Đam Rông: Còn nhiều thách thức trong quản lý, bảo vệ rừng

01:09, 08/09/2022
Thời gian qua, các đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương huyện Đam Rông đã có nhiều giải pháp quyết liệt nhằm thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, kéo giảm các vụ vi phạm lâm luật trên địa bàn. Mặc dù vậy, do tác động của nhiều yếu tố nên công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) tại Đam Rông vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. 
 
Cán bộ phụ trách Tiểu khu 215, lâm phần do Ban Quản lý Rừng phòng hộ Phi Liêng quản lý kiểm tra hiện trường
Cán bộ phụ trách Tiểu khu 215, lâm phần do Ban Quản lý Rừng phòng hộ Phi Liêng quản lý kiểm tra hiện trường
 
  PHÁ RỪNG THEO KIỂU “GẶM NHẤM”
 
Thống kê từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong 8 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn huyện Đam Rông, các đơn vị chức năng đã phát hiện và lập hồ sơ xử lý 28 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp với tổng diện tích thiệt hại trên 8,6 ha (giảm hơn 1 ha so với năm 2021), lâm sản thiệt hại trên 156 m 3 gỗ, giảm hơn 200 m 3 gỗ các loại so với năm 2021. Điều đáng quan tâm là thống kê 8 tháng đầu năm 2022, Đam Rông có 7 vụ phá rừng có tính chất nổi cộm, phức tạp, vượt khung xử lý hành chính, chiếm 35% trên tổng số vụ phá rừng nổi cộm trên địa bàn tỉnh. 
 
Để lý giải một phần nguyên nhân trong công tác QLBVR còn gặp nhiều khó khăn tại Đam Rông, những ngày cuối tháng 8, chúng tôi có dịp đi cùng các cán bộ Ban Quản lý Rừng phòng hộ Phi Liêng kiểm tra tình hình QLBVR tại một số tiểu khu do đơn vị quản lý. 
 
Theo ghi nhận, từ trụ sở UBND xã Phi Liêng vào Tiểu khu 215, 216 chỉ khoảng trên 3 km nhưng nhiều vị trí đất lâm nghiệp nằm giáp ranh vườn cà phê của người dân xuất hiện hiện tượng thông 3 lá bị khoan lỗ, đổ thuốc trừ sâu làm thông chết khá nhiều. Có vị trí chúng tôi đếm sơ bộ chỉ khoảng 400 - 500 m 2 đất nằm giáp ranh bìa rừng có từ 15 - 20 cây thông chết khô rải rác và những hố trồng cà phê mon men lấn vào đất rừng. Và nếu tính gộp hàng chục vị trí “gặm nhấm” như vậy thì thông bị đầu độc số lượng không hề nhỏ.
 
Một cán bộ Ban Quản lý Rừng phòng hộ Phi Liêng thừa nhận, thực trạng đầu độc thông, xâm lấn đất rừng canh tác nông nghiệp diễn ra lâu nay, không mới nhưng cực kỳ khó khăn trong việc xác minh người vi phạm. Đặc biệt là đối với địa hình đất nông nghiệp nằm đan xen kiểu “da báo” giáp ranh với phần lớn diện tích đất rừng thì việc phát hiện các vụ “ken cây” nhỏ lẻ luôn là một bài toán khó. 
 
Khi di chuyển sâu vào một số vị trí thuộc Tiểu khu 215, chúng tôi ghi nhận rải rác trên diện tích 600 - 800 m 2 còn ngổn ngang khoảng 10 cây thông 3 lá hơn 30 năm tuổi bị cưa hạ, lá vẫn còn xanh. Trên các gốc thông có đường kính gốc 35 - 40 cm còn ứa nhựa trắng có ghi dấu của cơ quan chức năng kiểm đếm, đề ngày 31/7. 
 
Hồ sơ biên bản ghi nhận khu vực thông rừng bị cưa hạ thuộc lô d, Khoảnh 3, Tiểu khu 215 xảy ra vào khoảng ngày 28/7. Khi lực lượng chức năng phát hiện, nhiều lóng gỗ thông được cắt thành đoạn dài từ 1,6 - 3 m, đường kính 25 - 47 cm đã bị các đối tượng đưa ra khỏi hiện trường. Thống kê có 11 cây thông hơn 30 năm tuổi bị cưa hạ với khối lượng lâm sản thiệt hại trên 9 m 3 gỗ.
 
“Lợi dụng đêm tối, trời mưa, thông thạo địa hình và canh me lực lượng bảo vệ rừng không thể đi tuần thường xuyên, họ dùng cưa điện cưa hạ. Mỗi cây thông bị cưa thành 3 tới 4 lóng gỗ chỉ chưa đầy 2 phút, nên rất khó phát hiện, bắt quả tang”, một cán bộ phụ trách Tiểu khu 215, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Phi Liêng cho hay. 
 
Theo báo cáo từ Ban Quản lý Rừng phòng hộ Phi Liêng, 6 tháng đầu năm 2022, đơn vị đã phát hiện, lập hồ sơ, chuyển cơ quan chức năng xử lý 4 vụ vi phạm có đối tượng, giảm 13 vụ so với năm 2021. Trong đó, có 3 vụ phá rừng và 1 vụ hủy hoại rừng. Hiện, đơn vị chủ rừng đang tiếp tục phối hợp với Công an huyện Đam Rông, Hạt Kiểm lâm xác minh, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật một số đối tượng cầm đầu trên địa bàn, khả năng cao là các đối tượng trên thuê một số người dân tộc thiểu số phá rừng để trốn tránh trách nhiệm khi bị bắt quả tang.
 
•  TĂNG CƯỜNG TUẦN TRA, XỬ LÝ NGHIÊM 
 
Lý giải công tác quản lý, bảo vệ rừng còn diễn biến phức tạp, Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Quản lý Rừng phòng hộ Phi Liêng Nguyễn Trường Giang cho rằng, do áp lực về đất sản xuất của người dân ngày càng lớn, giá đất ngày càng tăng cao, trong khi diện tích rừng bảo vệ rộng lớn, lực lượng bảo vệ rừng mỏng.
 
Theo ông Giang, từ đầu năm tới nay, đơn vị đã xây dựng 7 kế hoạch tuần tra, kiểm tra, truy quét, giải toả, ngăn chặn tình trạng phá rừng và phối hợp thực hiện nghiêm túc các kế hoạch với kiểm lâm địa bàn và Ban Lâm nghiệp xã Phi Liêng hàng tháng, hàng tuần nên các vụ vi phạm từng bước được hạn chế. Số vụ vi phạm 6 tháng đầu năm 2022 giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2021. 
 
Tuy nhiên, do diện tích rừng và đất lâm nghiệp đơn vị được giao quản lý, bảo vệ trên 11.900 ha, trong khi đơn vị có 19 cán bộ, viên chức, người lao động (còn thiếu 9 biên chế viên chức) nên trong công tác quản lý, bảo vệ thời gian qua đã gặp những thách thức, khó khăn nhất định.
 
Trên phạm vi toàn huyện, Hạt Kiểm lâm Đam Rông cho biết, 8 tháng đầu năm 2022, địa bàn đã xảy ra các điểm nóng phá rừng tại một số khu vực như: Tiểu khu 65, 74 (xã Đạ Long); Tiểu khu 36, 38 (xã Đạ Tông); Tiểu khu 183 (xã Liêng Srônh) thuộc lâm phần do Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sêrêpốk quản lý; các tiểu khu 211, 212, 215, 216 (xã Phi Liêng), thuộc lâm phần do Ban Quản lý Rừng phòng hộ Phi Liêng quản lý. Trong số 28 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, Hạt Kiểm lâm huyện đã khởi tố vụ án về cùng tội “Hủy hoại rừng” và chuyển hồ sơ qua Cơ quan CSĐT Công an huyện tiếp tục điều tra, xử lý. 
 
Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Đam Rông cũng nhìn nhận, hiện nay, công tác đấu tranh với tội phạm về khai thác rừng, xâm hại rừng của các lực lượng chức năng còn gặp nhiều khó khăn. Bởi địa điểm xảy ra các vụ việc có diện tích nằm rải rác, xa khu dân cư đòi hỏi tập trung nhiều lực lượng và phương tiện để khám nghiệm hiện trường. Do vậy, thường mất rất nhiều thời gian và công sức. Bên cạnh đó, đa số các đối tượng vi phạm pháp luật về rừng và bảo vệ rừng đều là người dân tộc thiểu số, nhận thức về pháp luật còn hạn chế. 
 
Nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả đối với loại tội phạm này, góp phần cùng với các đơn vị liên quan làm tốt công tác bảo vệ rừng trên địa bàn, Hạt Kiểm lâm huyện Đam Rông đang chú trọng phối hợp các tổ chức, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng cho người dân trên địa bàn, đặc biệt là không tiếp tay, che giấu các hành vi phạm tội. Từ đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho Nhân dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng, tiến tới giảm thiểu các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp trong thời gian tới. Đồng thời, quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến lâm sản; rà soát, phân loại các đầu nậu, đối tượng vi phạm, xác định những khu vực trọng điểm thường xảy ra phá rừng, khai thác, vận chuyển, chế biến, mua bán lâm sản để có biện pháp ngăn chặn, xử lý.
 
C.THÀNH - H.SA