(LĐ online) - Tiếp cận với internet và sử dụng một số thao tác trên nền tảng này đối với 2/3 dân số cả nước có lẽ đã là điều bình thường. Cho dù chỉ là những thao tác đơn giản, với những cú click hay nhấp chuột, nhưng điều này vẫn mở ra những cánh cửa kết nối, cũng như tạo cơ hội cho các hoạt động thương mại.
Một số liệu ước tính cho thấy, có đến 53% dân số của Việt Nam đã thực hiện việc giao dịch/mua sắm trực tuyến thông qua các trang mạng xã hội Facebook, Zalo hoặc các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada. Không ít người còn đi xa hơn với các sàn thương mại điện tử quốc tế như Amazon, Taobao... Con số từ Bộ Công thương cho hay, hiện Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, với tốc độ tăng 20%/năm. Khoảng 16,4 tỷ USD là con số dự tính về quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ mà Việt Nam ước đạt được trong năm 2022 vừa qua, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Đây là các chỉ số cho thấy năng lực tiềm tàng của nền kinh tế số, và nó có thể còn mở ra rất nhiều cánh cửa khác mà không ai muốn bỏ lỡ.
Nói một cách khác, hoạt động trên môi trường thương mại điện tử đã tác động và thay đổi rất nhiều đến phương thức kinh doanh, cách thức hoạt động và thay đổi cả cung cách điều hành, tổ chức doanh nghiệp. Không ai đứng ngoài vòng hoạt động này, vì như thế là từ chối cơ hội cạnh tranh, thậm chí là từ chối cả cơ hội nhận diện doanh nghiệp.
Ở thời điểm hiện tại, chúng ta đã quen với những thuật ngữ như công nghệ số, kinh tế số, chuyển đổi số… nhưng để hiểu đúng, hiểu đủ các thuật ngữ này và hoạt động trên các nền tảng số lại là một vấn đề khác. Đối với các doanh nghiệp, điều này còn cho thấy sự sống còn trước khi là duy trì và phát triển. Do vậy, vận hành hoạt động của doanh nghiệp không thể chậm nhịp trong môi trường chuyển đổi số đang được kích hoạt mạnh mẽ hơn bao giờ.
Nhưng chúng ta vẫn đang đối mặt với khoảng cách số, theo như cách định dạng vấn đề của bà Antoinette Sayeh – Phó Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ Quốc tế. Đó không chỉ là khả năng tiếp cận công nghệ số tiên tiến có sự khác biệt lớn giữa các doanh nghiệp, mà còn giữa các đối tượng khác nhau trong lực lượng lao động. Bà Antoinette Sayeh cũng đưa ra thông tin về việc Việt Nam đang tụt lại phía sau so với các nước trong khu vực về số người học lên trình độ đại học, cũng như kỹ năng số của lực lượng lao động. Chỉ có 40% doanh nghiệp có đủ kỹ năng công nghệ để sử dụng và duy trì các hệ thống số là một thực tế. Và cho dù có AQ đến đâu đi chăng nữa, đây vẫn là vấn đề cần phải được khắc phục và thay đổi. Trong khi đó, tài chính lại là rào cản lớn nhất giữa nhiều rào cản khác mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải đối mặt trong việc tiếp cận và sử dụng công nghệ số. Đó cũng là khoảng cách cần phải rút ngắn và lấp đầy bằng các chính sách và cơ chế!
Đây chắc chắn là vấn đề của nhiều địa phương có số doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỷ lệ nhiều hơn. Vấn đề này cũng đã được đặt ra trong Kế hoạch triển khai chương trình chuyển đổi số của các tỉnh, thành trong mốc thời gian từ 2025 đến 2030 để hình thành và hoàn thiện hệ sinh thái số, thúc đẩy đạt mục tiêu xây dựng thành công chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Có lẽ đó sẽ là động lức làm thay đổi nhiều cục diện và vấn đề trong phát triển.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin