Nguyễn Ái Quốc và hành trình đến với quê hương cách mạng Tháng 10

HỒNG PHÚC 06:06, 30/01/2023

Năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. 12 năm sau, khi đã mang tên là Nguyễn Ái Quốc, Người mới lần đầu tiên đặt chân đến Liên Xô, đến quê hương của Lênin, quê hương của cách mạng Tháng 10. Sự kiện lịch sử này là dấu mốc đặc biệt quan trọng trên hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân của Nguyễn Ái Quốc.

Giấy thông hành số 1829, do Đại diện toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga tại Đức cấp cho Nguyễn Ái Quốc, bí danh “Chen Vang”, ngày 16/6/1923. Ảnh: Tư liệu
Giấy thông hành số 1829, do Đại diện toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga tại Đức cấp cho Nguyễn Ái Quốc, bí danh “Chen Vang”, ngày 16/6/1923. Ảnh: Tư liệu

ĐẾN VỚI QUÊ HƯƠNG CÁCH MẠNG THÁNG 10

Năm 1917, cách mạng Tháng 10 Nga thành công đã thức tỉnh các dân tộc thuộc địa, trong đó có một thanh niên yêu nước người Việt Nam hiện đang sống và hoạt động tại Paris của nước Pháp: Nguyễn Ái Quốc. Thế nhưng, phải đến đầu năm 1920, khi tham gia hoạt động trong Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc mới đọc được “Sơ thảo lần thứ nhất Những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I. Lênin (đăng trên báo L’Humanité (Nhân đạo) hai số liên liếp ngày 16 và ngày 17/6/1920). Từ tác phẩm này, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi trăn trở suốt nhiều năm: Việt Nam sẽ đi con đường nào để giành độc lập dân tộc và mang lại hạnh phúc cho đồng bào.

Kể từ khi bắt gặp Luận cương của Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã dứt khoát tán thành Quốc tế thứ ba và hoàn toàn tin theo Lênin. Luận cương của Lênin đã chỉ cho Nguyễn Ái Quốc con đường giành độc lập cho dân tộc và tự do cho đồng bào. Sau này, khi kể lại sự kiện này, Người cho biết: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”! Từ đó, tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”.

Nguyễn Ái Quốc (người đầu tiên bên trái hàng ngồi) chụp ảnh với một số đại biểu tham dự Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản tại Moskva, Nga từ ngày 17/6 đến 8/7/1924. Ảnh: Tư liệu
Nguyễn Ái Quốc (người đầu tiên bên trái hàng ngồi) chụp ảnh với một số đại biểu tham dự Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản tại Moskva, Nga từ ngày 17/6 đến 8/7/1924. Ảnh: Tư liệu

Những hoạt động sôi nổi của Nguyễn Ái Quốc với tư cách đại biểu của Đông Dương trong Đảng Cộng sản Pháp đã làm cho D. Manuilsky - một lãnh đạo của Quốc tế Cộng sản khi đó chú ý và ông đã “mở đường” để Nguyễn Ái Quốc đến Liên Xô dự Đại hội lần thứ nhất Quốc tế Nông dân dự định sẽ diễn ra cuối mùa hè năm 1923. Trong “Vừa đi đường vừa kể chuyện”, tác giả T.Lan cho biết, để đi được tới nước Nga là chặng đường đầy gian nan, thử thách bởi khi ấy Người nằm trong vòng theo dõi của mật thám Pháp. Để đi tới nước Nga, việc đầu tiên và khó khăn nhất là phải làm sao bỏ rơi được mật thám ngày đêm vẫn theo dõi Người rất chặt chẽ. Nhớ lại thời gian này, Người cho biết: “Bọn mật thám nắm vững “quy luật” hoạt động của Bác. Sáng đi làm công, chiều đến thư viện, tối dự mít tinh. Khuya về nhà ngủ… Bác cũng nắm vững “quy luật” hoạt động của chúng. Chúng chỉ theo Bác từ nhà trọ đến chỗ làm việc, đến chỗ xem sách, đến nơi hội họp. Sau đó tin chắc rằng Bác chẳng đi đâu mất, chúng về nhà chúng để vui thú gia đình”. 

Ngày 27/6/1923, Nguyễn Ái Quốc với giấy thông hành mang tên người thợ ảnh “Chen Vang” rời cảng Hamburg trên con tàu mang tên nhà cách mạng Đức Karl Liebknecht chính thức lên đường sang Liên Xô. Ngày 30/6/1923, Người đến thành phố Petrograd (nay là Saint-Petersburg) - cái nôi của Cách mạng Tháng 10 Nga vĩ đại và tháng 7 cùng năm, Người lên đường tới Moskva.

Quảng trường và Tượng đài Hồ Chí Minh ở thủ đô Matxcơva của Nga nằm ở nơi giao nhau giữa phố Dmitri Ulianov và phố “Sáu mươi năm Cách mạng Tháng 10”. Ảnh: Tư liệu
Quảng trường và Tượng đài Hồ Chí Minh ở thủ đô Matxcơva của Nga nằm ở nơi giao nhau giữa phố Dmitri Ulianov và phố “Sáu mươi năm Cách mạng Tháng 10”. Ảnh: Tư liệu

TRỞ THÀNH NHÀ CÁCH MẠNG “CHUYÊN NGHIỆP”

Tại Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc đã dự Đại hội lần thứ nhất Quốc tế Nông dân, khai mạc ngày 10/10/1923 và phát biểu tại hai phiên họp (phiên thứ nhất, ngày 10/10 và phiên thứ 7, ngày 13/10). Tại đại hội này, Nguyễn Ái Quốc được bầu vào Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân gồm 11 ủy viên. Phát biểu tại phiên họp chiều ngày 13/10, Nguyễn Ái Quốc đã đọc tham luận nêu lên tình cảnh khổ cực của người nông dân Đông Dương, chỉ rõ sự cần thiết phải kết bạn đồng minh với giai cấp công nhân và khẳng định vai trò của giai cấp nông dân. Sau Hội nghị, với tư cách là Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Nguyễn Ái Quốc đã ký một số văn kiện của Hội đồng, trong đó có “Lời kêu gọi nông dân toàn thế giới đấu tranh đòi chặn bàn tay Chính phủ phản động Bulgarie không được giết hại các lãnh tụ cách mạng”. 

Tại Liên Xô, tháng 12/1923, Nguyễn Ái Quốc đã trả lời phỏng vấn nhà báo, nhà thơ Liên Xô Osip Emilyevich Mandelstam. Trong cuộc trả lời phỏng vấn này, Nguyễn Ái Quốc đã nhắc đến tình cảnh của Nhân dân Việt Nam “đang sống trong đen tối, thực sự là đêm tối” vì thực dân Pháp ra sức cấm Nhân dân Việt Nam xem sách báo, cho nên người Việt Nam không hiểu được những gì đang xảy ra trên thế giới. Bài trả lời của Người sau đó được đăng trên Tạp chí “Ngọn lửa nhỏ” số 39, ra ngày 23/12/1923 với tiêu đề “Thăm một chiến sĩ Quốc tế Cộng sản - Nguyễn Ái Quốc”. Osip Mandelstam đã dành những lời lẽ đẹp nhất để viết về Nguyễn Ái Quốc: “Nguyễn Ái Quốc hiện là người An Nam duy nhất ở Moskva… Đó là một thanh niên gầy gò, linh hoạt, mặc cái áo len đan… Nguyễn Ái Quốc… đang tỏa ra một cái gì thật lịch thiệp và tế nhị. Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai… Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”. 

Cuối năm 1923, Nguyễn Ái Quốc vào học Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản. Ngày 21/1/1924, Lênin từ trần đã đem lại mối thương tiếc vô hạn cho những người cộng sản và nhân dân lao động trên thế giới. Điều mong ước của Nguyễn Ái Quốc là được gặp Lênin đã không bao giờ có thể thực hiện. Sau này, Hồ Chí Minh đã kể lại sự kiện đau buồn này “…Lênin đã mất. Thế là tôi chưa được gặp Lênin và đó là một điều ân hận lớn trong đời tôi. Khi tôi đến nước Nga, Người đã ốm nặng và đang chữa bệnh ở Gorki, cho nên không đến thăm được”.

Trong 14 tháng ở Moskva, Nguyễn Ái Quốc đã tranh thủ thời gian để củng cố và thiết lập thêm nhiều mối quan hệ của mình với những người cộng sản thế giới, với Quốc tế Cộng sản, tranh thủ học khóa ngắn hạn tại Trường Đại học Cộng sản Phương Đông. Dù được hoạt động trong một môi trường tốt, được phát biểu trên nhiều diễn đàn, được gặp gỡ nhiều nhân vật khá quan trọng trong phong trào cộng sản quốc tế lúc đó, song Nguyễn Ái Quốc vẫn luôn đau đáu với đích đến là cách mạng Việt Nam. Ngày 11/11/1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu, và chỉ một thời gian ngắn sau Người đã mở được các lớp huấn luyện cán bộ, cách mạng Việt Nam từ đây bước sang bước ngoặt mới đầy triển vọng.

Bài báo “Thăm một chiến sĩ Quốc tế Cộng sản - Nguyễn Ái Quốc” đăng trên Tạp chí “Ngọn lửa nhỏ” số 39, ra ngày 23/12/1923. Ảnh: Tư liệu
Bài báo “Thăm một chiến sĩ Quốc tế Cộng sản - Nguyễn Ái Quốc” đăng trên Tạp chí “Ngọn lửa nhỏ” số 39, ra ngày 23/12/1923. Ảnh: Tư liệu

ĐI THEO CON ĐƯỜNG CÁCH MẠNG THÁNG 10 NGA

Sau khi Lênin từ trần, trên Báo Sự thật ngày 27/1/1924 đã đăng bài viết của Nguyễn Ái Quốc với tựa đề “Lênin và các dân tộc thuộc địa”. Trong bài viết này, Nguyễn Ái Quốc đã dành những tình cảm vô cùng kính trọng đối với Lênin: “Khi còn sống, Người là cha, thầy học, đồng chí và cố vấn của chúng ta. Ngày nay, Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cuộc cách mạng XHCN”. 

Khi ra đi tìm đường cứu nước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã có mục đích rất rõ ràng là: “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta”. Năm 1920, khi bắt gặp chủ nghĩa Lênin, câu hỏi Việt Nam nên đi theo con đường nào đã được giải đáp, đó là con đường của Cách mạng Tháng 10 Nga, con đường cách mạng của Lênin. 

Những câu trả lời về chọn đường của dân tộc đã được thể hiện rõ trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” viết năm 1927. Đây là tài liệu được dùng để đào tạo những người cách mạng Việt Nam Quảng Châu, Trung Quốc. Trong tác phẩm này, những bài học của cách mạng thế giới đã được Hồ Chí Minh đưa ra phân tích để rồi Người rút ra chân lý “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật…”.

Tán thành Quốc tế ba, đi theo con đường của Lênin, đặc biệt là tất cả những kiến thức, kinh nghiệm thu nhận được ở Liên Xô những năm 1923 - 1924 là tiền đề quan trọng để Nguyễn Ái Quốc vận dụng vào hoàn cảnh Việt Nam, sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo Nhân dân Việt Nam đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước.