5 năm qua, Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững đã đi sâu vào đời sống và sản xuất của bà con nông dân. Sức lan toả của phong trào đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển ngành Nông nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội toàn huyện nói chung.
Các hộ đồng bào DTTS ở xã Đinh Trang Thượng sản xuất cà chua đem lại hiệu quả cao |
Ông Hoàng Xuân Hoá - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Di Linh cho biết: Toàn huyện hiện có 26.071 hội viên nông dân. Thực hiện Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững đã xuất hiện ngày càng nhiều nông dân năng động, sáng tạo, không cam chịu đói nghèo, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo để làm giàu cho gia đình và giúp đỡ nhiều hộ nông dân khác xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu.
Đặc biệt, từ phong trào này, nhiều nông hộ người đồng bào DTTS cũng đã vươn lên làm giàu. Hộ ông K’Nêl, nông dân sản xuất giỏi ở Thôn 1, xã Tân Châu chia sẻ: “Năm 2015, được Hội Nông dân các cấp hỗ trợ, gia đình tôi đã mạnh dạn cải tạo, tái canh gần 2 ha cà phê già cỗi chuyển sang trồng cà phê ghép giống mới cho năng suất, chất lượng và độ kháng bệnh cao. Đồng thời, trồng xen một số loại cây ăn trái như: trên 100 cây mắc ca, 50 cây bơ ghép 034… Một phần kinh phí đầu tư được gia đình tôi vay từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Hiệu quả sản xuất đã nâng lên rõ rệt từ 60 triệu đồng/ha lên 132,5 triệu đồng/ha. Ngoài ra, gia đình tôi còn tạo việc làm cho 2 lao động thường xuyên và 3 lao động mùa vụ”.
Hay như câu chuyện của gia đình ông K’Té, tại Thôn 1, xã Đinh Trang Thượng. Được sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã, gia đình ông chuyển một phần diện tích cà phê kém hiệu quả sang trồng cà chua. “Gia đình tôi đã tham gia Tổ hợp tác Sản xuất cà chua của xã để học hỏi kỹ thuật và liên kết tìm đầu ra ổn định. Vào vụ thu hoạch, gia đình tôi còn tạo việc làm thường xuyên cho 2 - 3 lao động trong thôn. Thu nhập từ trồng cà chua cao gấp 4, 5 lần so với cà phê. Qua đó, giải quyết cho gia đình tôi thu nhập hàng tháng, không còn tình trạng ứng cà phê non, vay đại lý với lãi suất cao. Đời sống gia đình tôi ngày càng ổn định hơn”, ông K’Té cho biết.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Di Linh phấn khởi chia sẻ thêm, từ hiệu quả của phong trào, công tác đăng ký danh hiệu Hộ nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp tăng theo từng năm, đạt và vượt kế hoạch tỉnh giao. Trong năm 2022, toàn huyện có 20.200 hộ đăng ký, đạt tỷ lệ 100%.
Trong 5 năm qua, Hội Nông dân huyện đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan mở 38 lớp sơ cấp nghề; tổ chức 1.300 buổi tuyên truyền, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho trên 127 ngàn lượt hội viên, nông dân tham gia. Có 153 hộ vay vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp với số tiền 8 tỷ đồng. Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đã đầu tư, giải ngân cho hội viên nông dân vay thực hiện được 66 dự án, với số tiền trên 12 tỷ đồng. Phong trào cũng đã tạo động lực thúc đẩy nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Cơ cấu cây trồng chuyển dịch đúng hướng, diện tích chuyên canh cà phê của huyện đạt 44.432 ha, đến nay đã thực hiện tái canh được 22.806 ha, diện tích trồng xen trong vườn cà phê gồm: Bơ ghép 2.090 ha, sầu riêng ghép 2.082 ha, hồ tiêu 870 ha, mắc ca 860 ha… Tinh thần đoàn kết, giúp nhau giữa các hộ nông dân giỏi với các hộ nông dân khó khăn đã được phát huy. Các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi và nông dân trên địa bàn đã ủng hộ 1,5 tỷ đồng, trên 3.000 công lao động và 25.000 cây, con giống các loại cho những hội viên nông dân nghèo, khó khăn. Bên cạnh đó, phong trào còn góp phần thúc đẩy nông dân tích cực tham gia Phong trào Xây dựng nông thôn mới và xây dựng, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.
Đồng chí K’Broi - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Di Linh khẳng định: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của địa phương. Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được sau 5 năm thực hiện Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững, lãnh đạo huyện Di Linh tiếp tục chỉ đạo Hội Nông dân huyện và các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để xây dựng phong trào trở thành hoạt động thiết thực, làm cơ sở cho quá trình phát triển, đa dạng hóa các hình thức sinh hoạt của nông dân nhằm trao đổi kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, thông tin thị trường...
NGỌC NGÀ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin