Ngày 3/3, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức hội thảo khoa học "Định hướng phát triển không gian quy hoạch đô thị TP Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050" với sự tham dự của đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng; đồng chí Đoàn Văn Việt - Chủ tịch UBND tỉnh...
Ngày 3/3, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức hội thảo khoa học “Định hướng phát triển không gian quy hoạch đô thị TP Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050” với sự tham dự của đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng; đồng chí Đoàn Văn Việt - Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và hơn 100 nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước. Nhiều ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý và chuyên gia đã được đưa ra nhằm hướng đến mục tiêu chung là tìm bản sắc riêng cho không gian đô thị Bảo Lộc.
|
Toàn cảnh hội thảo |
Hướng đến “thành phố tỉnh lỵ”
Trong báo cáo đề dẫn tại hội thảo, ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng, đã nêu thực trạng: “Khái quát quá trình hình thành và phát triển đô thị đối với tỉnh Lâm Đồng qua cả 2 thời kỳ thì TP Bảo Lộc chưa được nhìn nhận đúng vai trò, tính chất là “đô thị cấp vùng” và “thành phố tỉnh lỵ”. Dù trước đây đô thị Bảo Lộc có nghiên cứu mở rộng nhưng chỉ chú trọng đến khu vực trung tâm mà chưa đặt vấn đề nghiên cứu mở rộng quy mô đô thị Bảo Lộc là đô thị cấp vùng của vùng phụ cận phía Nam Lâm Đồng. Hiện nay, Quy hoạch chung của tỉnh Lâm Đồng đã xác định lộ trình cho TP Đà Lạt hướng đến thành phố loại 1, trực thuộc trung ương sau những năm 2020. Do đó, việc xem xét, điều chỉnh chiến lược phát triển cho TP Bảo Lộc là cấp thiết. Để đặt ra chiến lược phát triển nâng tầm tính chất cho đô thị Bảo Lộc thì không thể không đặt vấn đề mở rộng phạm vi nghiên cứu quy hoạch chung nhằm xác định rõ hơn về ranh giới và quy mô đô thị Bảo Lộc, đảm bảo cho một cấu trúc đô thị tương ứng, phát triển bền vững trong tương lai”.
Khái quát sự hình thành đô thị Bảo Lộc
- Năm 1893, bác sỹ Alexandre Yersin phát hiện ra vùng đất B’Lao.
- Năm 1898, Toàn quyền Paul Doumer cử nhiều đoàn thám hiểm khảo sát tiềm năng vùng đất này.
- Năm 1932, Quốc lộ 20 từ Sài Gòn lên Đà Lạt qua địa phận Bảo Lộc được hình thành.
- Năm 1958, Bảo Lộc được chọn làm thủ phủ của tỉnh Lâm Đồng cũ.
- Năm 1976, tỉnh Lâm Đồng và Tuyên Đức sáp nhập thành tỉnh Lâm Đồng mới, Bảo Lộc thành thị trấn huyện lỵ.
- Năm 1994, huyện Bảo Lộc chia tách thành thị xã Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm.
- Năm 2009, Bảo Lộc được công nhận là đô thị loại III.
- Năm 2010, thị xã Bảo Lộc được nâng cấp thành thành phố trực thuộc tỉnh.
|
Còn theo ông Nguyễn Quốc Bắc, Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc, theo định hướng phát triển đô thị trong thời gian tới thì TP Bảo Lộc phấn đấu hoàn thành các tiêu chí đô thị loại II, đáp ứng yêu cầu của một “đô thị tỉnh lỵ”. Vì vậy, với diện tích đất tự nhiên thấp nhất trong toàn tỉnh, hơn 230 km2, thì việc mở rộng không gian đô thị ra các đơn vị hành chính lân cận sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho quá trình tái cấu trúc TP Bảo Lộc về không gian đô thị lẫn hệ thống cơ sở hạ tầng và kiến trúc đô thị theo hướng đô thị xanh, phát triển bền vững và thân thiện với môi trường. Khi đó, Bảo Lộc sẽ có chỉ số cạnh tranh về môi trường kinh doanh tốt hơn so với các địa phương lân cận. Nói cách khác, các doanh nghiệp sẽ dễ dàng tìm kiếm mặt bằng và cơ hội đầu tư trên địa bàn thành phố trong tương lai. Điều này cũng đồng nghĩa với dòng đầu tư phát triển từ các doanh nghiệp sẽ tăng, tạo động lực mới tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Thành phố Bảo Lộc đã được công nhận là đô thị loại 3 gồm 6 phường và 5 xã với diện tích tự nhiên hơn 230 km2, dân số 153.000 người. Tháng 9/2016, UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép lập điều chỉnh quy hoạch TP Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, TP Bảo Lộc được xác định là “thành phố tỉnh lỵ” tương lai của tỉnh Lâm Đồng. Xét về tổng quan, TP Bảo Lộc có vị trí địa lý quan trọng với vùng phụ cận Nam Lâm Đồng, kết nối với huyện Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên. Việc điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Bảo Lộc có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết nhằm phát huy giá trị tiềm năng của vùng đô thị Nam Lâm Đồng và các vùng lân cận trong tỉnh và các đô thị khác của các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận và xa hơn là thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi cũng được đặt ra xung quanh việc điều chỉnh quy hoạch chung này. Đó là: Đô thị Bảo Lộc sẽ phát triển theo hình thái cấu trúc đô thị nào cho thích hợp? Xác định quy mô cho Bảo Lộc theo hướng nào, trở về cấu trúc của huyện Bảo Lộc cũ (bao gồm cả huyện Bảo Lâm hiện nay) hay tách, nhập một số đô thị vệ tinh về cho Bảo Lộc theo 4 hướng để Bảo Lộc có điều kiện tiếp cận, giao thương với các tỉnh trong khu vực?...
|
Một góc không gian đô thị Bảo Lộc |
Tìm bản sắc riêng
Do đặc điểm lịch sử, TP Bảo Lộc từ trước đến nay chưa định hướng rõ nét đặc trưng hình thái kiến trúc đô thị. Nhìn chung, về không gian tổng thể, đô thị Bảo Lộc vẫn chưa hài hòa, còn chắp vá giữa mảng kiến trúc nhà ở đô thị của cư dân với các công trình công cộng dân dụng và công nghiệp, chưa đại diện cho một giai đoạn hội nhập kinh tế và phát triển đô thị. Theo ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Bảo Lộc là đô thị lớn thứ 2 của tỉnh với vai trò quan trọng là đô thị động lực phát triển kinh tế - xã hội của cả một vùng phụ cận phía Nam. Tuy đã hội đủ điều kiện về tự nhiên, tiềm năng và động lực kinh tế vùng nhưng vẫn chưa thoát ra khỏi phạm vi địa lý và tầm nhìn chiến lược để trở thành một đô thị cấp vùng của tỉnh. Với quá trình chuyển động về phát triển đô thị, đồ án quy hoạch chung TP Bảo Lộc sẽ định hướng phát triển kinh tế - xã hội và phát triển đô thị Bảo Lộc trong hiện tại cũng như định hướng cho diện mạo đô thị trong tương lai.
Tìm bản sắc riêng cho đô thị Bảo Lộc là vấn đề mà nhiều nhà quản lý, nhà khoa học và các chuyên gia đã đặt ra. Hầu hết đều thống nhất việc đánh giá thực trạng, nhận diện tiềm năng, tìm kiếm đặc điểm nổi bật, bản sắc riêng có của đô thị gắn với vùng lân cận để nghiên cứu, đề xuất một hình thái đô thị, mô hình quản lý đô thị phù hợp theo xu hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong tham luận của mình, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đề xuất một số định hướng để phát triển TP Bảo Lộc hướng đến một thành phố xanh bền vững. Trong đó, đáng chú ý là xây dựng Bảo Lộc thành trung tâm chăm sóc sức khỏe, dưỡng lão số 1 Việt Nam và phát triển mô hình làng đô thị xanh để hình thành thành phố xanh bền vững. Ông khẳng định: “Bảo Lộc có điều kiện thời tiết ôn hòa nhất cả nước, sẽ là nơi chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh lý tưởng nhất mà khó có nơi nào so sánh được. Do đó, Bảo Lộc sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư xây dựng một vườn thực vật quy mô lớn nhất Việt Nam tại khu vực xã Đại Lào để giãn khu dân cư hướng Nam thành phố, xây dựng vườn dược liệu quy mô lớn để trồng bảo tồn và phát triển các loài cây dược liệu quý tại khu vực Hồ Nam Phương II nhằm thu hút khách tham quan và mua sản phẩm tại chỗ. Ngoài ra, Bảo Lộc cũng có thể xây dựng các “Làng đô thị xanh” tại một số xã, phường như Lộc Phát, Lộc Thanh, Đam Bri, Lộc Châu. Đây là nội dung cực kỳ quan trọng trong quá trình phát triển đô thị, phù hợp với xu thế thời đại nhằm đảm bảo sự cân bằng trong quá trình phát triển đô thị song song với việc xây dựng xã hội văn minh”.
TS, KTS Ngô Viết Nam Sơn Chuyên gia quy hoạch phát triển đô thị: Bảo tồn và phát triển bản sắc đô thị Bảo Lộc
5 định hướng chiến lược quan trọng của TP Bảo Lộc về mặt bảo tồn và phát triển bản sắc đô thị là xây dựng kết nối tốt Bảo Lộc với các khu đô thị và cơ sở hạ tầng quan trọng về mặt giao thông và hoạt động; phát triển bản sắc đô thị sinh thái nông nghiệp gắn liền với nông nghiệp chuyên canh; khuyến khích phát triển có hệ thống các thắng cảnh du lịch gắn liền với việc bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống đặc trưng của vùng cao nguyên Bảo Lộc; ưu tiên bảo vệ chất lượng môi trường sinh thái; xây dựng các khu cộng đồng đô thị mang bản sắc đặc thù như: Khu đô thị trung tâm, Khu du lịch thắng cảnh, Khu dịch vụ thương mại, Khu đô thị đại học.
ThS, KTS Hồ Viết Vinh Chuyên gia quy hoạch đô thị: Hướng đến đô thị sinh tháinông nghiệp hiện đại
Trong tương lai không xa, khi các hệ thống giao thông đối ngoại hình thành thì áp lực đô thị càng mạnh. Do vậy, vấn đề nghiên cứu cấu trúc hình thái không gian đô thị Bảo Lộc hướng đến mô hình đô thị sinh thái nông nghiệp hiện đại sẽ là nền tảng căn bản để phát huy lợi thế vùng trong vòng 50 năm tới. Tầm nhìn phát triển cho đô thị Bảo Lộc trong tương lai phải phù hợp và kết thừa các giá trị đã được tạo dựng qua cấu trúc đô thị hiện hữu. Để làm được điều này thì cần tập trung giữ gìn môi trường đô thị, bao gồm: bảo vệ tài nguyên đất đai, chất lượng nguồn nước, không khí, cấu trúc địa hình, không gian cảnh quan.
Bà Mathilde Preault Chuyên gia Công ty TNHH AREP Việt Nam: Xây dựng một bản sắc đô thị độc đáo và nhất quán
Với vị thế tiềm năng là thủ phủ của tỉnh Lâm Đồng, TP Bảo Lộc sẽ được biết tới nhiều hơn nên cần tạo dựng cho mình hình ảnh một đô thị hấp dẫn và cởi mở, đại diện cho tỉnh Lâm Đồng trên phương diện quốc gia và quốc tế. Bảo Lộc cần xác định đâu là yếu tố tạo nên sự khác biệt cho riêng mình, đồng thời đảm bảo rằng động lực phát triển của mình sẽ bổ sung, hỗ trợ chứ không phụ thuộc vào các trung tâm đô thị khác của khu vực phía Nam. Tiến trình định dạng một bản sắc đô thị cho TP Bảo Lộc dựa trên các tài sản hiện hữu của địa phương cũng như các hoạt động quảng bá, xúc tiến trong tương lai. Đó cũng là lý do tại sao trước tiên Bảo Lộc cần xác định các yếu tố đặc trưng cho mình cũng như đánh giá cơ hội có thể nhằm khai thác tối đa tiềm năng kinh tế của các yếu tố đó. Bản sắc của Bảo Lộc có thể tóm gọn trong sự kết hợp giữa khí hậu ôn đới, không gian thiên nhiên xanh rộng lớn với nét văn hóa sâu đậm thưởng thức trà và cà phê. Tất cả những yếu tố này đã tạo nên một chiến lược bản sắc cho đô thị Bảo Lộc.
H.S (thực hiện)
|
HỮU SANG