Những ngày đầu tháng 8, về thăm xã Tà Năng (Đức Trọng), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến những đổi thay của địa phương. Các tuyến đường xã được mở rộng, những ngôi nhà khang trang mọc lên... Đó là nhờ sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong xã với quyết tâm hoàn thành xây dựng NTM trong năm nay.
Những ngày đầu tháng 8, về thăm xã Tà Năng (Đức Trọng), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến những đổi thay của địa phương. Các tuyến đường xã được mở rộng, những ngôi nhà khang trang mọc lên... Đó là nhờ sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong xã với quyết tâm hoàn thành xây dựng NTM trong năm nay.
|
Tuyến đường Charang Hao đang được bê tông sẽ giúp nhân dân đi lại thuận lợi. Ảnh: H.Y |
Xuất phát điểm thấp
Xã Tà Năng là xã vùng sâu, vùng xa, có đông đồng bào dân tộc sinh sống. Toàn xã có 1.392 hộ với 5.792 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 77,2%, sinh sống tại 10 thôn và 1 cụm dân cư. Những năm trước đây, tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn - xã hội trên địa bàn tương đối phức tạp, nhất là tình hình khai thác và vận chuyển lâm sản, khoáng sản trái phép, đời sống kinh tế của người dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo 16%...
Ông Hoàng Văn Tư - Bí thư Đảng ủy xã Tà Năng chia sẻ: Thời gian qua, một số hộ dân đã tự nguyện đóng góp ngày công lao động, hiến đất xây dựng các công trình dân sinh nhưng sự đóng góp về kinh phí còn quá ít. Trong khi đó, vốn huy động từ các doanh nghiệp gần như không có. Để tăng mức thu nhập, thời gian qua, chính quyền xã đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế như đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế vườn đồi, trang trại; mở rộng diện tích trồng các loại cây có giá trị như trồng rau màu trên chân lúa một vụ, tái canh cà phê, tiêu... Tuy nhiên, những giải pháp đó chỉ dừng lại ở việc giúp người dân có thêm thu nhập ổn định để cải thiện phần nào cuộc sống khó khăn chứ chưa thực sự phát huy hiệu quả nâng mức thu nhập theo đúng tiêu chí. Điều này dẫn đến nhiều hộ khó thoát nghèo. Bên cạnh đó, Tà Năng gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn từ người dân, đây chính là rào cản đáng ngại trên lộ trình xây dựng NTM của Tà Năng.
Theo lộ trình, vào năm 2018, Đức Trọng sẽ xây dựng thành công huyện nông thôn mới. Đây là một thách thức lớn của xã bởi năm 2016 xã chỉ mới vừa thoát khỏi xã vùng 3 - xã đặc biệt khó khăn.
Xuất phát điểm thấp khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, nhưng xác định đây là chương trình lớn, tổng thể, toàn diện nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nên Đảng ủy xã ra nghị quyết lãnh đạo tổ chức thực hiện.
Quyết tâm vượt khó để cán đích
Nhận thức được ý nghĩa của việc xây dựng NTM sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo xã, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nên suốt 6 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tà Năng đã chủ động nâng cao chỉ tiêu, theo “khung” bộ tiêu chí NTM.
Với quyết tâm cao, huyện Đức Trọng đang dành các nguồn lực tập trung xây dựng xã Tà Năng đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2017. Qua đó, huyện đã phân bổ 14,158 tỷ đồng để Tà Năng xây dựng cơ bản, gồm trường học, đường giao thông, trụ sở làm việc, hỗ trợ sản xuất... Từ đầu năm đến nay, UBND xã đã hoàn thiện các hồ sơ liên quan, đã hợp đồng thi công và triển khai xong đường từ ngã ba Charang Hao đi thôn Klong Bong với chiều dài 1,1 km; đường bê tông xi măng từ ngã ba Bưu điện đi cầu Trảng 5 Láng Mít 0,9 km và đang hoàn thiện hồ sơ chuẩn bị triển khai thi công đoạn đường từ thôn Charang Hao đi ra trung tâm xã... Đồng thời, chủ động phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện xác định các tuyến đường tiếp tục đầu tư năm 2017. Ngoài ra, UBND xã đã chỉ đạo ban nhân dân các thôn huy động nhân dân đóng góp tiền, ngày công để làm đường giao thông nông thôn.
Bên cạnh việc phát triển hạ tầng, trong xây dựng nông thôn mới điều cốt yếu nhất là làm sao nâng cao đời sống cho người dân. Chính vì vậy, xã đã vận động nhân dân thay đổi tập quán canh tác, đầu tư thâm canh tăng vụ, đưa cây con giống chất lượng, năng suất cao vào sản xuất; tích cực triển khai xây dựng các mô hình phát triển kinh tế; tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn bằng những hành động cụ thể như: ủng hộ tiền, đóng góp ngày công lao động, hiến đất, cây hoa màu làm đường giao thông; thi đua xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư…
Với nhiều hình thức tuyên truyền, xã Tà Năng đã tạo được sự đồng thuận, nâng cao nhận thức và huy động tối đa các nguồn lực để mọi người tự nguyện tham gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của toàn xã đạt 32 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo theo đa chiều là 4,97%, đấy thật sự là nỗ lực không ngừng của chính quyền và nhân dân trong xã.
Xây dựng NTM của xã đang trong quá trình “leo dốc” với nhiều “chướng ngại vật” khó vượt như đường giao thông nông thôn, môi trường, hộ nghèo... Đây là những vướng mắc rất lớn mà lãnh đạo cũng như nhân dân xã Tà Năng đang từng bước khắc phục.
Xây dựng NTM hiện như luồng gió mới đang lan tỏa tích cực vào đời sống nhân dân cũng như bộ mặt của địa phương. Việc xây dựng nông thôn mới có nhiều chuyển biến rõ nét, cảnh quan môi trường được cải thiện, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên, hệ thống cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Bí thư Đảng ủy xã Tà Năng - Hoàng Văn Tư vẫn khá lạc quan cho rằng, với sự quan tâm, đồng lòng từ huyện tới xã thì việc hoàn thành 19/19 tiêu chí trong năm 2017 sẽ có thể thực hiện được.
HOÀNG YÊN