Vì sự bình yên của buôn làng

TUẤN HƯƠNG 00:32, 02/09/2023

Trong những năm qua, trên địa bàn thôn Bê Đê (xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên), tình trạng mâu thuẫn, tranh chấp giảm, ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao, tình đoàn kết xóm làng ngày càng thắt chặt, an ninh trật tự đảm bảo… Để có được kết quả đó phải kể đến vai trò hết sức quan trọng của Tổ hòa giải thôn với 100% hòa giải viên là người dân tộc thiểu số (DTTS).

Tổ hòa giải thôn Bê Đê luôn quan tâm sâu sát, nắm bắt tình hình để kịp thời 
hòa giải hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp
Tổ hòa giải thôn Bê Đê luôn quan tâm sâu sát, nắm bắt tình hình để kịp thời hòa giải hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp

Thôn Bê Đê với trên 98% là đồng bào dân tộc Mạ, nằm hoàn toàn trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Cát Tiên. Đời sống người dân còn nhiều khó khăn, trình độ nhận thức chưa đồng đều, chủ yếu sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp và nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng. Ở đây, tình làng nghĩa xóm ngày càng thắt chặt, mỗi mái nhà yên bình dưới tán rừng xanh. Có được kết quả này một phần nhờ vào hoạt động của Tổ hòa giải thôn đã “hóa giải” kịp thời những mâu thuẫn phát sinh từ trong gia đình hay giữa các hộ dân với nhau.

Gần 10 năm qua, anh K’Khoẹt - Bí thư Chi bộ thôn và cũng là Tổ trưởng Tổ hòa giải thôn Bê Đê vẫn rảo bước chân trên khắp buôn làng đến từng nhà, gặp gỡ mọi người để lắng nghe tâm tư, tình cảm của bà con trong thôn. Anh cùng các thành viên trong Tổ hòa giải thường xuyên tuyên truyền cho bà con về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là sự quan tâm đầu tư thiết thực trong vùng đồng bào DTTS, vận động bà con tích cực tham gia các phong trào do chính quyền địa phương phát động. Được xem là cầu nối của buôn làng, mỗi khi trong thôn xảy ra vụ việc tranh chấp liên quan đến đất đai, xích mích do hiểu lầm giữa làng xóm, mâu thuẫn vợ chồng…, K’Khoẹt và các thành viên trong Tổ hòa giải luôn đứng ra khuyên can, giảng giải. 

Tổ hòa giải thôn Bê Đê có 5 hòa giải viên đều là người DTTS gốc Mạ. Thành viên của Tổ là Trưởng thôn, Trưởng Ban Công tác Mặt trận, già làng, người có uy tín… Trong quá trình tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, các thành viên trong Tổ luôn nhiệt tình hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp. Hơn 10 năm qua, hàng năm, tỷ lệ các vụ việc Tổ hòa giải thực hiện hòa giải thành đạt trên 97,5%. Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, Tổ hòa giải thôn Bê Đê đã tiếp nhận 11 vụ việc và hòa giải thành cả 11 vụ, đạt 100%. 

“Để thực hiện tốt công tác hòa giải, các thành viên trong Tổ luôn quan tâm sâu sát, nắm bắt tình hình đời sống của các hộ dân để kịp thời hiểu rõ được các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh. Khi có mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra, hòa giải viên có mặt kịp thời nắm rõ nội dung tranh chấp, tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp để thực hiện công tác hòa giải. Qua đó, có phương pháp hòa giải đúng, vận dụng, viện dẫn các điều luật phù hợp với nội dung tranh chấp, đồng thời có căn cứ giải thích, hướng dẫn, thuyết phục các bên tranh chấp hiểu được hành vi của mình để các bên hiểu và tự giác điều chỉnh cho phù hợp với pháp luật, đạo đức xã hội và phong tục tập quán tốt đẹp của địa phương”, anh K’Khoẹt chia sẻ. 

Với đồng bào DTTS trong thôn Bê Đê, các thành viên Tổ hòa giải tuyên truyền, giải thích bằng tiếng Mạ để người dân dễ hiểu và tạo sự gần gũi, qua đó góp phần hòa giải ổn thỏa, không để phát sinh tranh chấp, mâu thuẫn kéo dài, gây mất an ninh trật tự ở địa phương. Nhờ vậy nhiều năm qua, các vụ vi phạm pháp luật tại thôn Bê Đê được kiềm giảm, không xảy ra tình trạng đơn thư, khiếu nại vượt cấp, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ ổn định. Không chỉ là sợi dây gắn kết người dân, K’Khoẹt và các thành viên trong Tổ hòa giải cũng thường xuyên nhắc nhở người dân xóa bỏ hủ tục, đồng thời, tích cực chung tay xây dựng buôn làng.

Bà Điểu Thị Prợt - Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thượng cho hay: “Có thể nói, công tác hòa giải ở thôn Bê Đê trong thời gian qua được Tổ hòa giải thực hiện đạt hiệu quả, giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, tình đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng, sự cảm thông, chia sẻ trong từng gia đình và toàn xã hội. Trong công tác hòa giải đã kêu gọi được các già làng, người có uy tín để tham gia giải quyết các vụ việc một cách thuận tình, hợp lý, trên cơ sở pháp luật. Qua đó, góp phần vào công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn ngày càng đi vào nền nếp, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, đem lại lòng tin cho Nhân dân trong công tác hòa giải”.