Phòng, chống bệnh viêm gan vi rút

AN NHIÊN 08:08, 13/09/2023

Theo Bộ Y tế, số mắc ung thư gan ở nước ta cao thứ 4 khu vực Tây Thái Bình Dương. Tỷ lệ tử vong do ung thư gan cao thứ 5 toàn cầu và cao thứ 4 khu vực Tây Thái Bình Dương. Ước tính có 7,2% dân số nhiễm viêm gan B vi rút và 1 % dân số mắc viêm gan C. Trong đó, nhóm từ 18 tuổi trở lên có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B là 9,2%, nhiễm vi rút viêm gan C là 1,8%.  Tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B, C ở vùng Tây Nguyên thuộc mức cao nhất cả nước. 

Cán bộ y tế tư vấn về lợi ích của tiêm vắc xin phòng viêm gan B cho trẻ em dưới 1 tuổi 
tại Trạm Y tế Phường 4 (TP Đà Lạt)
Cán bộ y tế tư vấn về lợi ích của tiêm vắc xin phòng viêm gan B cho trẻ em dưới 1 tuổi tại Trạm Y tế Phường 4 (TP Đà Lạt)

Vì vậy, từ năm 2021 đến nay, Sở Y tế Lâm Đồng đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai lồng ghép các hoạt động phòng, chống viêm gan vi rút với các hoạt động chuyên môn của đơn vị.

DỰ PHÒNG LÂY NHIỄM VI RÚT VIÊM GAN

Lâm Đồng đã triển khai tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ sau sinh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các đơn vị tổ chức tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh 1 lần/ngày tại các bệnh viện và các cơ sở y tế có phòng sinh kể cả thứ Bảy, Chủ nhật và ngày lễ. Đưa chỉ tiêu trên 85% trẻ được tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ sau sinh, trên 95% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các vắc xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng vào kế hoạch triển khai hoạt động tiêm chủng mở rộng hàng năm.

Hiện tại, 100% bệnh viện và các cơ sở y tế có phòng sinh triển khai tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ sau sinh. Năm 2021, có 17.819 trẻ được tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ sau sinh đạt 82,3%; năm 2022, có 16.576 trẻ được tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ sau sinh đạt 85,56%; trong 6 tháng đầu năm 2023, có 10.214 trẻ được tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ sau sinh đạt 58,41%.
 
Nhân viên y tế, dân số vận động các bà mẹ mang thai sinh con tại các cơ sở y tế, hạn chế thấp nhất sinh con tại nhà đối với vùng sâu, vùng xa để bà mẹ và trẻ được chăm sóc đầy đủ trong và sau quá trình sinh cũng như được tiêm chủng vắc xin viêm gan B liều sơ sinh đầy đủ kịp thời. Ngành Y tế cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn về tiêm chủng do tuyến trên tổ chức. Từ năm 2022 đến nay, ngành Y tế đã tổ chức 8 lớp tập huấn cho 367 học viên về tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh, an toàn tiêm chủng, cập nhật các kiến thức tiêm chủng cho cán bộ y tế tại các bệnh viện, các cán bộ làm công tác tiêm chủng tại tuyến tỉnh, huyện, xã. 

Truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về lợi ích tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh trong 24 giờ đầu sau sinh cho trẻ sơ sinh, các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng, vận động người dân đưa con đi tiêm chủng đúng lịch.

Tất cả các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Y tế về quy chế quản lý, sử dụng hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia. Các trạm y tế xã, phường, thị trấn hàng tháng rà soát, lập danh sách, tổ chức tiêm chủng định kỳ vắc xin có thành phần viêm gan B cho trẻ dưới 1 tuổi. Năm 2021, có 18.646 trẻ dưới 1 tuổi được tiêm vắc xin viêm gan B ba liều cơ bản đạt 86,15%; năm 2022, tỷ lệ này đạt 88,60% và 6 tháng đầu năm 2023, đạt 22%.

Hàng tháng, toàn tỉnh tổ chức 8 điểm tiêm chủng ngoài trạm y tế tại 4 huyện Lâm Hà, Di Linh, Đạ Tẻh, Đam Rông để tăng khả năng tiếp cận của người dân với dịch vụ tiêm chủng mở rộng tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Phòng lây truyền vi rút viêm gan B từ mẹ sang con, hệ thống y tế tăng cường công tác tư vấn, khám sàng lọc và xét nghiệm về bệnh viêm gan vi rút cho người dân đến khám bệnh ngoại trú, bệnh nhân điều trị nội trú, đặc biệt là phụ nữ có thai, đối tượng có nguy cơ cao… để phát hiện và điều trị sớm các trường hợp nhiễm vi rút viêm gan.

Tổ chức tập huấn “Dự phòng lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con” cho cán bộ tuyến huyện, xã. Triển khai các hoạt động dự phòng lây truyền vi rút viêm gan B từ mẹ sang con theo kế hoạch loại trừ ba bệnh HIV, giang mai và viêm gan B lây truyền từ mẹ sang con của Bộ Y tế. Năm 2021, có 11.465 phụ nữ mang thai được xét nghiệm sàng lọc viêm gan B đạt 60,61%; năm 2022 đạt 74,40% và 6 tháng đầu năm 2023, đạt 76,19%.

Thực hiện nghiêm túc các quy trình chuẩn về phòng nhiễm khuẩn trong bệnh viện và các hướng dẫn về khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân viêm gan vi rút theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Củng cố hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn và tăng cường hoạt động của Hội đồng kiểm soát nhiễm khuẩn, Khoa hoặc bộ phận kiểm soát nhiễm khuẩn và mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn tại các đơn vị y tế trong ngành. 

Can thiệp giảm tác hại trong đối tượng nguy cơ cao. Duy trì hoạt động cung cấp bơm kim tiêm cho đối tượng nghiện chích ma túy. Năm 2021, cấp 11.000 bơm kim tiêm cho 479 đối tượng; năm 2022, cấp 267.000 bơm kim tiêm cho 593 đối tượng. Truyền thông, giáo dục tư vấn về các can thiệp dự phòng nhiễm HIV và vi rút viêm gan C thông qua loa phát thanh xã, tờ rơi, áp phích, truyền thông trực tiếp cho 1.845 đối tượng nghiện chích ma túy điều trị ARV. Duy trì và mở rộng điều trị thay thế chất gây nghiện dạng thuốc phiện tại 1 cơ sở điều trị, 3 điểm cấp phát thuốc Methadone. Duy trì, mở rộng chương trình bao cao su cho đối tượng nhiễm HIV, mại dâm. Từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2023, đã cấp 34.620 bao cao su cho các đối tượng nguy cơ cao trong tỉnh để dự phòng phòng lây nhiễm.

Đảm bảo an toàn truyền máu và công tác lưu trữ máu. Thực hiện xét nghiệm sàng lọc cho tất cả đơn vị máu, thành phần máu, chọn lựa, sử dụng các thuốc thử, sinh phẩm, dụng cụ, thiết bị xét nghiệm bảo đảm chất lượng xét nghiệm sàng lọc đơn vị máu, thực hiện đầy đủ nội kiểm và ngoại kiểm theo quy định của Bộ Y tế. 

Dự phòng lây truyền vi rút viêm gan A và E (vi rút viêm gan lây truyền qua đường tiêu hóa). Từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2023, tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn toàn tỉnh đã tiêm 10.767 liều vắc xin phòng viêm gan A. 

TIẾP CẬN CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ VIÊM GAN VI RÚT

Nâng cấp các máy xét nghiệm miễn dịch tự động, máy đo tải lượng HBV-DNA (PCR) và chuẩn hóa các quy trình, trang thiết bị xét nghiệm vi rút viêm gan tại các bệnh viện để áp dụng các kỹ thuật xét nghiệm chẩn đoán vi rút học, đặc biệt đối với vi rút viêm gan B, vi rút viêm gan C phục vụ việc chẩn đoán và điều trị bệnh viêm gan vi rút một cách hiệu quả. 

Ngành Y tế đã cử cán bộ y tế trực tiếp tham gia công tác xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân viêm gan vi rút tham gia các khóa đào tạo và đào tạo liên tục về viêm gan: “Nội kiểm và xác nhận giá trị sử dụng phương pháp xét nghiệm”, “Quản lý chất lượng xét nghiệm theo tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm của Bộ Y tế”, “Kiểm soát chất lượng và thẩm định phương pháp xét nghiệm định lượng”. Xây dựng kế hoạch hướng dẫn, theo dõi tiến triển của bệnh nhân trong và sau điều trị. 

Trong năm 2023, toàn tỉnh có 900 người nhiễm HIV đang điều trị ARV được sàng lọc vi rút viêm gan C đạt tỉ lệ 100%, có 3/12 người được chẩn đoán đồng nhiễm HIV/HCV (viêm gan C) được điều trị viêm gan C đạt 23%.

Hàng năm tổ chức tập huấn chẩn đoán, theo dõi, chăm sóc và điều trị đồng nhiễm HIV/HBV (viêm gan B) và HIV/HCV cho cán bộ y tế tuyến huyện và 2 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh.

Duy trì mô hình điều trị HIV/HCV theo hướng quản lý ca bệnh đồng nhiễm HIV/HCV được lồng ghép trong quy trình quản lý điều trị cho người nhiễm và người phơi nhiễm với HIV tại 3 cơ sở điều trị HIV/AIDS (Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng, Bệnh viện II Lâm Đồng). 

TRUYỀN THÔNG NÂNG CAO NHẬN THỨC XÃ HỘI 

Ngành Y tế đã phối hợp với các ban, ngành, địa phương đa dạng hóa các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về các biện pháp phòng, chống viêm gan vi rút, lợi ích của tiêm vắc xin phòng bệnh, các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đảm bảo công tác vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo nước sạch. Từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2023, đã tổ chức truyền thông cho 717.190 lượt người thông qua buổi tư vấn, hội thảo, thảo luận nhóm về chuyên đề sức khỏe, thăm hộ gia đình. 

Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng, chống bệnh viêm gan vi rút tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2023-2025 với mục tiêu giảm lây truyền vi rút viêm gan, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do viêm gan vi rút trên địa bàn tỉnh.