Thổi hồn cho tượng gỗ Tây Nguyên

12:11, 26/11/2022
(LĐ online) - Những bức tượng gỗ mô tả về đời sống, sinh hoạt của người Tây Nguyên bên hồ Xuân Hương (TP Đà Lạt) những ngày này đã thu hút sự chú ý của  đông đảo du khách. Từ đôi bàn tay và khối óc, những nghệ nhân đã tạo ra được những bức tượng chỉ bằng những dụng cụ giản đơn, thô sơ nhất.
 
Nghệ nhân A Gông và A Ya (người Xơ Đăng) trình diễn nghệ thuật tạc tượng bên hồ Xuân Hương, TP Đà Lạt
Nghệ nhân A Gông và A Ya (người Xơ Đăng) trình diễn nghệ thuật tạc tượng bên hồ Xuân Hương, TP Đà Lạt
 
Đến với không gian Thiên đường Tây Nguyên trong dịp Festival Hoa Đà Lạt 2022, người dân Đà Lạt và du khách đã được chìm đắm trong không gian văn hóa bản địa Tây Nguyên với những ngôi nhà truyền thống được vận chuyển, lắp đặt kỳ công; chiêm ngưỡng bộ sưu tập hơn 5.000 cổ vật văn hóa và chứng kiến sự kết hợp đầy nghệ thuật của tranh, đầy màu sắc của tơ lụa Vietnam Silk House lần đầu tiên được dệt tay bởi người đồng bào dân tộc Tây Nguyên để tạo ra những sản phẩm mới mang giá trị của thời trang cao cấp và nhiều hoạt động trình diễn nghệ thuật đặc sắc.
 
Vượt khoảng cách gần 500km, từ huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum, những nghệ nhân đã đem đến triển lãm ngôi nhà rông Măng Đen, hình ảnh người phụ nữ dệt thổ cẩm, đan lát, nghệ nhân đẽo tượng gỗ… Một sự kết hợp quy mô, ý nghĩa của hai địa phương Nam - Bắc Tây Nguyên. 
 
Mỗi bức tượng được tạc là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo
Mỗi bức tượng được tạc là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo
 
Vừa chăm chú từng động tác vừa kiên nhẫn với những tò mò của du khách, nghệ nhân ưu tú A Gông (Người dân tộc Xê Đăng) giải thích, trong kho tàng văn hóa đời sống của nhân dân các dân tộc ở Kon Tum, tạc tượng gỗ dân gian được biết đến như một loại hình nghệ thuật độc đáo. Nghệ thuật tạo hình mang sắc thái riêng được thể hiện qua những qua kiến trúc nhà rông, nhà ở, những hình ảnh đời sống của con người lao động, gần gũi với thiên nhiên, hay cả những vật nuôi gần gũi với đời sống của con người... 
 
Vì là nghệ thuật dân gian, tượng gỗ được sử dụng rộng rãi, dùng để trang trí trong nhà hoặc trưng bày, tô điểm cho nhà rông, các điểm giao lưu văn hóa địa phương… Và dẫu những pho tượng gỗ dân gian được tạc đẽo thô mộc, nhuốm màu của thời gian, mưa nắng vẫn mang trọn vẹn sắc thái, hồn cốt của con người và những giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời, thể hiện thông điệp về tình yêu thương con người, yêu thiên nhiên cây cỏ…
 
Những tác phẩm điêu khắc tượng gỗ về tập tục, văn hoá Tây Nguyên được gói gọn trong phạm vi một cây gỗ tròn, mọi chi tiết thể hiện tác phẩm đều không được chắp nối
Những tác phẩm điêu khắc tượng gỗ về tập tục, văn hoá Tây Nguyên được gói gọn trong phạm vi một cây gỗ tròn, mọi chi tiết thể hiện tác phẩm đều không được chắp nối
 

 

Các nghệ nhân đẽo tượng cho hay, mỗi bức tượng gỗ là một câu chuyện sinh động về văn hóa, một lát cắt lịch sử trong tiến trình hình thành và phát triển của mỗi dân tộc
Các nghệ nhân đẽo tượng cho hay, mỗi bức tượng gỗ là một câu chuyện sinh động về văn hóa, một lát cắt lịch sử trong tiến trình hình thành và phát triển của mỗi dân tộc
 
Gần 20 năm cầm rìu đục, với nghệ nhân A Gông, cái khó nhất vẫn ở khâu định hình, phác họa chủ đề trên khối gỗ sao cho kích thước cân đối, sắp đặt hợp lý các bộ phận của cơ thể và đặc biệt là thể hiện cái hồn trên gương mặt tượng gỗ.
 
Hơn 20 tượng gỗ mà anh mang đến triển lãm Thiên đường Tây Nguyên khá đa dạng với các chủ đề về con người, người mẹ mang gùi đến mẹ cho con bú, mẹ bồng con, cha mẹ đi làm rẫy, đàn ông cầm rìu đi rừng, ông già đánh cồng chiêng, ông già cầm giáo, bà già giã gạo, bà già xách nước…
 
Du khách thích thú chiêm ngưỡng, chụp hình lưu niệm bên cả trăm bức tượng gỗ Tây Nguyên bên hồ Xuân Hương thơ mộng
Du khách thích thú chiêm ngưỡng, chụp hình lưu niệm bên cả trăm bức tượng gỗ Tây Nguyên bên hồ Xuân Hương thơ mộng
 
“Mình rất vui khi được khách du lịch tìm hiểu rất nhiều về công việc này. Tượng gỗ giản dị, gần gũi vẫn được chế tác nhờ bàn tay khéo léo của nghệ nhân để sử dụng trong lễ hội, sinh hoạt cộng đồng. Ngoài năng khiếu nghệ thuật, óc thẩm mỹ, bàn tay khéo léo còn cần có đức tính cẩn thận, kiên trì và nhẫn nại. Và quan trọng nhất là phải đam mê để từ từ tập luyện sao cho mỗi bức tượng đều mang được trọn vẹn cái hồn qua hình dáng cơ thể và khuôn mặt”, anh A Gông nói.
 
Chị Hằng Nga, một du khách tới từ TP Hồ Chí Minh chia sẻ “Mình không ngờ chỉ với một vài dụng cụ đơn giản mà các nghệ nhân có thể tạo ra những bức tượng có hồn, sinh động như vậy. Thật sự ngưỡng mộ tài năng của các nghệ nhân”. 
 
Khi chiêm ngưỡng các bức tượng gỗ, du khách có thể nhận thấy các sinh hoạt, văn hoá, tập tục của bà con dân tộc Tây Nguyên được tái hiện sống động
Khi chiêm ngưỡng các bức tượng gỗ, du khách có thể nhận thấy các sinh hoạt, văn hoá, tập tục của bà con dân tộc Tây Nguyên được tái hiện sống động
 
Điểm đặc biệt của không gian Thiên đường Tây Nguyên trong dịp Festival Hoa Đà Lạt lần này chính là 5.000 hiện vật, trong đó có hàng trăm bức tượng gỗ sống động gây ấn tượng mạnh tới du khách, người dân thưởng lãm. Ông Đặng Minh Tâm - chủ nhân bộ sưu tập đồ sộ cho biết đó là quá trình 44 năm ông lặn lội khắp nơi sưu tập, trong đó có cả trăm bức tượng gỗ quý giá.
 
Không chỉ là một nhà sưu tập hiện vật văn hoá Tây Nguyên có tiếng trước nay, ông Tâm còn là một nghệ nhân điêu khắc tượng gỗ dân gian lành nghề. Ông đã đầu tư nhiều thời gian, tâm huyết vào việc chế tác tượng về các hoạt động cộng đồng nguyên thủy của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên và đến nay, số lượng lên đến hàng trăm tác phẩm.
 
Ông Tâm chia sẻ, tượng gỗ của đồng bào Tây Nguyên rất khác so với tượng của các dân tộc ở những vùng miền khác. Điểm khác biệt khi mình điêu khắc thì việc đẽo gọt tượng phải thể hiện một cách  đơn giản, thô sơ nhất. Tuy nhiên, khi nhìn ngắm lại toát lên được cái hồn của tượng, cái hồn của con người vùng đất Tây Nguyên trong từng sinh hoạt thường nhật, cho tới lễ hội, phong tục, cảnh vật hay muông thú. 
 
HỒNG THẮM - CHÍNH THÀNH