Đà Lạt với diện tích tự nhiên hơn 396 km2, dân số gần 260.000 người, là trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng và là vùng canh tác rau, hoa nổi tiếng của Việt Nam. Với sự gia tăng nhanh về dân số, kết hợp với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa dẫn đến sự gia tăng phát sinh chất thải, do đó Đà Lạt cũng phải đối mặt với không ít khó khăn trong công tác thu gom, xử lý chất thải.
Bãi rác xịt nước chống cháy |
Chất thải trên địa bàn TP Đà Lạt bao gồm chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải rắn y tế, nước thải và chất thải rắn nông nghiệp. Chất thải rắn sinh hoạt nguồn phát sinh từ các hộ dân, cơ quan, trường học, cơ sở y tế, khu dịch vụ nhà hàng, khách sạn, chợ, khu vực công cộng…
Với sự gia tăng nhanh về dân số, kết hợp với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa dẫn đến sự gia tăng phát sinh chất thải, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh qua các năm tăng dần. Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, năm 2020, thành phố thu gom, vận chuyển bình quân 250 - 270 tấn/ngày; năm 2021, thu gom và vận chuyển bình quân 270 - 300 tấn/ ngày; năm 2022, thu gom và vận chuyển bình quân 300 - 350 tấn/ngày. Từ năm 2021, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố được Công ty Cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt thu gom, vận chuyển về nhà máy xử lý chất thải rắn tại xã Xuân Trường, TP Đà Lạt để xử lý. Trước khi nhà máy xử lý chất thải rắn của thành phố đi vào hoạt động thì toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh của thành phố được thu gom, vận chuyển về chôn lấp tại bãi rác Cam Ly. Hiện nay, bãi rác Cam Ly không còn tiếp nhận rác sinh hoạt và UBND TP Đà Lạt đã xây dựng phương án để thực hiện đóng cửa bãi rác theo đúng quy định.
Đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường chủ yếu phát sinh từ hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố được các cơ sở sản xuất hợp đồng với Công ty Cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý. Các dự án, cơ sở có phát sinh chất thải nguy hại được hướng dẫn thu gom, lưu trữ trong khu vực riêng tại từng nhà máy và hợp đồng với đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý. Chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh tại các bệnh viện, trung tâm y tế, các phòng khám trên địa bàn được Công ty Cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt thu gom vận chuyển về lò đốt rác y tế tại Phường 5 để xử lý bằng công nghệ đốt.
Bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng phát sinh từ hoạt động sản xuất nông nghiệp được thu gom vào các bể chứa sau đó Công ty Cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt sẽ thu gom, vận chuyển và chuyển giao cho đơn vị có chức năng để xử lý. Chất thải chính từ hoạt động nông nghiệp thông thường chủ yếu là phụ phẩm và phế phẩm nông nghiệp, do chưa có hệ thống thu gom và xử lý nên hiện nay chất thải từ hoạt động trồng trọt trên địa bàn thành phố phần lớn được lưu trữ tại nguồn và được “xử lý” thông qua các hoạt động như chôn lấp trên đồng ruộng, thải bỏ xuống các dòng suối hoặc đốt bỏ, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Một phần nhỏ chất thải nông nghiệp được thu gom, vận chuyển và xử lý chung với chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải rau, củ, quả hiện đã được nhiều hộ chăn nuôi xin về làm thức ăn gia súc, tuy nhiên hiệu quả chưa cao, mang tính tự phát, chưa được đầu tư hiệu quả.
Trên địa bàn TP Đà Lạt hiện nay đã có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung, đã đi vào hoạt động từ năm 2007 do Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Lâm Đồng vận hành, quản lý. Nhà máy xử lý nước thải được xây dựng tại Phường 6, TP Đà Lạt có tổng diện tích 7,1695 ha; công suất của hệ thống xử lý nước thải tập trung tối đa là là 12.400 m3/ngày đêm, với tổng số hộ dân trong vùng thu gom xử lý nước thải đến năm 2022 là 8.567 hộ bao gồm: toàn bộ Phường 1, Phường 2 và một phần Phường 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10. Đối với nước thải sinh hoạt ở những nơi chưa triển khai đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung thì được xử lý qua hầm tự hoại. Một số cơ sở sản xuất nằm ngoài khu vực thu gom đã xây dựng hệ thống để xử lý nước thải đảm bảo quy chuẩn trước khi thải ra môi trường.
Thực tế thì để quản lý và kiểm soát tốt môi trường, thành phố cũng đã đặt ra nhiều giải pháp nhằm tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng môi trường như nâng cao chất lượng tuyên truyền về bảo vệ nguồn nước, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường… Bên cạnh đó, hằng năm thành phố đều tổ chức lấy mẫu phân tích chất lượng đất, nước, không khí làm cơ sở để theo dõi thường xuyên chất lượng môi trường; kiểm soát ô nhiễm môi trường; cảnh báo kịp thời những diễn biến chất lượng môi trường. Trên địa bàn thành phố cũng đã bước đầu triển khai mô hình phân loại rác tại nguồn (hiện tại đã triển khai ở Phường 2) và thường xuyên triển khai mô hình đổi chất thải lấy quà tặng trên địa bàn các phường, xã trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức của người dân về ý thức bảo vệ môi trường… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác thu gom và xử lý chất thải trên địa bàn thành phố vẫn còn khá nhiều khó khăn, bất cập do lượng rác thải nhiều nhưng công tác thu gom xử lý chưa đáp ứng kịp. Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận người dân về công tác này cũng còn nhiều hạn chế, địa bàn trải rộng và phức tạp cũng khiến cho công tác thu gom, xử lý gặp nhiều khó khăn…
Để nâng cao công tác này, TP Đà Lạt đã đặt ra nhiệm vụ như quản lý chặt chẽ các nguồn thải từ hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; tiêu hủy gia súc, gia cầm bị dịch bệnh theo đúng yêu cầu quy định, bảo đảm vệ sinh môi trường; đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác, từng bước giảm thiểu sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón hóa học; tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật khi sử dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp; thu gom và xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật… Đặc biệt, thành phố cũng đặt mục tiêu đẩy nhanh tiến độ xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn là bãi rác Cam Ly và sớm hoàn thiện các hạng mục của nhà máy xử lý chất thải rắn tại xã Xuân Trường. Quy hoạch, lập và triển khai các dự án đầu tư xây dựng công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước hiện có trên toàn địa bàn thành phố…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin