Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Đà Lạt lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025, xác định 5 công trình, dự án trọng điểm, ngoài ra, thành phố cũng đang triển khai nhiều dự án quan trọng khác nhưng quá trình triển khai còn gặp khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ trong thời gian tới.
Dự án Mở rộng đường Trần Quốc Toản đang gặp khó khăn về thủ tục, chưa thể triển khai |
Theo UBND TP Đà Lạt, 5 công trình, dự án trọng điểm nhiệm kỳ 2020 - 2025 của thành phố, gồm: Nâng cấp hệ thống hạ tầng quanh hồ Xuân Hương; Xây dựng tuyến giao thông nối từ đường Lữ Gia đến thượng lưu hồ Xuân Hương, xây kè chắn hồ lắng số 1 và suối Cam Ly; Mở rộng Công viên Yersin (giai đoạn 3); Xây dựng hạ tầng thành phố thông minh và xây dựng Công viên Trần Quốc Toản.
Về cơ bản việc bố trí nguồn vốn, tiến độ thực hiện các dự án đảm bảo đúng quy định. Tuy nhiên, thời gian qua, do gặp các khó khăn về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nên một số công trình, dự án chậm so với tiến độ đặt ra. Khó khăn nhất là Dự án xây dựng Đường giao thông nối từ đường Lữ Gia xuống thượng lưu hồ Xuân Hương; xây dựng kè chắn xung quanh hồ lắng số 1 và dọc theo suối (đoạn từ hồ lắng số 1 đến điểm đường Lữ Gia mở rộng) có tổng mức đầu tư ban đầu 138 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.
Sau đó dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư lên trên 261 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh trên 236 tỷ đồng và ngân sách thành phố 25 tỷ đồng. Về tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng tới nay có 101/132 hộ nhận tiền số tiền (gần 61 tỷ đồng) và chưa thống nhất nhận tiền là 31 hộ với số tiền gần 40 tỷ đồng. Riêng nguồn vốn được bố trí năm 2024 là 50 tỷ đồng nhưng tới ngày 19/3 mới giải ngân được 1,2 tỷ đồng, tỷ lệ mới đạt 2,4%.
Theo báo cáo, việc thực hiện vận động giải phóng mặt bằng các trường hợp thuộc diện tái định cư về khu quy hoạch dân cư Huỳnh Tấn Phát (Phường 11) đang gặp khó khăn. Nguyên nhân trước đây, các đơn vị chức năng dự kiến bố trí các hộ về khu quy hoạch dân cư Phạm Hồng Thái (Phường 10) để thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng nhưng quỹ đất còn lại không đảm bảo số lượng để bố trí cho các trường hợp tại khu vực đường Lữ Gia.
Đối với 5 hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất kê khai trong sổ mục kê có phần ghi chú đất 5%, UBND Phường 9 đã có văn bản đề nghị Phòng Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất xem xét tham mưu cho UBND TP Đà Lạt có hướng giải quyết hồ sơ đối với 5 hộ dân đang sử dụng các thửa đất theo quy định.
Tương tự, đối với Dự án xây dựng Công viên Yersin (giai đoạn 3) có tổng mức đầu tư trên 169 tỷ đồng nhưng công tác lập hồ sơ đền bù, giải phóng mặt bằng của các hộ dân gặp khó khăn vì hồ sơ đã lập lâu năm, hiện tại phải tính toán đền bù lại. Bên cạnh đó, trên thực tế một số hộ dân đã sang nhượng lại cho người khác, dẫn đến khó khăn trong việc xác định đối tượng được nhận bồi thường, hỗ trợ. Dự án trên riêng phần bồi thường, giải phóng mặt bằng liên quan tới 32 trường hợp. Thành phố đã phê duyệt chi phí bồi thường, hỗ trợ tổng số tiền trên 102 tỷ đồng và các hộ dân đã nhận tiền 18/32 trường hợp (trên 74 tỷ đồng), còn lại 14 hộ chưa nhận, số tiền trên 28 tỷ đồng.
Riêng các dự án, công trình quan trọng trên địa bàn TP Đà Lạt đang trong quá trình triển khai, thực hiện thì một số dự án cũng chậm tiến độ thời gian dài. Điển hình là Dự án Khu đô thị mới số 6, Phường 11 có quy mô diện tích 75,8 ha để tái định cư và kinh doanh bất động sản, được cơ quan chức năng ra quyết định thu hồi đất năm 2009 nhưng đến nay phần lớn diện tích vẫn để cỏ hoang. Dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Kiên Trung (Công ty Kiên Trung) làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận lần đầu ngày 18/10/2007 và theo báo cáo hiện vẫn còn 58 trường hợp chưa chi trả được với số tiền là gần 178 tỷ đồng. Hiện, Công ty Kiên Trung đã tiến hành thi công tại thực địa một số hạng mục công trình và hoàn thiện các thủ tục về giấy phép xây dựng.
Về Dự án Mở rộng đường Trần Quốc Toản (đoạn từ nút giao Trần Nhân Tông - Trần Quốc Toản đến nút giao Đinh Tiên Hoàng - Trần Quốc Toản) đang gặp khó khăn về thủ tục do đồ án quy hoạch phân khu Khu trung tâm TP Đà Lạt (765 ha) - tỷ lệ 1/2.000 chưa được phê duyệt. Theo UBND TP Đà Lạt, quá trình lập, trình thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường nên mất rất nhiều thời gian. Do đó, địa phương đã đề nghị UBND tỉnh xem xét chỉ đạo các sở, ban, ngành hướng dẫn thêm về các thủ tục pháp lý để thực hiện dự án đảm bảo theo pháp luật quy định và đảm bảo được tiến độ thực hiện dự án.
Để tháo gỡ các khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, quan trọng trên địa bàn TP Đà Lạt, vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Hiệp đã đề nghị các sở, ngành và đơn vị phối hợp với UBND TP Đà Lạt chủ động rà soát nhiệm vụ cần triển khai đối với từng dự án, công trình trọng điểm. Nếu có thể thực hiện đồng thời nhiều thủ tục, thì tiến hành thực hiện nhằm tiết kiệm thời gian, đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt phải khẩn trương giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng, nhằm đảm bảo kế hoạch đã đề ra.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin