Quản lý chất thải trong nông nghiệp - những vấn đề đặt ra (Bài cuối)

VIẾT TRỌNG  00:08, 30/08/2023
 

Bài cuối: Xây dựng nền nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường

 

Do điều kiện địa hình cũng như công tác quản lý chất thải rắn trong nông nghiệp chưa được coi trọng nên việc thu gom, xử lý rác thải nông nghiệp tập trung tại Lâm Đồng đến nay chưa được thực hiện. Đã đến lúc tỉnh cần có những giải pháp quyết liệt để nông nghiệp Lâm Đồng gắn kết với bảo vệ môi trường, phát triển một cách bền vững.

Thu gom bao bì hóa chất BVTV sau sử dụng từ các bể chứa trên đồng tại huyện Đạ Tẻh
Thu gom bao bì hóa chất BVTV sau sử dụng từ các bể chứa trên đồng tại huyện Đạ Tẻh

NHỮNG HẠN CHẾ 

Do chưa thu gom và xử lý rác thải nông nghiệp nên cho đến nay hầu hết các rác thải, phụ phẩm phát sinh trong quá trình canh tác được người dân chôn lấp, vứt bỏ ngoài đồng ruộng, tại các các bãi rác thải tự phát hay đổ bỏ trên các bờ sông, suối trong các vùng nông thôn trong tỉnh, lâu dần theo mưa chúng trôi xuống sông, suối. 

Những bãi rác này về cơ bản chỉ mang tính tạm thời, giải quyết nhu cầu bức xúc trước mắt trong vấn đề xử lý chất thải rắn, tuy nhiên, nhìn chung không phù hợp các tiêu chí trong việc lựa chọn địa điểm, khả năng gây ô nhiễm lớn về lâu dài, ảnh hưởng đến hoạt động khu dân cư và cộng đồng, làm cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn nông thôn khó quản lý.

Trong chăn nuôi, ngành chức năng tỉnh cho biết, lượng trang trại chiếm khoảng 54% tổng đàn gia súc, gia cầm với khoảng 423 trang trại chăn nuôi trong tỉnh hiện nay. Phần còn lại khoảng 46% là nông hộ với trên 27.330 hộ chăn nuôi. Ước tính có khoảng 70-75% khối lượng chất thải trong chăn nuôi hiện nay được sử dụng làm phân bón, một số được sử dụng cho hầm biogas làm nhiên liệu đốt, tuy nhiên, số 25-30% còn lại đang bị lãng phí, không sử dụng để làm gì, không qua xử lý, thải thẳng ra môi trường. 

Cùng đó, trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn tồn tại rất nhiều hộ chăn nuôi xen kẽ trong các khu dân cư, hầu hết đều chăn nuôi nhỏ, diện tích chăn nuôi hẹp nên không thể bố trí đất xây dựng hệ thống xử lý môi trường, dẫn đến gây ô nhiễm môi trường và phát sinh khiếu kiện, khiếu nại. Đây là một trong những khó khăn và bất cập của công tác quản lý môi trường hiện nay trong tỉnh.

 Trong thu gom, xử lý bao bì hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng của tỉnh dù đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng cho đến nay vẫn còn những tồn tại, thách thức. Một số hồ chứa nước dùng cho cấp nước sinh hoạt trong tỉnh đã có dấu hiệu suy giảm chất lượng nước và có nguy cơ bị ô nhiễm do đang tiếp nhận các nguồn thải khó kiểm soát, đặc biệt là bao bì hóa chất BVTV sau sử dụng. Việc bố trí, lắp đặt các bể chứa để thu gom tại nhiều địa phương còn thấp; không ít địa phương chưa chủ động, tích cực trong tuyên truyền, vận động các hộ gia đình tham gia thu gom bao bì BVTV; vẫn còn tình trạng vứt bao bì hóa chất BVTV sau sử dụng cùng với rác thải sinh hoạt ra môi trường. Lâm Đồng cho đến nay vẫn chưa có nhà máy xử lý chất thải nguy hại nên kinh phí vận chuyển, tiêu hủy bao bì hóa chất BVTV sau sử dụng còn cao.

PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA CỘNG ĐỒNG 

Một trong những điểm nổi bật của công tác bảo vệ môi trường (BVMT) thời gian qua của Lâm Đồng chính là việc phát huy vai trò của cộng đồng. 

Đến nay, nhiều chương trình liên tịch đã được ký kết giữa cơ quan quản lý nhà nước về môi trường tại địa phương với các tổ chức chính trị, xã hội và đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên nhằm triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức BVMT trong cộng đồng dân cư. 

Hầu hết các nội dung BVMT đến nay đều đã được đưa vào các cam kết, hương ước và là một tiêu chí quan trọng trong việc xây dựng, xem xét, công nhận gia đình văn hóa, thôn, buôn, khu phố và cơ quan văn hóa trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như giữ gìn cảnh quan môi trường, trồng hoa và cây xanh trước nhà, ven đường, không đổ rác bừa bãi, đảm bảo 3 tiêu chí “xanh, sạch, đẹp” về giữ gìn vệ sinh đô thị, thôn, xóm. Việc bình xét gia đình văn hóa hàng năm để cấp chứng nhận hoặc khen thưởng đều được xem xét dựa trên nhiều tiêu chí, trong đó có tiêu chí về BVMT.

Tính từ năm 2013 đến nay, theo Chi cục BVMT Lâm Đồng, trong tỉnh đã tổ chức được 30 mô hình thu gom bao bì hóa chất BVTV sau sử dụng và những mô hình này hiện vẫn đang phát huy vai trò ở cơ sở trong tỉnh. Cùng đó, đã có hàng trăm cuộc hội thảo, lớp tập huấn hướng dẫn tuyên truyền, vận động dân với các chủ đề liên quan được ngành chức năng tổ chức ở cấp cơ sở. Đến nay đã có không ít các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn phối hợp với nông dân cải tiến công nghệ, điều kiện sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và khu vực về vệ sinh, an toàn thực phẩm, được cấp chứng nhận về HACCP, GAP... góp phần cải thiện điều kiện môi trường và giảm thiểu ô nhiễm trong nông nghiệp.

ĐIỂM THEN CHỐT VẪN LÀ VẬN ĐỘNG DÂN CÙNG CHUNG TAY

Theo bà Nguyễn Khánh Ngân - Chi cục BVMT Lâm Đồng, điểm mấu chốt vẫn là công tác vận động dân. “Cần duy trì thông tin để người dân nắm bắt được tác hại của việc thu gom, xử lý bao bì hóa chất BVTV sau sử dụng không đúng quy định. Vận động nông dân thu gom, phân loại chất thải nguy hại trong hoạt động sản xuất đúng quy định, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc vứt bỏ bừa bãi các loại bao bì hóa chất BVTV sau sử dụng đối với sức khỏe con người và môi trường”.

Đồng thời, theo bà Ngân, chính quyền các cấp cũng cần đẩy mạnh truyền thông về bảo vệ môi trường trong quá trình sử dụng đất nông nghiệp cho bà con nông dân; tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn bà con cách sử dụng hóa chất BVTV đem lại giá trị kinh tế và bảo vệ được môi trường; trao đổi với bà con nông dân về tác hại của việc sử dụng phân bón, hóa chất BVTV không đúng cách, qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của người dân BVMT trong sản xuất nông nghiệp. 

Song song đó là việc nâng cao ý thức của người tiêu dùng, hướng người tiêu dùng đến thói quen sử dụng “nông sản sạch” cũng là một yếu tố quan trọng để hỗ trợ, thúc đẩy người nông dân phát triển một nền nông nghiệp bền vững gắn liền với việc bảo vệ đất nông nghiệp.

Về phía tỉnh, theo Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng, thời gian đến, ngành sẽ đề xuất tỉnh xây dựng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể để khuyến khích người nông dân BVMT trong quá trình sử dụng đất nông nghiệp, thông qua hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân với mức hỗ trợ tùy thuộc vào việc giảm thiểu lượng phân bón hóa học và hóa chất BVTV bằng cách sử dụng phân hữu cơ trong quá trình canh tác; chi trả trực tiếp dưới dạng bù đắp những chi phí cho hoạt động mà nông dân tiến hành nhằm BVMT trong quá trình sản xuất nông nghiệp.

Tỉnh cũng cam kết tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong hoạt động chăn nuôi, có biện pháp quyết liệt xử lý các hộ và các cơ sở chăn nuôi vi phạm; vận động người dân đầu tư, xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học như nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học; sử dụng chế phẩm sinh học, công nghệ khí sinh học biogas nhằm xử lý chất thải chăn nuôi, giảm mùi hôi thối, diệt khuẩn có hại và tăng khả năng phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi, nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

Trong thủy sản, ngành chức năng tỉnh tiếp tục tăng cường quản lý thức ăn, hóa chất, thuốc kháng sinh, chế phẩm sinh học sử dụng trong nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn nông dân thực hiện nghiêm túc quy trình nuôi. Với lĩnh vực thủy lợi, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp, duy tu, sửa chữa các công trình nhằm giảm thiểu nguồn nước bị ô nhiễm cục bộ trên sông; quan trắc mẫu nước để xác định diễn biến chất lượng nguồn nước, làm cơ sở cho việc vận hành công trình hiệu quả, hạn chế thiệt hại có thể xảy ra, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Đối với trồng trọt, ngành chức năng tỉnh khuyến cáo cần ứng dụng rộng rãi công nghệ phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) trong phòng trừ sâu bệnh cây trồng; ứng dụng công nghệ sạch vào sản xuất; kiểm soát chặt chẽ việc lưu hành và sử dụng hóa chất BVTV không có trong danh mục cho phép. Vận động dân sau khi phun hóa chất phải bảo đảm đúng thời gian cách ly mới được thu hoạch sản phẩm.

Như Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng nhấn mạnh, cần xác định BVMT nông nghiệp nông thôn là một công việc lâu dài, phải làm công phu, bền bỉ, cần được thực hiện một cách đồng bộ giữa các cấp, các ngành, phối hợp chặt chẽ với người dân thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến.

Trong dịp này, Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần ban hành quy định về trách nhiệm của những cơ sở sản xuất, các đại lý kinh doanh thuốc BVTV trong nước phải có trách nhiệm trong nhiệm vụ thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; có thể quy tính từ khối lượng bán hàng để truy thu số tiền phải nộp phục vụ cho công tác xử lý đối với loại chất thải nguy hại này nhằm giảm tải cho ngân sách của địa phương và đảm bảo công bằng xã hội.