Trồng rau, nuôi 5 người con học đại học

09:04, 18/04/2016

Dù điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng vợ chồng ông Chamlia Ya Kâu (59 tuổi) - bà Touneh Nai Lim (57 tuổi) ngụ thôn Labouye A, xã Lạc Xuân (Đơn Dương) luôn nỗ lực vượt khó để chăm lo cho 5 người con được học hành đến nơi đến chốn, nhiều năm liền được công nhận danh hiệu là "Gia đình văn hóa tiêu biểu" và "Gia đình hiếu học" ở địa phương.

Dù điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng vợ chồng ông Chamlia Ya Kâu (59 tuổi) - bà Touneh Nai Lim (57 tuổi) ngụ thôn Labouye A, xã Lạc Xuân (Đơn Dương) luôn nỗ lực vượt khó để chăm lo cho 5 người con được học hành đến nơi đến chốn, nhiều năm liền được công nhận danh hiệu là “Gia đình văn hóa tiêu biểu” và “Gia đình hiếu học” ở địa phương.
 
Ông bà Chamlia Ya Kâu - Touneh Nai Lim
Ông bà Chamlia Ya Kâu - Touneh Nai Lim

Với 5 sào đất canh tác, do tuổi tác đã lớn, nên ông bà chỉ để lại 2 sào trồng rau màu, 3 sào còn lại cho thuê để có thêm nguồn thu chăm lo con cái học hành. Công việc vốn đã vất vả nhưng giá cả rau trên thị trường không ổn định, lên xuống thất thường, nên nguồn thu của gia đình cũng không khá lên được. Tổng thu nhập bình quân (từ việc trồng rau) của gia đình ông bà chỉ đạt từ 30 - 35 triệu đồng/năm. 
 
Cuộc sống của gia đình càng trở nên khó khăn hơn khi các con dần trưởng thành và lần lượt bước vào giảng đường đại học. Năm 2004, con gái lớn của ông bà là chị Touneh Nai Tiên thi đỗ vào Trường Đại học Đà Lạt. Tuy khó khăn, vất vả, ông bà vẫn luôn động viên con nỗ lực, phấn đấu trong học tập để tốt nghiệp ra trường và có việc làm, mong cho cuộc sống gia đình sẽ đỡ vất vả hơn. Ông bà cho biết thêm: Mình không có điều kiện được học cái chữ, bây giờ chỉ mong con cái được học hành đến nơi, đến chốn, có công ăn việc làm để cuộc sống được ổn định hơn và không còn cảnh vất vả như bố mẹ. 
 
Khi con gái lớn của ông bà đang là sinh viên năm thứ 2, thì cũng là lúc người con kế tiếp thi đỗ vào Khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Đà Lạt. Tuy niềm vui của gia đình được nhân lên gấp đôi nhưng nỗi trăn trở, lo lắng và cả sự băn khoăn của ông bà cũng vì thế mà tăng lên gấp bội. “Chương trình chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho các con em là sinh viên đồng bào DTTS là 4 triệu đồng/học kỳ, số tiền ấy chỉ đủ cho con đóng học phí của kì đó, còn chi phí sinh hoạt hằng ngày... và các chi phí khác phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình” - bà Nai Lim nói.
 
Năm 2008, khi chị Nai Tiên tốt nghiệp đại học cũng là lúc con gái thứ 3 Touneh Kiều Chi trúng tuyển vào Ngành Luật học của Trường Đại học Đà Lạt. Khó khăn càng chồng chất, cùng một lúc phải lo kiếm việc làm cho con gái lớn, vừa phải chuẩn bị chi phí cho các con đang học. 
 
Trao đổi với chúng tôi, chị Kiều Chi, cho biết: “Sở dĩ tôi có được kết quả học tập như ngày hôm nay là do bản thân ý thức được sự khổ cực, vất vả của bố mẹ. Noi gương các chị đi trước, mình phải cố gắng học tập để có việc làm ổn định, đồng thời cũng là để làm gương cho hai em noi theo”. 
 
Giờ đây, 4 người con đều đã tốt nghiệp ra trường, những gánh nặng ngày nào giờ cũng đã vơi bớt trên tấm thân gầy của ông bà. Thay vào đó, niềm vui, hạnh phúc lại đến với gia đình khi con cái đều đã được trưởng thành. Chị Nai Tiên (con gái lớn) là giáo viên dạy môn Văn hiện đang công tác ở tỉnh Ninh Thuận còn chồng cũng là giáo viên đang công tác ở huyện Đức Trọng; con gái thứ 2 và thứ 3, nay đều đã lập gia đình và hiện đang công tác ở xã Đạ Sa (Lạc Dương) và TP. Đà Lạt; con trai duy nhất cũng đã tốt nghiệp và hiện đang là hướng dẫn viên của Công ty Du lịch Highland Holiday và cô con gái út đang là sinh viên năm thứ 2 Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường ĐH Đà Lạt.
 
Ông Trần Kiên, Phó Chủ tịch Hội khuyến học xã Lạc Xuân, nhận xét: “Hộ bà Touneh Nai Lim là đồng bào dân tộc K’Ho. Tuy cuộc sống gia đình rất khó khăn nhưng vợ chồng bà Lim luôn luôn động viên các con rèn luyện bản thân, chăm chỉ học tập để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Vì vậy, các con của ông bà đều chăm ngoan và phấn đấu vươn lên trong học tập, không ai phải nghỉ học giữa chừng.
 
Hơn thế nữa, đây còn là “Gia đình văn hóa tiêu biểu” nhiều năm liền và là một trong những tấm gương sáng tiêu biểu về phong trào “Gia đình hiếu học” trên địa bàn xã Lạc Xuân.
 
LAM PHƯƠNG