Di Linh không thể chậm lại vì Sơn Điền, Gia Bắc

06:09, 14/09/2021

Dù đã có những bước phát triển ngoạn mục, tuy nhiên, Di Linh cũng đã một lần phải lỡ hẹn với mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới...

Dù đã có những bước phát triển ngoạn mục, tuy nhiên, Di Linh cũng đã một lần phải lỡ hẹn với mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới. Vướng mắc cho địa phương có số lượng đơn vị hành chính cấp xã nhiều nhất của Lâm Đồng, nhất là hai xã vùng sâu Sơn Điền và Gia Bắc.
 
Đường vào Sơn Điền - Gia Bắc đã được đầu tư mở rộng, nhưng thu nhập của người dân nơi đây vẫn chưa có nhiều thay đổi
Đường vào Sơn Điền - Gia Bắc đã được đầu tư mở rộng, nhưng thu nhập của người dân nơi đây vẫn chưa có nhiều thay đổi
 
Cản trở duy nhất để hai xã có truyền thống cách mạng và là nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc thiểu số K’Ho chính là tiêu chí thu nhập. 
 
Theo quy định về tiêu chí thu nhập với người dân ở những xã nông thôn mới là 43 triệu đồng/người/năm, tuy nhiên hiện nay ở hai xã nói trên mới chỉ chạm ngưỡng 30 triệu đồng/người/năm. Một năm để nâng mức thu nhập từ 30 lên 43 triệu đồng đối với những người dân nghèo tại Sơn Điền và Gia Bắc là điều gần như không thể. 
 
Để không làm chậm lại quá trình về đích của huyện, thời gian qua, UBND huyện Di Linh cũng đã phải ban hành nhiều quyết định với những giải pháp cấp bách, quyết liệt để hai xã Sơn Điền và Gia Bắc có thể đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2021. 
 
Ông Trần Văn Hồng - Chủ tịch UBND xã Gia Bắc cho biết: “Vì những tác động khách quan như thời tiết, thổ nhưỡng dẫn tới cà phê, bắp không đạt được năng suất cao nên rất khó để hoàn thành về tiêu chí thu nhập”.
 
Ông Đặng Văn Khá - Phó Phòng Nông nghiệp huyện Di Linh lại có một cái nhìn khác, khi cho rằng khí hậu, thổ nhưỡng không phải là lực cản để thu nhập của hai xã này luôn ở mức thấp, không có nhiều sự thay đổi, đột phá. Quan điểm của ông Khá - người có nhiều năm gắn bó với nông nghiệp Di Linh thì mấu chốt nằm ở công tác cán bộ. Chính sự bằng lòng với mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ của một số cán bộ, công chức xã đã khiến cho quá trình phát triển của hai xã Sơn Điền và Gia Bắc ít có sự thay đổi.
 
Ông Khá đưa ra dẫn chứng, đất ở Sơn Điền - Gia Bắc không thể là đất xấu. Bởi nếu đưa ra so sánh với thổ nhưỡng của Tây Bắc hoặc vùng núi đá Hà Giang thì đất đai nơi đây là “thiên đường”.
 
Hiện tại, thu nhập chủ yếu của người dân hai xã Sơn Điền và Gia Bắc vẫn nằm ở cây cà phê. Tuy nhiên, ngoài một diện tích không lớn đã được đầu tư tập trung cho thâm canh, phần lớn còn lại vẫn là diện tích cà phê già cỗi, đặc biệt nhiều diện tích cà phê còn nằm ở vị trí đất quá dốc, bạc màu, xa nguồn nước, sâu bệnh... nên năng suất một vụ còn nằm ở mức dưới 2 tấn/ha. Riêng xã Sơn Điền, với vị trí thuận lợi, bằng phẳng và chủ động được nguồn nước, nên người dân nơi đây còn có thêm nguồn thu từ cây lúa nước. Nhưng trong tổng số 171 ha cây lúa nước, cũng có rất nhiều vị trí chỉ canh tác được 1 vụ, gần như chỉ đảm bảo lương thực tại chỗ, mà không tăng thêm được thu nhập từ loại cây trồng truyền thống này.
 
Rất nhiều phương án đã được đưa ra nhằm giúp cho Sơn Điền và Gia Bắc có thể đảm bảo tiêu chí thu nhập đồng thời hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới. Ngoài việc chú trọng tăng năng suất cho cây chủ lực cà phê, thay đổi giống lúa mới...; việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao về trồng cũng được đặc biệt chú trọng.
 
Một trong những loại cây trồng được nhắc đến đầu tiên trong các phương án đó là cây sầu riêng. Đây là loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao trên thị trường hiện nay, nhưng sầu riêng lại là loại cây trồng tương đối “khó tính”, đòi hỏi quy trình chăm sóc nghiêm ngặt mới cho hiệu quả cao. Việc trồng xen sầu riêng trên diện tích cà phê cũng đòi hỏi phải tuân thủ mọi quy trình kỹ thuật về phân bón, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh.
 
Đối với cây bơ 034, đây là loại cây tương đối dễ trồng, thích nghi và phù hợp với khí hậu, đất đai, sử dụng ít nước, có giá trị kinh tế, tuy nhiên cây bơ cũng đòi hỏi phải tuân thủ chặt chẽ những quy trình kỹ thuật chăm sóc mới đạt được năng suất và chất lượng.
 
Không chỉ dừng lại ở hai loại cây trồng trên, một loại cây “nhà giàu” khác là mắc ca cũng được ngành Nông nghiệp huyện Di Linh tính toán đưa về cắm rễ ở Sơn Điền và Gia Bắc. Hiện tại, mắc ca có giá trị và cũng có đầu ra ổn định, nhưng loại cây này chỉ thích hợp với điều kiện khí hậu ôn hòa, ở Sơn Điền và Gia Bắc sau khi khảo sát mỗi xã cũng chỉ có hai thôn (với một diện tích không lớn) có thể trồng được loại cây này.
 
Ở lĩnh vực chăn nuôi, có ba vật nuôi phù hợp với điều kiện ở Sơn Điền và Gia Bắc là bò thịt (bò ta), heo đen (giống bản địa) và gà thả đồi. Với giống bò ta nuôi lấy thịt, để đạt được hiệu quả cần phải áp dụng biện pháp chăn thả (có kiểm soát), làm chuồng trại, trồng cỏ hoặc chăn thả dưới tán rừng và đảm bảo được mọi yêu cầu về công tác phòng, chống dịch bệnh. Đối với heo đen, để có được hiệu quả, người nuôi cũng cần phải làm chuồng trại theo mô hình: Chuồng trại + diện tích chăn thả phù hợp + có hàng rào lưới B40 ngăn cách xung quanh. Tương tự, đối với giống gà ta thả đồi, để có sức sống tốt, chất lượng vượt trội so với các giống gà thông thường khác, bên cạnh nuôi thả tự nhiên, cũng cần có hệ thống chuồng trại tốt và đảm bảo được công tác phòng, chống dịch bệnh.
 
Tất cả những phương án trên không hẳn không có những hạn chế. Nhưng xét ở trên phương diện tổng quát, tất cả đều có những ưu điểm vượt trội và hoàn toàn phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Sơn Điền và Gia Bắc. Nếu chỉ nhìn trên giấy tờ các phương án, cộng với sự đầu tư của Nhà nước, đem tất cả những cây trồng, vật nuôi kể trên về trồng ở hai xã chắc chắn sẽ thành công, nếu không tính ở yếu tố thời gian.
 
Sẽ không sao, nếu chỉ đơn thuần soi chiếu từ một mặt. Nhưng cặn kẽ phân tích từ nhiều yếu tố sẽ thấy rất nhiều thách thức không dễ để thực hiện, đồng thời nếu cứng nhắc triển khai mà không có sự tính toán kỹ lưỡng, những dự án mang về Sơn Điền - Gia Bắc còn có tác dụng ngược và để lại nhiều hệ quả. 
 
Một trong những nguyên nhân chính, đó là tập tính canh tác của người dân tộc thiểu số bản địa. Dù đã có nhiều thay đổi, nhưng thói quen mùa vụ “được mất nhờ nắng mưa của trời” vẫn còn hằn nặng trong suy nghĩ của nhiều người dân. Điển hình là cây cà phê, một loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc nhưng ở Sơn Điền - Gia Bắc vẫn thuộc khu vực có năng suất thấp nhất của huyện Di Linh. Nếu phải tuân thủ những quy trình chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, đòi hỏi nhiều yếu tố như ở các loại cây bơ, sầu riêng, mắc ca, liệu năng suất và chất lượng có được đảm bảo? Hay như bò, gà, heo... những vật nuôi quen thuộc của người dân nơi đây nhưng chỉ dưới hình thức chăn thả tự nhiên, nếu muốn đạt hiệu quả cao cần phải áp dụng những biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng nghiêm ngặt về kỹ thuật, liệu người dân có thể áp dụng thành công?
 
Sự thay đổi nhận thức trong sản xuất, nuôi trồng của người dân Sơn Điền và Gia Bắc chỉ có thể chuyển biến bằng chính tri thức, năng lực và sự tận tâm của mỗi cán bộ cơ sở nơi đây. Đó mới chính là chìa khóa duy nhất để mở ra cánh cửa phát triển cho đời sống của người dân hai xã này. Mục tiêu cuối cùng không phải là tiêu chí thu nhập được ấn định bằng một con số cụ thể nào đó để có thể cán đích cho một lộ trình ngắn hạn. Điều quan trọng là sự bền vững, để người dân Sơn Điền, Gia Bắc có thể chủ động đảm bảo cuộc sống đủ đầy bằng chính nội lực của họ.
 
LINH ĐAN - T.T.HIỀN