Quản lý chất thải trong nông nghiệp - những vấn đề đặt ra (Bài 2)

VIẾT TRỌNG 05:37, 29/08/2023
 

Bài 2 : Thu gom, xử lý bao bì hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng còn thấp

 

Số liệu ngành chức năng Lâm Đồng cho biết, trong năm 2022, lượng bao bì hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng trong canh tác nông nghiệp toàn tỉnh khoảng 185,8 tấn nhưng mới chỉ trên 18% trong số này được thu gom và xử lý đúng cách, số còn lại phần lớn vứt bỏ ngoài đồng ruộng, vườn cây, vứt lẫn vào rác thải thông thường hay bỏ trôi xuống sông, suối, gây ô nhiễm và mang lại những hệ lụy lâu dài về môi trường. 

 Tại một điểm thu gom bao bì hóa chất BVTV qua sử dụng để đổi quà tại một phường ở Đà Lạt
Tại một điểm thu gom bao bì hóa chất BVTV qua sử dụng để đổi quà tại một phường ở Đà Lạt

TÍCH GÓP ĐỔI QUÀ TẶNG 

Khi chúng tôi đến thăm, anh Lê Văn Quân, 42 tuổi sinh sống tại tổ dân phố Thái Hòa, Phường 12, Đà Lạt đang thu gom số bao bì đựng phân bón hóa học sau khi bón cho vạt đất trong vườn của anh.

Cũng như nhiều khu vườn lân cận nơi đây, gia đình anh Quân chuyên canh hoa cúc trong diện tích trên 4,5 sào. Anh chuyên canh hoa cúc đã trên 23 năm, từ năm 2000 đến nay. Khu vườn này được gia đình để lại, trải dài từ trên cao xuống suối theo hình bậc thang, mỗi bậc thang là một khoảnh đất bằng. Vườn đã phủ hết nhà kính mái lợp ni lông từ lâu, hoa được trồng cuốn chiếu theo từng khoảnh đất để lúc nào trong vườn cũng có hoa thu hoạch. 

Theo anh Quân, chừng 3 ngày là anh phải phun hóa chất bảo vệ thực vật cho từng khoảnh hoa trong vườn, nhưng cũng có lúc chỉ 2 ngày phun 1 lần. Tùy theo mùa, mùa nắng như quãng thời gian này thì tưới nhiều lượt hơn trong tuần để phòng ngừa bệnh và nấm gây hại. “Hầu như ngày nào cũng tưới, phun quanh vườn mà” - anh Quân cho biết. 

“Sao tưới nhiều vậy?” - tôi hỏi và anh Quân hài hước, “Nấm bệnh nay đã lì rồi. Trước đây mỗi ngày tưới 1 liều nhỏ thuốc BVTV thì hết sâu bệnh còn nay phải tăng liều lên mới được”.

Ngày nào cũng mua vì theo anh các cửa hiệu bán hóa chất BVTV trong phường rất nhiều, ra vườn cứ tiện đường đi ghé vào mua rồi tưới trong ngày, không mang về nhà vì hóa chất độc hại, nguy hiểm. 

Trước đây theo anh Quân, người dân nơi đây sau khi sử dụng thường dồn bao bì phân bón, chai lọ đựng hóa chất trong các hố nhỏ trong vườn rồi đốt, có người vứt gần bờ suối để mưa xuống cho trôi đi. Gần đây khi có các thùng thu gom bao bì hóa chất BVTV sơn màu cam, của Hội Nông dân thành phố lắp đặt trong phường thì nhiều người đã bắt đầu bỏ vào đó, đến kỳ thành phố sẽ đến thu gom mang đi xử lý. 

Tuy nhiên, gần đây, nhờ chương trình đổi quà tặng nên nhiều người trong đó có gia đình anh dồn chúng lại trong những bao tải đặt ngay trong vườn chỗ khô ráo, khi nào thấy đủ số ký thì mang đi đổi quà của Hội Nông dân thành phố tổ chức tại trụ sở phường trong thứ 5 tuần cuối cùng hằng tháng. 

Chương trình Đổi bao bì hóa chất BVTV sau sử dụng này được Hội Nông dân Đà Lạt bắt đầu từ tháng 9/2022 và duy trì đến nay, được tổ chức tại trụ sở UBND các phường, xã trên toàn TP Đà Lạt vào thứ 5 tuần cuối cùng của mỗi tháng. Cứ 1 ký bao bì đổi được 1 bao tay, 2 ký đổi được mũ làm vườn, 4 ký đổi được 1 đôi ủng, 6 ký 1 áo mưa. 

“Thật ra thì món quà cũng không bao nhiêu, giá trị tinh thần là chính nhưng cái được chính là sạch vườn, mọi người bây giờ cũng ý thức được việc bảo vệ môi trường chung thông qua việc đổi quà nên rất nhiều người hưởng ứng” - anh Quân cho biết.

• CHỈ 18,1% ĐƯỢC THU GOM VÀ XỬ LÝ 

Theo con số của ngành chức năng Lâm Đồng, để canh tác diện tích gieo trồng trên 396.400 ha hiện nay, Lâm Đồng mỗi năm cần 3.717 tấn hóa chất BVTV. 

Cung ứng cho thị trường phân bón, hóa chất BVTV này, toàn tỉnh hiện nay có 5 cơ sở sản xuất và 2.460 điểm kinh doanh, phân bố ở hầu khắp các huyện, thành phố trong tỉnh, đáp ứng đầy đủ các loại vật tư nông nghiệp cho nông dân khi cần.

Nghiên cứu của cơ quan chức năng cũng như của các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV cho biết, tỷ lệ bao bì hóa chất BVTV sau sử dụng thường chiếm khoảng 5% trong tổng trọng lượng được sử dụng. Với 3.717 tấn hóa chất BVTV được sử dụng như trên, lượng bao, gói, chai thuốc BVTV thải ra môi trường hàng năm tại Lâm Đồng vào khoảng 175 - 200 tấn/năm. Như trong năm 2022, theo tính toán của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, số bao bì hóa chất BVTV sau sử dụng tại Lâm Đồng là 185,8 tấn. 

Cũng cần biết rằng, do đầu tư thâm canh nên việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV của nông dân Lâm Đồng theo ngành chức năng tỉnh, cao hơn rất nhiều so với các địa phương khác trong cả nước.

Trong số chất thải rắn phát sinh trong quá trình canh tác nông nghiệp hiện nay, rác thải từ bao bì, chai lọ đựng hóa chất BVTV, bao bì thuốc thú y, hóa chất diệt côn trùng được liệt vào chất thải nguy hại. 

Nghiên cứu chỉ ra rằng, mỗi bao bì thuốc BVTV thường có khoảng 1,8% lượng hóa chất dính vào. Khi bị thải bỏ, xử lý không đúng cách, lượng hóa chất này sẽ lan truyền ra trong đất và nước, xâm nhập lại cơ thể sinh vật thông qua thức ăn. 

Nói một cách khác, bao bì hóa chất BVTV phát sinh từ hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, sau sử dụng nếu không được thu gom, xử lý bảo đảm kỹ thuật và vệ sinh môi trường sẽ trở thành hiểm họa cho môi trường đất và nước nếu vứt bừa bãi. Chất độc trong bao bì khi xâm nhập vào đất sẽ tiêu diệt nhiều loài sinh vật có ích cho đất, làm cho môi trường đất bị giảm tính đa dạng sinh học và phát sinh nhiều sâu bọ phá hoại cây trồng. Hóa chất này khi ngấm vào nước hoặc theo mưa trôi xuống sông, hồ, gây suy giảm chất lượng nguồn nước, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân lẫn sản xuất nông nghiệp.

Nhận thức được điều này nên trong những năm gần đây, Lâm Đồng đã liên tục phát động trong tỉnh vận động người dân thu gom bao bì hóa chất BVTV để vận chuyển đi xử lý đúng cách. Nhiều hoạt động được tổ chức từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã, phường như tập huấn, ra quân. Chính quyền các cấp, các đoàn thể cũng vận động tài trợ xây dựng các bể chứa, kho lưu trữ bao bì hóa chất BVTV để vận chuyển đi xử lý. 

Trong 5 năm gần đây - tính từ năm 2017 đến cuối năm 2022, theo Chi cục Bảo vệ Môi trường Lâm Đồng, toàn tỉnh đã xây dựng được 2.881 bể chứa bao bì hóa chất BVTV sau sử dụng; xây dựng được 22 khu vực lưu chứa; thu gom được 130,525 tấn bao bì hóa chất BVTV, trong đó đã xử lý được 120,670 tấn, số còn lại sẽ được tiếp tục xử lý.

Trong 12 huyện, thành phố của Lâm Đồng, đơn vị lắp bể chứa thu gom bao bì hóa chất BVTV sau sử dụng nhiều nhất hiện nay chính là Đơn Dương, với 750 bể, vì đây là vùng chuyên canh rau lớn nhất Lâm Đồng và cũng lớn nhất nước hiện nay. Các huyện, thành còn lại như Đạ Huoai có 472 bể, Đạ Tẻh có 443 bể, Lạc Dương có 367 bể, Đà Lạt có 243 bể; ít nhất là Đức Trọng hiện chỉ có 27 bể. Về điểm lưu chứa thì Đạ Tẻh nhiều nhất với 11 điểm; còn đơn vị thu gom nhiều nhất tính đến cuối năm 2022 là Đạ Huoai với gần 26 tấn, Đà Lạt với gần 25 tấn.

Những con số trên chính là nỗ lực của Lâm Đồng trong bảo vệ môi trường, hướng đến một nền nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, như Sở Tài nguyên - Môi trường Lâm Đồng cho biết, tỷ lệ thu gom bao bì hóa chất BVTV toàn tỉnh hiện nay mới chỉ đạt trên 18,1%. Một số huyện trong tỉnh hiện nay vẫn chưa xây dựng khu vực lưu chứa tạm thời do chưa bố trí được quỹ đất và kinh phí (như Bảo Lộc, Lạc Dương, Đam Rông, Đức Trọng, Di Linh, Cát Tiên). Số lượng bể chứa giữa các địa phương chưa được đồng đều, số lượng bể chứa tại một số địa phương bố trí quá ít (Đức Trọng, Bảo Lộc) chưa đáp ứng được việc thu gom triệt để trên tổng diện tích cây trồng. Qua đó có thể thấy một số địa phương chưa thực sự quan tâm và đẩy mạnh đến công tác thu gom, vận chuyển và xử lý bao bì hóa chất BVTV sau sử dụng. 

Cùng đó, qua khảo sát thực tế, các thùng chứa hay bể chứa bao bì BVTT sau sử dụng của nhiều nơi trong tỉnh hiện nay đang xuống cấp theo thời gian; bị hỏng, mờ tên, bị nứt, mất nắp, sử dụng không đúng mục đích, chứa rác thải sinh hoạt lẫn lộn. Đây là vấn đề rất cần sự quan tâm của chính quyền địa phương để có giải pháp nâng cấp, sửa chữa, thay thế kịp thời và đảm bảo số lượng bể chứa cũng như có biện pháp chặt chẽ, phân chia nhiệm vụ giữa các bên có liên quan trong việc quản lý thu gom bể chứa, khu vực lưu chứa.

• ĐIỂM SÁNG ĐÀ LẠT

“Tôi đang đề nghị phường xuống chuyển thùng chứa màu cam gần vườn tôi đi chỗ khác cần vì bây giờ ít người nào bỏ vào mà gom số bao bì này lại để đổi lấy quà” - anh Quân đưa chúng tôi ra chỗ thùng chứa da cam này sát vườn nhà anh. Thùng chứa hầu như trống không.

Dạo một vòng ở rất nhiều điểm ở làng hoa Thái Phiên, Phường 12 cũng thấy những thùng trống như vậy.

Đã có một sự đột phá trong việc thu gom bao bì hóa chất BVTV sau sử dụng tại Đà Lạt chỉ sau gần 1 năm phát động chương trình đổi quà. Từ tháng 9/2022, khi chương trình này bắt đầu tại Đà Lạt cho đến tháng 12/2022, toàn thành phố đã thu gom được 8,9 tấn trong tổng số 18 tấn bao bì hóa chất BVTV thu gom trên toàn địa bàn. Từ đầu năm 2023 đến nay, thông qua chương trình đổi quà này, Hội Nông dân Đà Lạt đã gom được gần 16 tấn, trong đó riêng trong tháng 7/2023 vừa qua đã thu gom được 4,6 tấn. 

Điều đáng nói, theo Hội Nông dân Đà Lạt, bên cạnh kinh phí 600 triệu đồng do Đà Lạt cấp để mua quà tặng đổi bao bì hóa chất BVTV sau sử dụng được dùng cho cả năm 2023, đến nay, nhiều phường, xã đã có thêm 1 số đơn vị, tài trợ quà tặng khi người dân mang bao bì đến đổi quà. “Hiện thì kinh phí cấp là chủ yếu nhưng sắp đến thành phố sẽ dần chuyển sang vận động tài trợ xã hội hóa để chương trình đổi bao bì hóa chất BVTV sau sử dụng này được lâu dài”, ông Nguyễn Đức Công - Chủ tịch Hội Nông dân Đà Lạt cho biết. 

(CÒN NỮA)