Lâm Đồng: Số vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng giảm 43%

11:09, 24/09/2022
(LĐ online) - Ngày 24/9, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong 9 tháng đầu năm, tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh giảm 43% so với cùng kỳ năm 2021.   
 
Hiện trường vụ rừng thông tại tiểu khu 144B thành phố Đà Lạt bị hủy hoại
Hiện trường vụ rừng thông tại tiểu khu 144B thành phố Đà Lạt bị hủy hoại
 
Theo đó, trong tháng 9/2022, toàn tỉnh phát hiện 30 vụ vi phạm về rừng, giảm 4 vụ so với tháng trước; diện tích rừng thiệt hại 0,42 ha, giảm 70%; khối lượng lâm sản thiệt hại 115,8 m 3, giảm 17,6%. Cơ quan chức năng cũng đã xử lý hành chính 18 vụ, chuyển cơ quan chức năng xử lý hình sự 2 vụ; tịch thu 15 m 3 gỗ tròn/xẻ các loại, và thu nộp ngân sách 310 triệu đồng. 
 
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện 214 vụ vi phạm quy định về quản lý bảo vệ rừng (trong đó đã xác định được đối tượng 156 vụ, chiếm 73%, tăng  6,7% số vụ được phát hiện so với cùng kỳ), giảm 43% so cùng kỳ năm 2021. Diện tích thiệt hại do phá rừng là 29,81 ha, tăng 2,04%; lâm sản thiệt hại 1.176 m 3, giảm 19% so cùng kỳ. Đến nay, tổng số vụ đã xử lý 176 vụ (xử lý hành chính 156 vụ, xử lý hình sự 20 vụ); tịch thu 306 m 3 gỗ tròn/xẻ các loại, thu nộp ngân sách hơn 2,72 tỷ đồng. 
 
Số lượng lâm sản thiệt hại do phá rừng trong 9 tháng giảm 19% so cùng kỳ
Số lượng lâm sản thiệt hại do phá rừng trong 9 tháng giảm 19% so cùng kỳ
 
Cùng với đó, địa phường còn tập trung công tác quản lý bảo vệ, chăm sóc rừng trồng, giao khoán bảo vệ rừng cho 16.738 hộ dân và 41 tổ chức với diện tích 455.086 ha. Triển khai kế hoạch trồng 50 triệu cây xanh giai đoạn 2021-2025, và đã trồng khoảng 3,15 triệu cây xanh, đạt 48% kế hoạch năm 2022. Công tác phòng chống cháy rừng cũng được đảm bảo, từ đầu năm đến nay xảy ra 41 vụ cháy với diện tích 35,74 ha; các vụ cháy đã được phát hiện và xử lý kịp thời, không gây thiệt hại tài nguyên rừng. 
 
Trong khi đó, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh thường xuyên, quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành chức năng, các địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm trong xử lý tình tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, yêu cầu xử lý nghiêm đối tượng vi phạm; chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của các cấp chính quyền (cấp huyện, xã), các đơn vị chủ rừng, kiểm lâm.
 
THỤY TRANG