Phấn đấu đưa Ðạ Tẻh thoát khỏi tốp các huyện khó khăn

08:11, 23/11/2016

30 năm huyện Ðạ Tẻh hình thành và phát triển là cột mốc đáng nhớ đối với vùng căn cứ cách mạng, vùng kinh tế mới còn nhiều khó khăn này. 30 năm, khoảng thời gian chưa hẳn là dài đối với một vùng đất mới nhưng cũng để lại những mốc son đáng ghi nhận.

30 năm huyện Ðạ Tẻh hình thành và phát triển là cột mốc đáng nhớ đối với vùng căn cứ cách mạng, vùng kinh tế mới còn nhiều khó khăn này. 30 năm, khoảng thời gian chưa hẳn là dài đối với một vùng đất mới nhưng cũng để lại những mốc son đáng ghi nhận. Nói như ông Bùi Văn Hùng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ðạ Tẻh, cũng là một trong những người đi kinh tế mới từ những năm huyện Ðạ Tẻh chưa được chia tách, thì sau 30 năm, huyện Ðạ Tẻh thay đổi quá nhanh và quá nhiều.
 
Ông Bùi Văn Hùng  Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh
Ông Bùi Văn Hùng
Phó Bí thư Huyện ủy,
Chủ tịch UBND
huyện Đạ Tẻh
Ông cho biết: Năm 1981, tôi đi kinh tế mới vào vùng đất Đạ Tẻh. Khi đó, nơi đây là vùng đất còn rất hoang sơ, chỉ là một buôn của bà con dân tộc Mạ. Từ cảnh sắc, con người đến các điều kiện khác về giao thông, về điều kiện sản xuất còn rất kém phát triển. Thế nhưng, sau 30 năm thì huyện Đạ Tẻh đã thay đổi quá nhanh và quá nhiều. Đời sống của người dân đi kinh tế mới đã hơn trước, nhiều vùng đã phát triển ngang bằng hoặc cao hơn so với quê cũ. Những thành quả nổi bật trong thời gian qua mà huyện đã đạt được là công tác quy hoạch đô thị, bố trí dân cư. Đến nay, qua đánh giá, công tác quy hoạch này hết sức bài bản và phù hợp với thực tế, với điều kiện tự nhiên, xã hội của huyện. Chính điều này góp phần rất quan trọng, rất lớn vào việc phát triển kinh tế - xã hội, từ việc giao thương hàng hóa đến việc giao lưu văn hóa giữa các vùng. 
 
Trong những năm qua, “bộ mặt” đô thị huyện Đạ Tẻh đã có sự thay đổi nhanh chóng từ thành thị đến nông thôn. Đặc biệt, từ năm 2009, khi huyện Đạ Tẻh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới thì sự thay đổi càng rõ nét hơn. Tất cả đường làng, ngõ xóm từ huyện đến xã được tôn tạo, xây dựng đẹp hơn. Môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và đời sống nhân dân được nâng lên vượt bậc. Đến nay, toàn huyện đã có 4/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Các xã còn lại đều đạt từ 15 tiêu chí trở lên. Bên cạnh đó, hệ thống y tế, giáo dục của huyện cũng đã đáp ứng khá tốt nhu cầu nâng cao dân trí và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Mạng lưới trường lớp và y tế hiện đã đều khắp, đảm bảo các tiêu chí về y tế và giáo dục. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm rất ấn tượng. Nếu so với cách đây 5 năm, tỷ lệ này đã giảm 3 lần, chỉ còn 7% vào năm 2016. Hiện, huyện còn 2 xã nghèo là Hương Lâm và Đạ Pal. Hai xã này đang phấn đấu thoát nghèo trong thời gian gần nhất.
 
Phóng viên: Như vậy, huyện Đạ Tẻh đã triển khai những giải pháp nào trong suốt thời gian qua để đạt được những kết quả như trên?
 
30 năm - Những con số ấn tượng
 
- 70% đường giao thông từ huyện đến xã được cứng hóa, bê tông hóa.
- 100% thôn, tổ dân phố có điện lưới Quốc gia.
- 9/10 xã có điện chiếu sáng công cộng ở trung tâm.
- 42% trường học đạt chuẩn Quốc gia.
-  90% xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế.
-  Tỷ lệ hộ nghèo còn 7%.
- Thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/người/năm.

Ông Bùi Văn Hùng: Trong xây dựng nông thôn mới, huyện đã ra sức tuyên truyền, tạo sự đồng thuận để người dân hiểu và nâng cao ý thức tự giác. Từ đó, phong trào xây dựng nông thôn mới đã có sự lan tỏa rộng khắp. Phương châm thực hiện mà huyện triển khai xuyên suốt là nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ đã mang lại hiệu quả rất tốt. Người dân nhiều địa phương trong huyện Đạ Tẻh đã nhận thức rất rõ về xây dựng nông thôn mới là của nhân dân và do nhân dân thực hiện. Cốt lõi xây dựng nông thôn mới là làm sao để kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện. Đây là vấn đề mà huyện rất trăn trở nên trong những năm qua huyện đã thực hiện rất nhiều giải pháp như: Chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp theo chiều sâu… Hàng năm, trên địa bàn huyện có từ 1.200 đến 1.400 ha cây trồng được chuyển đổi cơ cấu mùa vụ với sự đồng thuận rất cao từ phía người dân. Ngoài ra, huyện cũng quan tâm chuyển đổi một số loại cây trồng như cao su, điều, dâu tằm… Bắt đầu từ năm nay, huyện cũng tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo chiều sâu theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả. Một trong những giải pháp để thực hiện định hướng này là xây dựng vùng sản xuất lúa theo hướng công nghệ cao, xây dựng vùng sản xuất Nếp Quýt đã được công nhận thương hiệu. Cùng với việc phát triển sản xuất thì huyện cũng tăng cường thực hiện chương trình sản xuất VietGAP và đẩy mạnh xúc tiến liên kết trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Trong sản xuất nông nghiệp, huyện cũng đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại. Một giải pháp khác cũng được huyện rất quan tâm triển khai là đẩy mạnh hình thức tổ chức sản xuất dưới dạng tổ hợp tác và hợp tác xã. Đến nay, toàn huyện đã có hơn 20 tổ hợp tác và 1 hợp tác xã, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Riêng đối với vùng đồng bào dân dân tộc thiểu số, sinh sống chủ yếu tại các khu vực như thị trấn Đạ Tẻh, xã Đạ Pal, An Nhơn, Mỹ Đức, Quốc Oai, huyện cũng đã triển khai nhiều nghị quyết chuyên đề, xây dựng nhiều đề án phát triển cụ thể dành cho các buôn đồng bào dân tộc. Hiện tại, đã có 4 dự án phát triển kinh tế phù hợp với đặc thù của từng vùng, gồm: 2 dự án về trồng cao su tập trung với diện tích 200 ha, trồng tre tầm vông với diện tích 24 ha, trồng ca cao xen dưới vườn cà phê với diện tích 10 ha. Những dự án này đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản và đang phát triển theo chiều hướng tốt, hứa hẹn sẽ phát huy được kết quả giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để giải quyết những vấn đề về cuộc sống trước mắt, huyện cũng đã hỗ trợ để bà con chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, tham gia nhận khoán bảo vệ rừng…
 
Thu hoạch lúa chất lượng cao tại cánh đồng xã An Nhơn. Ảnh: Trương Thái Anh Quốc
Thu hoạch lúa chất lượng cao tại cánh đồng xã An Nhơn. Ảnh: Trương Thái Anh Quốc
Phóng viên: Sau Đại hội Đảng bộ huyện Đạ Tẻh lần thứ VIII, những nghị quyết chuyên đề nào đã được huyện triển khai thực hiện, thưa ông?
 
Ông Bùi Văn Hùng: Sau Đại hội, Huyện ủy Đạ Tẻh đã ban hành 4 nghị quyết chuyên đề để cụ thể hóa Nghị quyết của Đại hội, gồm: Nghị quyết phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, nghị quyết tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác bảo vệ rừng, Nghị quyết đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và Nghị quyết về phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. UBND huyện Đạ Tẻh đã xây dựng các kế hoạch cụ thể để triển khai các nghị quyết này. Mục tiêu đặt ra trước mắt là phấn đấu năm 2018, huyện Đạ Tẻh sẽ đạt chuẩn đô thị văn minh, đến năm 2019 sẽ đạt chuẩn nông thôn mới; đồng thời, sẽ hoàn thành một số công trình trọng điểm như: Quảng trường trung tâm huyện, đường nội thị, mở rộng Khu dân cư 3a, mở rộng chợ trung tâm, xây dựng kết cấu nội vùng Tôn K’Long (xã Đạ Pal). Còn về lâu dài, phấn đấu thị trấn Đạ Tẻh sẽ đạt đô thị loại IV vào năm 2020, chuẩn bị các điều kiện để tách thêm xã mới là Tôn K’Long từ xã Đạ Pal… 
 
Các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đạ Tẻh lần thứ 8 đề ra dù còn nhiều khó khăn khi thực hiện, nhiều chỉ tiêu khá cao nhưng huyện đang nỗ lực để thực hiện tốt các mục tiêu này. Với thành quả kế thừa của 30 năm và với tốc độ phát triển như hiện nay thì tôi tin chắc rằng Đạ Tẻh sẽ sớm vươn lên, phấn đấu thoát khỏi tốp các huyện khó khăn của tỉnh như hiện nay.
 
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
 
HỮU SANG (thực hiện)