dự án Hồ chứa nước Đông Thanh không có tình trạng người dân lấn chiếm đất rừng. Có hai trường hợp san gạt, cải tạo mặt bằng nhưng có giấy phép của cơ quan chức năng. Tại khu vực kiểm tra có 28 hộ gia đình đang sử dụng nhà ở nhưng chỉ có 5 hộ xây dựng nhà trên đất thổ cư, còn lại 23 hộ xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp, đa số được xây dựng từ nhiều năm trước.
Trong số 23 hộ dân nêu trên, có 4 trường hợp nằm ngoài và sát với khu vực đang thi công Dự án Hồ chứa nước Đông Thanh bị sạt trượt thời gian qua. Đối với 4 hộ dân nêu trên, ngày 28/7, UBND xã đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính và thông báo yêu cầu 4 hộ dân di dời tới nơi khác. Riêng 19 hộ dân còn lại, có 10 trường hợp tổ công tác đã đi kiểm tra, lập biên bản vi phạm ban đầu. Còn lại 9 trường hợp (có 5 trường hợp đi làm xa và 4 trường hợp hộ dân có hộ khẩu ở tỉnh khác) hiện UBND xã chưa liên lạc được và đang tiếp tục liên lạc với các chủ sử dụng nhà để mời làm việc, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính theo quy định.
Theo ghi nhận của phóng viên ngày 17/9, khu vực thượng nguồn hồ chứa nước Đông Thanh đều là đất nông nghiệp, người dân trồng chủ lực là cà phê, chuối, các cây ăn quả ngắn ngày. Phần lớn trong 19 căn nhà người dân xây dựng trên đất nông nghiệp đều là nhà cấp 4 có diện tích dưới 80 m2. Đơn cử như trường hợp hộ gia đình ông Nguyễn Văn Lô (69 tuổi) và bà Nguyễn Thị Nhịn (67 tuổi). Cả hai ông bà có 3.000 m2 đất nông nghiệp trồng cà phê hơn 10 năm tuổi cách vị trí hồ Đông Thanh gần 1 km. “Sau khi di dời, nhận tiền đền bù giải toả khu vực lòng hồ Dự án Hồ chứa nước Đông Thanh lên đây, vợ chồng tôi bắt buộc phải xây tạm căn nhà cấp 4 rộng khoảng 70 m2 để có chỗ sinh hoạt, làm vườn”, ông Lô nói. Ông cũng cho biết, gia đình sẵn sàng chấp nhận đóng phạt vi phạm hành chính nhưng mong muốn của ông và các hộ dân nơi đây là chính quyền địa phương sớm quy hoạch đất thổ cư khu vực này để bà con an tâm làm ăn, ổn định cuộc sống.
Liên quan tới nội dung trên, ông Đinh Đức Chí - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cho biết, ngày 17/8, UBND huyện Lâm Hà đã có văn bản giao các phòng, ban, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra việc san gạt cải tạo mặt bằng, xử lý nhà, công trình trái phép trên đất nông nghiệp trên địa bàn toàn huyện. Đối với địa bàn xã Đông Thanh, đặc biệt là khu vực xung quanh và thượng nguồn hồ chứa nước Đông Thanh, lãnh đạo huyện đã yêu cầu UBND xã Đông Thanh rà soát, kiểm tra toàn diện các nội dung để xử lý dứt điểm các vi phạm. Hiện, UBND huyện Lâm Hà đang giao các phòng chức năng phối hợp với xã Đông Thanh tiến hành kiểm tra, phân loại quá trình hình thành việc xây nhà trái phép để đối chiếu với quy định của pháp luật, đề xuất hướng xử lý kịp thời đối với từng nhóm trường hợp cụ thể đảm bảo đúng quy định.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin