Người dân Tân Thanh hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới

05:05, 20/05/2022
“Người dân ở đây họ nhiệt tình lắm! Không chỉ góp ngày công mà họ còn góp của, làm đường đến đâu, hiến đất đến đó. Chính vì vậy mà địa phương, từ một xã xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) gặp vô vàn khó khăn, nay đã hoàn thành các tiêu chí và cán đích NTM vào cuối năm 2018”. Đó là điều mà ông Nguyễn Hải Quân - Chủ tịch UBND xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà tâm đắc khi nhắc về phong trào NTM tại địa phương. 
 
Những tuyến đường bê tông được mở rộng, tạo thuận lợi cho bà con xã Tân Thanh phát triển kinh tế tại địa phương
Những tuyến đường bê tông được mở rộng, tạo thuận lợi cho bà con xã Tân Thanh phát triển kinh tế tại địa phương
 
Cách trung tâm huyện Lâm Hà chừng 30 km, xã Tân Thanh được biết đến là một trong những địa phương thuộc diện khó khăn khi có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn nửa tổng số hộ toàn xã. Hiện, địa phương có 3.072 hộ gia đình, trong đó, đồng bào DTTS chiếm 54% và tập trung chủ yếu ở 5/11 thôn.
 
Trên con đường bê tông đi vào Thôn 3 phẳng lỳ, xung quanh được bao bọc bởi một màu xanh của cà phê, cây ăn quả…ít ai nghĩ được rằng, cách đây chưa lâu, con đường vào đây trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân. Đường chỉ rộng chưa đầy 3 m, nếu một chiếc ôtô đi vào, các xe máy phải lùi lại và chỉ một cơn mưa nhỏ thôi cũng đủ để gây khó khăn cho việc đi lại của bà con trong thôn.
 
Ông Nguyễn Hải Quân - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Phần lớn người dân Tân Thanh là bà con ở khu vực phía Bắc và một số nơi vào đây để sinh sống, làm ăn từ những ngày còn đi khai hoang lập địa. Là địa bàn vùng sâu, vùng xa, những năm đấy, các tuyến đường liên xã chưa được nâng cấp nên hễ cứ trời mưa xuống thì rất lầy lội, việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân gặp nhiều khó khăn. Chính bởi lý do đó mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương đã xác định khi bắt tay vào xây dựng NTM, tiêu chí đầu tiên sẽ là đầu tư, nâng cấp đường giao thông”. 
 
Nhìn vào thực tế, để hoàn thành các tiêu chí giao thông, xã Tân Thanh đã đề ra chủ trương mở rộng, nâng cấp các tuyến đường giao thông liên thôn, xã, nội đồng. Qua đó, cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền cho người dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển giao thông đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từ đó tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong Nhân dân.
 
Sau nhiều lần thảo luận, lấy ý kiến, xã quyết định đưa ra nội dung “Hiến đất tự nguyện”. Đầu tiên là vận động các cán bộ, đảng viên trong xã tham gia hiến đất. Sau đó mới đưa nội dung này ra thảo luận cùng Nhân dân. Điều đáng ngạc nhiên, ngay ở buổi thảo luận đầu tiên đã được toàn bộ Nhân dân ủng hộ.
 
Trong quá trình xây dựng NTM, mặc dù không được bồi thường nhưng bà con địa phương cũng rất hồ hởi, hưởng ứng, nhiều hộ gia đình đã tự nguyện hiến 4-5 sào đất đang trồng cà phê để cùng chung tay với địa phương xây dựng giao thông nông thôn. Hay tích cực hiến đất làm nhà văn hóa, nhà mẫu giáo tại thôn Đoàn Kết với diện tích 1.000 m 2, thôn Tân An hiến 2.000 m 2 và 5.000 m 2 làm chợ...
 
Là một trong những thôn lan tỏa được phong trào hiến đất làm đường đến toàn thể bà con Nhân dân, từ năm 2007 đến nay, Thôn 1 có trên 80 hộ gia đình tình nguyện hiến đất để làm đường, làm chợ, nhà văn hóa thôn…Ông Võ Xuân Hướng - Bí thư Chi bộ Thôn 1 bộc bạch: “Hiến đất làm đường được người dân nhất trí và ủng hộ cao. Đó cũng được xem là một việc làm truyền thống của bà con vùng này. Từ đời cha đến đời con, cứ tới thời điểm, chính quyền cần đất để mở rộng làm đường thì bà con sẵn sàng hiến mà không đòi hỏi đền bù”.
 
Là một trong những hộ tiêu biểu trong hiến đất làm đường, bà Thái Thị Ngọc (63 tuổi) chẳng ngần ngại hiến 4.000 m2 đất trồng cà phê. Bà tâm sự: “Bao năm qua, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, trời nắng thì bụi bẩn, mưa thì lầy lội, đường thì nhỏ hẹp, 2 ô tô không tránh nhau được. Khi có chủ trương hiến đất làm đường giao thông nông thôn, gia đình tôi đã đồng tình ủng hộ, sẵn sàng góp công sức cùng địa phương. Gia đình tôi luôn nghĩ rằng mỗi người nên có ý thức trong việc tham gia cùng chính quyền địa phương xây dựng NTM.”.
 
Theo đại diện UBND xã Tân Thanh: Ngay tại thời điểm xã Tân Thanh về đích NTM năm 2018, tổng chiều dài toàn xã là 133,69 km; trong đó, đường trục xã đã cứng hóa 48,48 km; đường trục thôn cứng hóa 17,92 km; đường ngõ xóm cứng hóa 48,88 km. Tiếp tục xây dựng tiêu chí giao thông, trong năm 2021, tổng số tiền đầu tư vào đường giao thông trên địa bàn xã là 6,783 tỷ đồng, trong đó, Nhân dân đối ứng là 1,783 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách huyện là 5 tỷ đồng.
 
Cùng với sự vào cuộc đồng bộ của cơ quan chức năng, sự đồng thuận của Nhân dân trong việc hiến đất làm đường, tin rằng, các tuyến đường giao thông nông thôn liên xã Tân Thanh sẽ giúp người dân đi lại và giao thương hàng hóa thuận lợi, có thêm cơ hội vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững.
 
T.T.HIỀN