Làm đường hay hành dân

NGUYỄN NGHĨA 01:14, 06/09/2023

Thời gian gần đây, nhiều tuyến đường đang được quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng. Tuy nhiên, tình trạng các đơn vị thi công tổ chức đào bới đất đá ở lòng đường, vỉa hè mà không có biện pháp giữ gìn vệ sinh, an toàn giao thông và bố trí lối đi tạm thời cho người dân đã khiến nhiều người vô cùng bức xúc.

 Đoạn đường Kim Đồng (Đà Lạt) nhầy nhụa bùn đất sau cơn mưa
Đoạn đường Kim Đồng (Đà Lạt) nhầy nhụa bùn đất sau cơn mưa

Điều đáng nói là các công trình làm đường, mương thoát nước khi triển khai thực hiện thì các công nhân làm việc cho dự án đó dường như mặc nhiên coi cung đường đó là do họ đang quản lý và sở hữu. Thế nên quá trình thi công không có ý thức gom gọn, tránh tai nạn giao thông, đảm bảo thông thoáng trong chừng mực có thể cho người dân có thể đi qua đi lại. Đó là chưa kể, hầu hết các dự án này hiếm khi nào thực hiện đúng tiến độ, đa phần đều kéo dài, thi công rất chậm.

Khi đào đường, san lấp mặt bằng để làm đường mương, hầu hết các đơn vị thi công cũng không quan tâm xem người dân ra vào cổng sau khi bị họ đào lên như thế nào mà cứ mặc kê, đào hết phần đường nối vào nhà dân lên, không hỗ trợ người dân để có thể ra vào nhà, trong khi nhà ở khu vực đường này nối lên cổng rất cao. Ở những cung đường đang sửa chữa, việc đào bới thiếu khoa học khiến việc đi lại của người dân rất khó khăn, không thể buôn bán làm ăn được. Không có bảng chỉ dẫn, không có công nhân hướng dẫn giao thông gây kẹt xe, ách tắc, phiền hà cho dân. Rất nhiều hàng quán, các hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú… thậm chí phải tạm thời đóng cửa. 

Một người dân trên đường Kim Đồng (Phường 6, Đà Lạt) bức xúc: Đường này đang được làm lại mương thoát nước và mở rộng. Người dân chúng tôi thay vì mừng vui vì đường được mở rộng thì cách làm của đơn vị thi công khiến chúng tôi vô cùng bức xúc. Đơn vị thi công tổ chức đào bới lên nhưng lại làm kiểu “nhỏ giọt” gây phiền hà cho dân. Mỗi ngày, cả một công trình từ đầu đường đến cuối đường nhưng chỉ có 2, 3 công nhân đào đất đá, đào mương. Đất đá đào lên thì thay vì tổ chức thu dọn ngay để hè thông, đường thoáng cho dân cư qua lại thì họ lại đổ bầy bừa ra đường khiến người dân mỗi khi cần đi ra đi vào đoạn đường này vô cùng ngán ngẩm. Mưa thì lầy lội, trơn trượt còn nắng thì bụi bặm và mất an toàn. Những ngày mưa lớn ở cung đường này thì khỏi nói, đất đỏ đổ giữa đường bị nước mưa cuốn theo chảy như thác vì mương thoát nước bị lấp kín chưa làm xong. Tạnh mưa thì mặt đường là lớp sình dày và trơn trượt, nhầy nhụa khiến bà con vô cùng lo lắng. 

Đoạn đường này vốn trước kia khá đông đúc, nhiều hàng quán thì nay nhiều hàng quán đang phải hoạt động cầm chừng. “Nhà kinh doanh có sẵn mặt bằng thì còn đỡ, họ tạm đóng cửa hoặc mở cửa lai rai qua ngày, còn với những cửa hàng, nhà nghỉ, homestay phải trả tiền mặt bằng mỗi tháng thì đúng là cực hình. Mỗi ngày, chúng tôi phải vận động nhân viên ra cào đất, dọn dẹp để lấy đường cho xe đi vào quán. Nhưng mà khổ lắm, do mùa mưa nên cứ hôm nay làm, trời mưa lầy lội thì đâu lại vào đó; khách sợ quá mà cũng chẳng dám đến” - chủ một quán cà phê trên đường Kim Đồng than thở.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cung đường này hiện đang được nâng cấp mở rộng, làm lại đường mương thoát nước. Tuy nhiên, phần đường đào bới lên làm lại lại đang tạo ra các gờ sâu gây mất an toàn giao thông và nguy hiểm cho người đi bộ. Không chỉ vậy, dự án đang triển khai rất chậm, làm cho cung đường đang sạch sẽ trở nên nhầy nhụa, dơ bẩn, mất an toàn giao thông khiến nhiều người dân vô cùng bức xúc.

Tại đoạn hẻm của đường Bùi Thị Xuân hiện cũng đang được nâng cấp, mở rộng. Đoạn này vốn là khu dân cư đông đúc học sinh, sinh viên; đường ra vào nhỏ hẹp, nhưng quá trình thi công cũng gây không ít phiền hà cho người dân. Máy múc, máy đào, đất đá đổ tràn lan không có biện pháp che chắn hay đảm bảo an toàn giao thông. Đường hẹp nhưng không có bảng hướng dẫn, không bố trí công nhân đứng hướng dẫn giao thông khiến cho nhiều người không biết chạy xe vào rồi không thể quay ra, trong khi đó thì xe múc đất, xe tải chở đất không nhường đường mà còn lấn chiếm cả một đoạn dài khiến người dân vô cùng ngán ngẩm.

“Thi công công trình giao thông ở những tuyến đường không cấm người dân qua lại thì buộc phải rào chắn, nhưng hầu hết các dự án giao thông này làm quá lâu, dai dẳng ảnh hướng rất lớn đến đời sống người dân” - Chị Hạnh nói và cho biết, nhiều phụ huynh ở đây rất bức xúc nhưng khi ý kiến đề nghị các công nhân thu dẹp gọn gàng thì họ không nghe, thậm chí còn cự cãi nên đành sống chung với bụi và sình lầy khi lội qua đây, chỉ mong dự án sớm hoàn thành.

Không chỉ tuyến đường Kim Đồng, Bùi Thị Xuân mà nhiều tuyến đường khác, kể cả tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh khi triển khai thi công cũng nằm trong tình trạng tương tự. Chúng tôi có dịp đi ngang Quốc lộ 27C và thấy tuyến đường này đang được sửa chữa làm hệ thống thoát nước. Điều đáng nói là thay vì vui mừng, thì người dân hai bên đường tỏ ra vô cùng bức xúc vì quá trình thi công đào hè, đường khiến dân sống hai bên đường không thể ra vào nhà mình do đất đá trước nhà bị cày bới ngổn ngang gây mất an toàn giao thông, công nhân thi công chỉ biết cày bới ra, mà không quan tâm việc làm của họ bày bừa ra như vậy thì người dân sẽ ra vào nhà bằng đường nào. 

Điều đáng nói hơn nữa là đoạn quốc lộ này vốn là đoạn đường đang bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều “ổ gà”, “ổ voi” gây mất an toàn giao thông, việc cày bới không gọn gàng và không có các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông khiến cho cung đường càng thêm tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn giao thông, xe máy, ô tô mỗi khi đi qua phải nhích từng chút một.