Tổng kết việc thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015

NGUYỆT THU 15:46, 08/09/2023

(LĐ online) - Sáng 8/9, Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội thảo chuyên đề tổng kết việc thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh K’Mák phát biểu chỉ đạo tại hội thảo
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh K’Mák phát biểu chỉ đạo tại hội thảo

Hội thảo dưới sự chủ trì của các đồng chí: K’Mák - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Khắc Bình - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh. Tham dự hội thảo có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S, ĐBQH K’ Nhiễu, ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh, đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh, lãnh đạo các ban HĐND tỉnh, các sở, ngành, đơn vị liên quan, các chuyên gia Tổ Tư vấn chính sách pháp luật của Đoàn ĐBQH, lãnh đạo và giảng viên Khoa Luật - Trường  Đại học Đà Lạt, Khoa Nhà nước và Pháp luật - Trường Chính trị tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S phát biểu về kết quả thực hiện các kết luận sau giám sát và kiến nghị một số vấn đề còn bất cập trong Luật
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S phát biểu về kết quả thực hiện các kết luận sau giám sát và kiến nghị một số vấn đề còn bất cập trong Luật
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Nguyễn Tạo phát biểu làm rõ thêm một số nội dung thuộc thẩm quyền tại hội thảo
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Nguyễn Tạo phát biểu làm rõ thêm một số nội dung thuộc thẩm quyền tại hội thảo

Các đại biểu tham dự hội thảo đã được nghe báo cáo tổng kết Thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, nghe các ý kiến tham luận, góp ý về những vấn đề tồn tại, bất cập của Luật cho phù hợp thực tiễn.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh K’Mák nhấn mạnh: Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND tỉnh tổ chức hội thảo chuyên đề tổng kết việc thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 nhằm đánh giá nội dung dự thảo báo cáo tổng kết việc thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp tỉnh Lâm Đồng; làm rõ những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, bất cập trong việc thi hành Luật, trên cơ sở đó, kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Các đồng chí chủ trì hội thảo
Các đồng chí chủ trì hội thảo

Từ năm 2016 đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ trì, phối hợp với cơ quan hữu quan tổ chức được 21 cuộc giám sát, khảo sát chuyên đề, nhiều kiến nghị giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh đã được các bộ, ngành Trung ương và các cơ quan chức năng ở địa phương tiếp thu, xem xét, giải quyết, những kết luận giám sát đã được Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng đưa vào kết luận, đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo, xem xét giải quyết; có sự đổi mới, sáng tạo trong hoạt động giám sát, khảo sát, đặc biệt là việc phối hợp với Đoàn ĐBQH các tỉnh Đắk Nông và Bình Thuận tổ chức khảo sát tuyến Quốc lộ 28 và 28B, qua khảo sát, Đoàn ĐBQH 3 tỉnh đã có báo cáo và kiến nghị về việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa các tuyến quốc lộ, những kiến nghị, đề xuất có tác động tích cực, đem lại hiệu quả thiết thực vì có tính chất liên tỉnh, liên vùng; các vị đại biểu Quốc hội đã có hơn 200 câu hỏi chất vấn trực tiếp tại hội trường và gửi câu hỏi chất vấn bằng văn bản đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương; đã tổ chức giám sát, đôn đốc, kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết các vụ việc khiếu nại kéo dài tại địa phương…

 Bà Dương Thị Ngà - Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh phát biểu tại hội thảo
 Bà Dương Thị Ngà - Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh phát biểu tại hội thảo

Cũng từ đầu năm 2016 đến nay, HĐND tỉnh đã xây dựng, ban hành 8 nghị quyết; các huyện, thành phố ban hành 96 nghị quyết và các xã, phường, thị trấn ban hành 1.136 nghị quyết về chương trình giám sát của HĐND. HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức cho đại biểu HĐND chất vấn tại các kỳ họp thường lệ với 1.578 lượt chất vấn, trong đó cấp tỉnh chất vấn 233 lượt, cấp huyện 403 lượt và cấp xã 942 lượt. Thường trực HĐND các cấp đã đã tổ chức 1.525 cuộc giám sát, trong đó cấp tỉnh 14 cuộc, cấp huyện 189 cuộc và cấp xã 1.322 cuộc. Các ban của HĐND các cấp đã tổ chức triển khai thực hiện 2.118 cuộc giám sát chuyên đề, trong đó cấp tỉnh giám sát 46 cuộc và 8 cuộc khảo sát chuyên đề, cấp huyện giám sát 368 cuộc và cấp xã giám sát 1.704 cuộc; việc xem xét các quyết định của UBND cùng cấp và nghị quyết của HĐND cấp dưới luôn được Thường trực HĐND quan tâm chỉ đạo thực hiện thường xuyên, đã kịp thời phát hiện thiếu sót, bất cập trong công tác của các cơ quan chịu sự giám sát, từ đó, thảo luận, đưa ra các giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc để các cơ quan thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Đại diện Sở Tư pháp phát biểu góp ý
Đại diện Sở Tư pháp phát biểu góp ý

Tại hội thảo, các đại biểu cũng nêu lên một số hoạt động giám sát còn bất cập, phát sinh vướng mắc, như: Việc tham gia hoạt động giám sát của các đại biểu; một số trường hợp chưa xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan đến vấn đề giám sát, chưa xác định rõ biện pháp xử lý, chưa có chế tài phù hợp; việc theo dõi, đôn đốc, giám sát, việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát có lúc, có nội dung chưa thực sự quyết liệt nên không ít những vụ việc, vấn đề chậm được giải quyết, tiếp tục gây bức xúc trong Nhân dân và dư luận xã hội dẫn tới hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và cuộc sống đặt ra.

Nhiều chuyên gia, giảng viên tham dự cũng đã tham gia góp ý kiến chất lượng, sát thực liên quan đến thực thi Luật Hoạt động giám sát như: Nên có quy định rõ hơn về việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của Đoàn ĐBQH và HĐND, nên quy định thời gian cụ thể thực hiện các kết luật sau giám sát, nên có chế tài cụ thể quy định nếu chậm chỉ đạo xử lý khắc phục bất cập tồn tại được hoạt động giám sát chỉ ra. Cần phát huy vai trò của đại biểu HĐND hơn nữa trong các phiên chất vấn tại các kỳ họp HĐND để đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi của Nhân dân. Đại biểu dân cử nên phát huy trách nhiệm hơn nữa, lắng nghe, tổng hợp các kiến nghị của cử tri trong thực hiện chất vấn về những nội dung cử tri bức xúc, gửi gắm. Nên tăng thêm số lượng đại biểu HĐND chuyên trách để tăng cường chất lượng hoạt động giám sát. Có đại biểu tham gia góp ý nên có quy định rõ hơn về đối tượng chịu giám sát, về thành viên đoàn giám sát nhằm đảm bảo hiệu quả cao khi thực hiện giám sát….

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh cũng lưu ý và chỉ đạo thời gian tới: Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND cần bám sát các quy định của pháp luật, các nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, đáp ứng kịp thời nhu cầu của xã hội, tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của Nhân dân và cử tri. Đồng thời phải gắn với cung cấp thông tin thực tiễn để hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao trách nhiệm của tổ chức, các nhân trong thực hiện quy định của pháp luật, tăng cường hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, phát huy dân chủ, tăng tính tranh luận, phân tích sâu, làm rõ những thành tích, ưu điểm, cũng như những tồn tại, khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp xác đáng, khả thi. Tăng cường các giải pháp nhằm bảo đảm việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát, trong đó chú trọng giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát.

Tăng cường sự phối hợp trong hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH, HĐND với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội để phát huy vai trò giám sát của mỗi cơ quan, cùng tạo sức cộng hưởng thúc đẩy, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh K’Mák đề nghị ngay sau hội thảo, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh hoàn thiện 2 dự thảo báo cáo dựa trên những ý kiến đóng góp của các đại biểu dự họp để Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh phát hành gửi các cơ quan tổng hợp trong quá trình sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Hoạt động giám sát.